Chuyện vỉa hè: Muốn điềm đạm thì bớt xem ti-vi

Thứ Tư, 28/01/2015 17:00 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Có một ngày hơi buồn cho truyền hình. Ngày mà Điều ước thứ 7 phải ngưng phát sóng sau khi phát đoạn băng xin lỗi về chương trình vợ chồng người hát rong. Chương trình mới “Chết cười” có nguy cơ chết vì bị ném đá từ những người xem mà thấy rất khó cười...

Ai đời kiểu muốn "thanh" bằng cách... thành thật "tục" như “Càng chơi càng ra nước”, mấy người xem chịu nổi?! Chẳng cần đoan chính, chỉ cần biết ngứa mắt là tắt cái rụp màn hình.

Làm truyền hình giờ khó!

Truyền hình không thể như vỉa hè, nghĩa là không bạ gì cũng đưa lên sóng và phát được. Hôm nọ sau đình đám vụ tuổi cầu thủ, đài xin lỗi, tiếp đến vụ anh ca sĩ nông dân Lệ Rơi lên sóng. Chẳng có gì cũng vô số người lên tiếng. Lệ rơi đâu thì cứ rơi, truyền hình quốc gia không thể gọi đấy là ca sĩ, đừng vì thị hiếu mà bỏ qua trách nhiệm định hướng dư luận, định hướng thẩm mỹ cho người xem...

Vụ này yên vì không cần trả lời cũng yên, nó chỉ đáng thế. Đài không cần xin lỗi. Nói thật, tìm lời xin lỗi thì cả khán giả lẫn người làm chương trình đều mệt. Chương trình hay chẳng thấy ai khen, chứ chương trình có chút sạn là người ta ầm ầm chê trách. Nhưng cái vụ anh Thanh chị Đào thì quả thật là mệt. Khán giả than trời vì một chuyện cổ tích đổ bể. Những người đã xem, và đã khóc, uất ức như thể bị lừa nặng. Ngẫm lại mọi chuyện, nhân vật và những người làm chương trình hóa ra mê truyện cổ tích hơn khán giả, lỗi của họ ở đấy.

Bà chủ quán nước cho rằng, để đọc được cổ tích trong thời hiện tại, cần có những tư duy khác. Ai cũng thích những kết thúc đẹp, hơi hơi sến (đấy là lý do để lệ rơi trên đài truyền hình quốc gia). Dưỡng chất tinh thần nhiều khi cũng cần đổi món. Nếu đầu bếp có quá tay gia giảm, thì dù không ăn nổi do khẩu vị, cũng nên hiểu điều đầu tiên là những người làm chương trình đã cố gắng. Nạn nhân về cơ bản chính là nhân vật. Khán giả nổi giận với truyền hình đâu có lớn bằng việc họ nổi giận với nhau. Sự tan hoang đâu phải của một chương trình mà của vài gia đình vốn đã đầy đau khổ. Bà chủ quán nói vậy khi mấy ông khách cứ ngồi mổ xẻ tình hình mấy chương trình gần đây của đài. Năm hết, Tết sắp đến, cứ ngồi phân tích vì sao, vì sao nói chung chẳng để làm gì.

Dù sao chuyện đã xong, chẳng hiểu sao cứ phải thổn thức vì mất lòng tin, trong khi chẳng thiếu gì nơi cần đến lòng tin hơn là mấy chương trình cười và chương trình làm ra để lấy nước mắt người xem. Cuộc sống còn bao nhiêu là vấn đề. Hôm trước ngồi hỏi nhau vì sao lương 200 triệu cũng muốn bỏ việc. Hôm nay ngồi hỏi nhau tại sao thưởng Tết nơi này có, nơi kia không, nơi này nhiều nơi kia ít... Nói chung, chẳng đâu giống như mình muốn. Sống là cứ phải điềm đạm, một ông khách vừa hút thuốc lào vừa nói, muốn điềm đạm thì bớt xem ti-vi. Tuy nhiên, 90% người dân nước mình sống với truyền hình. Bà chủ quán đã nghe kể ở một vùng nọ, nhiều năm không có điện, đến khi lưới điện quốc gia tìm được đường về thì các hộ dân lập tức đi mua ngay ti-vi, không phải máy giặt hay máy hát hoặc tủ lạnh, tất cả đều mua ti-vi. Vậy nên trọng trách của đài trung ương phải nói là lớn lắm.

Cứ ngẫm ngợi linh tinh thế cho qua buổi sáng, để đến 12 giờ trưa lại bật bản tin thời sự...

Đấy, làm sao thiếu nổi truyền hình!

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›