Báo cáo này là kết quả nghiên cứu và khảo sát năm thứ tư liên tiếp trên phạm vi toàn quốc, dựa trên trải nghiệm của gần 14.000 người dân từ 63 tỉnh, thành và theo nó, khả năng chịu đựng sự vòi vĩnh của cán bộ công chức trong dân dường như gia tăng theo thời gian.
Điều này có nghĩa là người ta quen dần tham nhũng, bị đòi hỏi nhiều thì ức quá có thể tố cáo, chứ vặt vãnh thì im cho qua chuyện, cho được việc. Nếu lót tay cô y tá 20 nghìn đồng để cô ấy đâm kim tiêm vào tay người nhà mình nhè nhẹ hơn một chút, có vẻ như ai cũng chấp nhận.
Chấp nhận không có nghĩa là vui vẻ, nhưng cũng không có nghĩa là sẽ đi tố cáo. Hay như đưa phong bì cho giáo viên, phong bì cũng nhẹ thôi, mà cô tỏ ra yêu con mình hơn một chút, thì các bậc làm cha mẹ cũng không phàn nàn nhiều.
Ở đâu người ta cũng thấy việc lót tay là bình thường. Ngay trong cái khảo sát PAPI này, trong bốn năm qua, việc đưa “lót tay” và tình trạng “vị thân” trong tuyển dụng nhân lực công vụ, ngay cả ở cấp chính quyền thấp nhất trở nên phổ biến. Đáng chú ý, hiện tượng phải đưa “lót tay” để xin được việc trong cơ quan nhà nước dường như nổi cộm nhất, bởi có tới gần 50% số người được hỏi trên toàn quốc cho rằng có hiện tượng đó ở địa phương họ.
Cứ thế, việc tham nhũng vặt dần trở thành ổn định, người ta quen những cái vặt và không nghĩ đến sự tổn thương lớn từ những cái gọi là vặt ấy.
Với con người thì vậy, với cái cây người ta cũng đang áp dụng cái vặt, mỗi ngày lấn một chút ấy.
Thành phố đã ra quyết định ngừng chặt cây xanh, nhưng ở trên nhiều tuyến phố, những cây cổ thụ xanh tươi đang mỗi ngày chịu thêm một tổn thương không thể là vô ý. Hàng xà cừ trên đường Lê Duẩn gần Công viên Thống Nhất bị chém phần vỏ, mỗi ngày vết chém lại được nới rộng, là một ví dụ. Người ta bóc vỏ cây làm gì không ai hiểu, nhựa đỏ ứa ra mỗi ngày. Cây không phải người, không chịu nổi những trò đánh vặt như thế. Những tổn thương nho nhỏ, tưởng là nho nhỏ nhưng đem lại cái họa chết cây, chết người.
Rồi sẽ đến đâu, những chuyện tưởng như là vặt ấy?.
Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags