(Thethaovanhoa.vn) - 35 tuổi đời, hơn 20 tuổi đạo, có thể nói Đại đức Thích Phước Ngọc là một điển hình trong thế hệ tăng ni trẻ với những nỗ lực cứu khổ ban vui không mệt mỏi.
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam
- Khai mạc hội xuân tại kinh đô Phật giáo Việt Nam
Phép màu cho những mảnh đời bị bỏ rơi
Trăn trở có lẽ là điều đầu tiên bất cứ ai cũng cảm nhận được khi gặp gỡ và chuyện trò với Đại đức Thích Phước Ngọc. Ở vị tì kheo trẻ này không có cái thảnh thơi, tự tại của một người thoát tục, mà nặng trĩu những lo lắng rất đời thường. Không lo sao được khi thầy là người trụ cột trong một đại gia đình với hơn 200 đứa trẻ, lớn nhất hơn 10 tuổi, nhỏ nhất chỉ vài tháng, hữu duyên đến với cô nhi viện (CNV) trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đó là những đứa trẻ mồ côi, hoặc bị cha mẹ từ bỏ vì thân mang bệnh tật, hay vì nghèo túng. Còn có cả trẻ nhũ nhi được đặt trước cổng chùa trong chiếc khăn quấn vội, kèm mảnh giấy nhàu nát, nét chữ nghuệch ngoạc gửi chùa.
Khuôn viên CNV đầy ắp tiếng trẻ nô đùa, khóc cười, nghịch phá. Phía dãy phòng học, lứa lớn tuổi hơn thì học văn hóa, văn nghệ, và giáo lý Phật pháp. Nhóm khác tưới rau, nhặt quả trong khu vườn sinh thái Tình Thương để chuẩn bị cho bữa cơm chay chiều. Đó là những đứa trẻ thiệt thòi đến từ khắp nẻo cuộc đời, về đây nương nhờ bóng Như Lai, sống như anh chị em một nhà, không phân biệt sang hèn, xấu đẹp, nhất là không còn những oán phận, trách đời.
Thầy Thích Phước Ngọc và các bé ở CNV
Thầy Ngọc lật dở cho chúng tôi xem hồ sơ pháp lý của những đứa trẻ được CNV cưu mang. Rất nhiều trong số đó là con em của những nạn nhân trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, một tai nạn cầu đường được xem là nghiêm trọng nhất Việt Nam xảy ra cách đây 10 năm (26 tháng 9 năm 2007), tại xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, khiến 55 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Thầy kể, sau nhiều năm tu học và hoạt động Phật sự tại Thủy Điển, Đan Mạch và Anh Quốc, thầy về nước được một thời gian ngắn thì xảy ra tai nạn thảm khốc đó. Chứng kiến bao gia đình tan nát, những đứa trẻ bỗng chốc trở thành mồ côi, không nơi nương tựa, thầy nhiều đêm thức trắng, cầu nguyện và tìm lối thoát cho những sinh linh bé nhỏ. Ngay cuối năm đó, thầy trình lên UBND tỉnh Vĩnh Long đề án xây dựng CNV Phật giáo Suối Nguồn Tình Thương để làm nơi nương tựa cho trẻ thiệt thòi.
Sau những năm tháng bôn ba vận động nguồn lực xã hội cho dự án xây dựng CNV, với không ít chướng duyên, nghịch cảnh, cuối cùng CNV Phật giáo Suối Nguồn Tình Thương cũng chính thức được khai trương ngày 2/11/2012. Đây là cơ sở bảo trợ cô nhi có pháp nhân độc lập đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, nhận cưu mang trẻ mồ côi, khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn từ khắp mọi miền đất nước.
Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, CNV Suối Nguồn Tình Thương ngày hôm nay đầy ắp tiếng cười của những mảnh đời bé nhỏ tưởng chừng bị vùi dập bởi những biến cố cuộc đời. Lũ trẻ được lớn lên trong một đại gia đình dưới bóng Bồ Đề với tình yêu thương vô bờ của đội ngũ quản lý và giáo dưỡng tại trung tâm. Chúng được nuôi dưỡng nhờ những tấm lòng thiện nguyện từ khắp trong và ngoài nước.
Đại đức Thích Phước Ngọc làm thủ tục để nhận bé Y Đan về CNV
Cũng như bạn bè cùng trang lứa, chúng có những ước mơ, hoài bão cho tương lai của mình. Có trẻ muốn làm kỹ sư, bác sĩ, lại có em muốn xuất gia, theo gót sư phụ cứu độ cho đời. Em Nguyễn Văn Khánh Huy, học sinh trường THCS Thị trấn Tam Bình, Vĩnh Long, một trong những trẻ lớn ở CNV tâm sự: “Ở đây có rất nhiều em mang nghiệp lực bệnh tật. Có em bị khiếm thị, bị hội chứng Down, có bé bị thiểu năng, bệnh đầu to. Em là trẻ mồ côi, các em cũng là trẻ mồ côi. Em thương các em như em ruột của mình. Em luôn cố gắng học thật giỏi để trở thành bác sĩ, sau này chữa bệnh cho các em ở trung tâm”.
Không chỉ nhận nuôi tại chỗ hàng trăm trẻ, CNV Phật giáo Suối Nguồn Tình Thương còn nhận bảo trợ cho rất nhiều trẻ trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong và ngoài tỉnh.
Bé Y Thi
Nhập thế hành thiện cứu đời không ngần ngại
Đại đức Thích Phước Ngọc còn mang tâm huyết lớn lao giúp những phạm nhân từng lầm lạc tìm lại Phật tánh. Trong nhiều năm liền, ngoài những tặng phẩm vật chất và những buổi chia sẻ giáo lý Phật giáo về thuyết nhân quả và sự sám hối, thầy còn kiên trì giới thiệu công năng luyện thiền để giúp các phạm nhân tại Trại tạm giam Công An tỉnh điều phục tâm ác, khai mở tâm thiện, cải tạo tốt, sớm hòa nhập với cộng đồng, làm người có ích cho xã hội.
Con người vốn có tính thiện từ thuở chi sơ. Đạo Phật gọi đó là Phật tánh bình đẳng trong mỗi con người. Nhưng vàng không thuần khiết, người không ai hoàn mỹ. Trong suốt cuộc đời, không phải ai cũng tránh được lỗi lầm. Thiền định không chỉ là nhắm mắt ngồi một chỗ. Thiền định là tu dưỡng nhân cách trong thức tỉnh, từ cách nhìn, nghe, ngửi, ăn uống và đi đứng. Thực hành thiền và đức tin, dù theo tôn giáo nào cũng là hướng con người đến với giá trị Chân-Thiện-Mỹ. Đức Phật có Từ Bi, Thiên Chúa có bác ái.
Kinh Hòa bình Công giáo nói: "Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Vị tha và khoan dung không chỉ dành cho người khác, mà đích thực dành cho chính ta. Lòng vị tha, khoan dung sẽ giúp người buông gươm đao, bỏ hận thù. Kinh Phật cũng dạy: “Chỉ một ý niệm cũng khiến hoàn cảnh thay đổi”. Cho nên, chỉ một câu nói hay chỉ một nụ cười thôi đã đủ khiến kẻ ác quay đầu hướng thiện, thầy Ngọc nói.
Đại đức Thích Phước Ngọc là Ủy viên Ban Hoằng Pháp TƯ GHPGVN, trụ trì chùa Phước Quang đời thứ 5, đồng thời là người sáng lập, kiêm giám đốc điều hành trung tâm Cô nhi viện (CNV) Phật giáo Suối Nguồn Tình Thương, tỉnh Vĩnh Long. Thầy từng được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, và sự ghi nhận của nhiều cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, GHPGVN và các ngành. |
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN cho biết, Trung ương GHPGVN và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2015-2019, nhằm kết nối thanh niên với thanh niên Phật tử tổ chức các hoạt động an sinh xã hội. Tăng giới thời hiện đại không tìm đến lối sống ẩn dật để tu cho bản thân, mà dấn bước vào đời không chỉ để cứu nhân độ thế mà còn truyền cảm hứng hành thiện cho người khác.
Hơn bao giờ hết, thế hệ tăng ni trẻ tích cực kế thừa và phát huy những thành tựu của các bậc tiền bối, đem sức trẻ thực hành triết lý nhân văn của Phật giáo vì ấm no, an lạc của con người bằng những hoạt động thiết thực nhất và có thể nói thầy Thích Phước Ngọc là một trong những điển hình nhập thế hành đạo của Phật giáo Việt Nam. Ngoài tấm lòng từ bi hỉ xả, cần phải có một tâm huyết thật lớn, đặc biệt là tình yêu trẻ, mến già vô biên mới làm được như vậy, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đánh giá.
Từ Bi không chỉ thuộc về Phật giáo. Người Việt Nam ta vốn cón truyền thống tương thân tương ái. Mỗi chúng ta cùng thật tâm chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình, góp phần làm vơi bớt gánh nặng trong xã hội, ấy là ta đang tu hành. “Một tấm lòng son đi vạn dặm, Nghĩa cử từ bi thắng vạn lời”, thầy Ngọc chia sẻ.
Các bé chuẩn bị đến trường
Các bé đọc bài ở nhà
Vườn sinh thái tình thương
Phương Vũ
Tags