Chuyện vỉa hè: Ngẫm về ước mơ ngôi nhà giá rẻ, trường học cho con...

Chủ nhật, 24/05/2015 11:30 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Nghe tên cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” do báo Tuổi trẻ và Ngân hàng Thế giới tổ chức, rất nhiều người cảm thấy hào hứng.

Một cuộc thi rộng rãi, không giới hạn chủ đề và khuyến khích sự sáng tạo... Ai cũng có quyền tham gia bởi ai cũng có ước mơ, ai cũng có quyền hình dung về tương lai tốt đẹp của đất nước, gia đình và bản thân mình. Viết về ước mơ cơ bản là dễ chịu, nhất là tính lạc quan, một phẩm chất tuyệt vời của người Việt Nam từ xưa đến giờ...

Kỳ vọng 20 năm tới: Một Việt Nam ngời sáng và thanh bình. Ảnh: báo Tuổi trẻ

Hỏi xem người ta mơ ước gì là một câu hỏi nói chung không khó trả lời. Ước mơ giản dị của Bác Hồ “Tôi mong đồng bào ai cũng đủ cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành...” là một ước mơ hơn nửa thế kỷ qua chưa hề cũ. Nhưng tất nhiên đất nước đã thay đổi rất nhiều, đồng bào còn thiếu cơm ăn áo mặc hay chưa được học hành chỉ là một bộ phận nhỏ thôi.

Nói chung người lao động đủ ăn. Thậm chí trong xã hội có cả một bộ phận đồng bào khác đông lên, giàu và rất giàu. Nghe nói trong TP.HCM hay Thủ đô Hà Nội có cả những trường tiểu học mà phụ huynh sẵn sàng đầu tư tiền tỷ để các cháu bé được dạy dỗ một cách tiên tiến hơn các bạn cùng trang lứa. Hay những chung cư cao cấp sang trọng đang mọc khắp nơi..., ngày nào cũng có người phàn nàn rằng điện thoại của họ sáng chiều rung lên vô số tin nhắn bán những căn hộ đắt tiền ở những thành phố đông đúc xinh đẹp.

Nhà ở hay trường học là những nhu cầu thiết yếu nhất, cũng là những thứ người ta ước mơ nhiều nhất, nếu ai đó làm một cuộc khảo sát xã hội học. Khoảng 80% người có thu nhập thấp mơ ước được ở trong một căn nhà giá rẻ để được trả tiền thuê nhà bằng lương công nhân rất thấp của mình. Cứ cuối năm học này đầu năm học kia, giữa nắng hè chang chang đổ lửa, nhìn các bậc làm cha làm mẹ thời nay lao từ trường nọ đến trường kia nộp đơn xin học cho con, thì hỏi họ mơ ước gì quá dễ. Hai mươi năm sau tình cảnh ấy có khác không? Nhìn ngược lại 20 năm trước, thì có nhẽ không, thậm chí chỉ mong đừng quá lên thêm vì trẻ em mỗi năm sinh ra vẫn rất nhiều và tâm lý cha mẹ 20 năm không tốt lên trong việc xin học cho con.

Mơ thì cứ mơ, viết thì cứ viết, đấy là quyền con người. Quan trọng nhất đâu có phải người ta mơ gì mà người ta thực hiện giấc mơ thế nào.

Không dễ thực hiện càng dễ mơ!

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›