Năm ngoái, trước tình hình 2 đội bóng của TP.HCM đều lâm nguy, lãnh đạo thành phố cũng đã hỏi thăm, động viên rất nhiều nhưng kết quả là 1 đội xuống hạng, còn đội kia giờ cũng đang cố trụ hạng ở mùa này.
1. Chúng ta nghe khá nhiều lời quyết tâm của HLV Vũ Tiến Thành, một người con của bóng đá TP.HCM luôn khao khát đem lại một chân dung mới cho CLB TP.HCM. Vấn đề là không biết ông Vũ Tiến Thành ở đâu trong thời điểm cách đây 5 năm, để thấy rằng vấn đề hiện nay của bóng đá thành phố không phải là chuyện nỗ lực hay quyết tâm.
CLB TP.HCM hiện nay lên chơi V-League từ mùa 2017. Đội bóng này không liên quan gì đến Cảng Sài Gòn hay CLB TP.HCM trước đây cả. Nòng cốt của đội là lứa trẻ tự đào tạo của bóng đá thành phố, do HLV Lư Đình Tuấn dẫn dắt và có thể nói, là kết quả của một chiến lược làm bóng đá từ gốc sau các bài học "ăn xổi" từ Sài Gòn Xuân Thành hay Navibank Sài Gòn trước đó.
Nếu mọi chuyện cứ tuần tự như thế thì chẳng nói làm gì. Đội TP.HCM non trẻ khi đó có thể trụ hạng, hoặc xuống hạng, chắc cũng chẳng có vấn đề gì lớn. Đó là một "lợi thế" của những đội phát triển theo kiểu tự nhiên, áp lực không nhiều. Nhưng ngay khi đội bóng này thăng hạng, hàng loạt thay đổi đã diễn ra, từ vị thế tân binh, CLB TP.HCM hóa thành "đại gia" trong chớp mắt.
Thực ra nếu việc này xảy ra với Bình Định, với Công an Hà Nội thì chẳng nói làm gì. Nhưng bóng đá TP.HCM đã có quá nhiều bài học trước đó rồi mà. Không lẽ chẳng có kinh nghiệm gì được rút ra? Không ai nhìn thấy hệ lụy của cách làm bóng đá như vậy hay sao? Rốt cục thì mọi thứ cũng đã xảy đến trong mùa giải năm nay. CLB TP.HCM hiện được xếp vào nhóm chống xuống hạng, còn đội Sài Gòn FC thì chưa biết có đăng ký đá giải hạng Nhất hay không.
Nên nghe những lời tâm huyết của ông Vũ Tiến Thành thì cứ ghi nhận tinh thần của ông, chứ tương lai của đội bóng do ông Thành dẫn dắt thì rất mơ hồ. 5 năm đã trôi qua, mọi thứ quay lại điểm xuất phát nhưng hoàn cảnh thì rất khác.
5 năm trước, ít ra thì CĐV của CLB TP.HCM còn háo hức, hy vọng, ủng hộ. Bây giờ, liệu cái cảm giác ấy có còn không hay chỉ chán nản, vô vọng. Năm ngoái, 2 đội bóng còn có các doanh nghiệp lớn chống lưng, lãnh đạo quan tâm. Còn bây giờ, thậm chí còn chẳng ai biết CLB TP.HCM đang "sống" trên nguồn tiền nào? Chiếc áo họ đang mặc, không có tên nhà tài trợ, lực lượng thì vừa yếu vừa trẻ.
2. 40 tỷ đồng là số tiền mà nhà tài trợ của HAGL vừa công bố trong buổi họp báo ra mắt sau vụ lùm xùm trước giải. Đó là con số rất lớn, vì thế mà bầu Đức mới quyết liệt "đi đến cùng" trong vụ "chống độc quyền". Ngoài ra, số tiền đó cho thấy việc kinh doanh của HAGL được làm khá tốt cho dù đây chỉ là một CLB địa phương. Có thể nói, việc kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam cần có cách thức riêng chứ không nên chờ đợi vào nguồn tiền tại chỗ.
Vấn đề của mọi vấn đề trong bóng đá chuyên nghiệp, là tiền. Về lý thuyết, các đội bóng đóng quân tại những thành phố lớn, trung tâm kinh tế thì dễ kiếm tiền hơn các đội địa phương. Nhưng từ năm 2009 đến nay, bóng đá TP.HCM gặp vướng mắc lớn nhất là nguồn tài chính để duy trì các đội bóng. Các đại diện của họ xuống hạng và sau đó biến mất không hẳn vì lý do chuyên môn, mà chủ yếu vì cạn nguồn tiền. Đó là một nghịch lý, nhưng chẳng thấy có hướng ra nào cả.
Thế nên mới thấy ngạc nhiên. Đội bóng của HLV Vũ Tiến Thành bây giờ giống như quay lại vạch xuất phát hồi thăng hạng. Chuyện nỗ lực duy trì thì không nói, nhưng các yếu tố quan trọng, mang tính cốt lõi, quyết định cả chuyện tồn tại thì sao? Như đã nói, có nhiều tiền lệ rồi, kết cục cũng chẳng khó dự báo, nhưng suốt từ 2009 đến nay thực tế là bóng đá TP.HCM chủ yếu tìm cách "có cho được một đội bóng" chứ chưa từng có một hội thảo về việc kiếm tiền cho bóng đá theo đặc thù đô thị, hay chiến lược cụ thể nào để giữ cho CLB đó tồn tại. Thế mới có chuyện, làm suốt 5 năm nhưng mùa trước khi gặp lãnh đạo thì cả 2 đội đều "kêu" vì không có cơ sở vật chất, bao gồm cả một sân tập hoặc một đại bản doanh ra hồn.
Chẳng có gì hay khi TP.HCM chỉ còn 1 đội bóng, tính luôn cả giải hạng Nhất, mà ngay đội bóng đó cũng đang rơi vào tình trạng tìm cách trụ hạng. Tít mù rồi lại vòng quanh, làm bóng đá như vậy… mệt quá.