Đã mấy ngày trôi qua kể từ khi chủ nhân Quả bóng Vàng Việt Nam 2022 được xướng tên, những ồn ào tranh cãi tưởng chừng sẽ lắng xuống nhưng dường như lại càng dậy sóng theo hướng tiêu cực và kém văn minh nhất có thể.
Đáng buồn hơn, nó hoàn toàn không chú trọng về chuyên môn, thậm chí không thể hiện tình cảm yêu - ghét bộc phát của người hâm mộ, mà giống như một chiến dịch truyền thông bẩn có kịch bản, lớp lang đàng hoàng.
Ngay sau khi cái tên Văn Quyết được gọi trên sân khấu cho danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam 2022, ống kính truyền hình ghi ngay được hình ảnh khuôn mặt Văn Quyết, trầm tư và có cả thoáng nặng nề. Phải chăng, những trải nghiệm trong hơn mười năm "kiên cường" đá bóng - và thành công, giữa những mũi dùi thị phi của truyền thông và dư luận đã cho Quyết những linh cảm không hay về cơn bão mà anh sắp hứng chịu. Nhưng có lẽ giây phút đó, đội trưởng của CLB giàu thành tích nhất V.League cũng không ngờ được cuộc tấn công sẽ tàn bạo đến mức nào.
Văn Quyết - số 10 sinh nhầm thời
Đã có lúc, rất nhiều chuyên gia và người mộ điệu công tâm từng nói như thế về Văn Quyết và cả lứa cầu thủ mà anh là đại diện. Ở một xã hội tự nhận là hâm mộ bóng đá nhất nhì thế giới, nhưng tình yêu này chỉ trào dâng thành các cuộc đua xe xuống đường dựa theo thành tích của đội tuyển ở đấu trường khu vực, còn giải vô địch quốc gia luôn mặc định bị hắt hủi bởi những tính từ dè bỉu nhất, Quyết và lứa cầu thủ của anh không được hưởng những vinh quang cùng bóng đá Việt Nam của "thế hệ vàng" thời HLV Calisto; chịu càn quét của các cơn bão tiêu cực, giải thể, chuyển giao… suốt 5-7 năm trời lận đận, để đến khi thành tích quốc tế bắt đầu khởi sắc trở lại cùng HLV Park Hang-seo thì đã quá muộn màng.
Sự "nhầm thời" của Văn Quyết bắt đầu ngay từ những năm tháng đào tạo trẻ, khi anh là không kịp vào "lứa 1987" của Thể Công được đầu tư bài bản, tập huấn dài hạn ở châu Âu. Quyết thuộc nhóm cầu thủ cuối cùng được đào tạo dưới mái nhà Thể Công trước khi cái tên này bị "thu hồi". Thậm chí, ngay cả khi đã tưởng được yên ổn rèn giũa ở hạng Nhất trong đội bóng với cái tên "Trung tâm huấn luyện Viettel" thì nó cũng bị chuyển giao.
Mặc dù vậy, bên cạnh Ngọc Duy, Quốc Long của lứa 87, Văn Quyết lại là niềm tự hào cuối cùng, nổi bất nhất của Thể Công. Cũng may mà số phận cho anh chút ưu đãi khi đối tác nhận chuyển giao lại là Hà Nội T&T, để Quyết có nơi có chốn ổn định mà tập trung tập luyện, cống hiến suốt hơn chục năm qua và trở thành biểu tượng của CLB như bây giờ. Rất nhiều cầu thủ tài năng đã không có may mắn đó trong làn sóng chuyển giao, khi các CLB "chuyên nghiệp" cứ liên tiếp xuất hiện và liên tục biến mất trên bản đồ bóng đá Việt Nam.
Bây giờ thì ít người nhớ rằng Văn Quyết từng hai lần liên tiếp giành giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Việt Nam vào năm 2010 và 2011. Những tưởng số 10 mới 20 tuổi của U23 và ĐTQG Việt Nam sẽ gặt tiếp những thành công ở cấp độ mới, thì đợt giông bão đầu tiên ập xuống đầu Quyết.
U23 Việt Nam đại bại ở SEA Games 26 tại Lào, và theo thông lệ, dư luận từ các nhà điều hành, chuyên gia đến cả anh xe ôm, bà bán trà đá khẳng định chắc nịch: Có "bán độ". Các "thám tử mạng" thời đó hăng hái săn tìm bằng chứng màn hình Yahoo! Messenger rồi lên các forum tố cáo trận gặp chủ nhà "có mùi".
Chẳng hiểu sao người ta ít tập trung vào cú hỏng penalty của Trọng Hoàng, mà nhất tề tố cáo "biểu cảm thất vọng" của Văn Quyết khi Văn Thắng "bị bắt" ghi bàn nâng tỷ số lên 3-1. Cho dù cơ quan công an - vốn cử người theo dõi sát sao nhất cử nhất động của từng thành viên đội bóng, khẳng định không có tiêu cực gì, nhưng áp lực với người trong cuộc vẫn không bớt.
Kỳ AFF Cup đầu tiên của Văn Quyết, số 10 trẻ tuổi trong trận cuối cùng vòng bảng ngày 30/11/2012 nỗ lực "gánh team" cho Công Vinh mất phong độ, ghi bàn duy nhất vào lưới đại kình địch Thái Lan nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn có kết quả tệ hại nhất lịch sử khi chỉ được 1 điểm, thua 5 bàn, chỉ có 2 bàn thắng và bị loại. Đáng lưu ý, đây cũng là "bàn thắng Mười Năm", khi phải hơn 10 năm sau, ngày 13/01/2023 Tiến Linh mới làm rung lưới Thái Lan thêm lần nữa trong một trận đấu chính thức của ĐTQG.
Cứ thế, 4 kỳ AFF mà Quyết tham dự đem lại những dấu ấn hết sức lạ kỳ. Ba giải đầu từ 2012 đến 2016 anh chơi tốt thì ĐTQG thất bại. Đến kỳ cuối cùng, AFF Cup 2018, khi Văn Quyết tuy là đội trưởng nhưng dự bị ở những trận cuối thì tuyển Việt Nam đăng quang.
Độc lạ truyền thông Việt Nam.
Có người nói, trong mắt giới truyền thông Việt Nam cận đại, cầu thủ bị ghét nhất từng là Công Vinh, và bây giờ là Văn Quyết.
Với Văn Quyết, sự lựa chọn của truyền thông nhằm vào anh như một kẻ tội đồ bắt đầu từ SEA Games 2011 tại Lào như đã nói ở trên, có lẽ chỉ là nhất thời và khách quan vì Quyết "sinh nhầm thời" hoặc ngược lại, vì Quyết và cái ôm đầu là hình ảnh "đúng người, đúng thời điểm" để giải toả cho nỗi thất vọng của cả cộng đồng.
Nhưng sau đó, dường như mọi sự không còn đơn giản nữa. Văn Quyết trở thành "Người được lựa chọn" thực sự - một cách không may mắn cho khổ chủ. Sòng phẳng mà nói, lối chơi rất nhiệt mà cảm xúc bộc phát nhiều khi quá mức của Quyết cũng tạo cơ sở bào chữa cho sự lựa chọn đó.
Năm 2012, một nhóm truyền thông đồng loạt đòi loại Văn Quyết, Ngọc Duy, Quốc Long khỏi đội tuyển quốc gia vì sự cố xảy ra trong trận Hà Nội T&T với Sài Gòn Xuân Thành.
Năm 2017, một năm rất cố gắng của Văn Quyết trong màu áo CLB Hà Nội, tưởng như sẽ lần đầu tiên chạm tay vào danh hiệu Quả bóng Vàng hay Bạc, thì chỉ một tích tắc phản ứng bộc phát của Quyết trong pha bóng với Nghiêm Xuân Tú mà anh bị thẻ đỏ. Và dưới áp lực của truyền thông, Văn Quyết bị gạch tên khỏi danh sách ứng viên - cho dù chính cầu thủ Quảng Ninh đã lên tiếng minh oan cho Quyết, rằng cùi chỏ của anh chưa chạm người đối phương.
Năm 2019, một lần pha va chạm giữa Quyết với Đình Đồng trong trận đấu với Sông Lam Nghệ An lại thành tâm điểm đả kích, cho dù thực tế nó không nghiêm trọng và từ phía trọng tài lẫn ban tổ chức không có chế tài nào.
Trên thế giới, việc yêu một CLB, một cầu thủ dẫn đến ghét CLB khác, cầu thủ khác là lẽ thường. Không chỉ ở giới cổ động viên, dư luận mà ở cả tầm các phương tiện truyền thông như cuộc chiến giữa Marca và AS "phe" Real Madrid bên này giới tuyến và Sport, El Mundo Deportivo cùng Barca phía bên kia.
Nhưng thông thường, nếu không đơn thuần, thì chủ yếu xuất phát từ tình yêu bóng đá. Vì thế, nó có giới hạn văn minh. Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng có thể hiểu và thông cảm cho đôi chút sân si của người mộ điệu, của cả các nhà báo, phóng viên thể thao khi đã đặt tình yêu trong sáng cho một đội bóng đối với một đội bóng khác. Nó có thể bộc phát mạnh hơn khi có cuộc đối đầu, hay so kè nào đó giữa hai bên. Nhưng khó tưởng tượng các tờ báo hay CĐV thân Barca tiếp tục đả kích Real Madrid và đổ lỗi cho đối thủ khi đội bóng của mình - thí dụ, đang gặp khó khăn ở giữa bảng xếp hạng, hay khi Real Madrid vừa chiến thắng 1 trận với CLB khác trong tiến trình giành ngôi vương.
Liệu có là thiên kiến khi cho rằng, bão tố truyền thông càng vần vũ quyết liệt - trong đó đa phần vô lý, trên đầu Văn Quyết và CLB chủ quản khi họ càng thành công trong giải quốc nội?
Văn Quyết - hãy lặng im mà ngẩng đầu bước tiếp
Tiêu chí của mọi cuộc bầu chọn đều cố gắng rõ ràng, hạn chế cảm tính và tranh cãi. Với Quả bóng Vàng Việt Nam, đó là ảnh hưởng và thành công của cầu thủ ở ĐTQG và CLB. Nếu ĐTQG không có thành tích cao, thì sẽ xét tiêu chí CLB. Thực tế, năm 2022 ĐTQG đã thất bại, và ở bình diện CLB thì Văn Quyết nổi trội hơn.
Không chỉ vì thành tích CLB Hà Nội đã giành cú ăn 3 khi vô địch V.League, cúp Quốc gia và siêu cúp Quốc gia. Nó là là vai trò, vị trí của Văn Quyết ở CLB Hà Nội. Ở đây, Văn Quyết là biểu tượng, là người cùng CLB đi qua chặng đường dài khó khăn nhất - cùng với Thành Lương. Không có họ, CLB Hà Nội khó mà được như hôm nay. Không chỉ là đội trưởng, là đầu tầu kéo cả đội về đích trong mùa giải rất nhiều thách thức như V.League 2022, mà Văn Quyết còn là tấm gương, điểm tựa cho cả những thế hệ cầu thủ trẻ đang tập luyện tại đây.
Nhiều tờ báo đưa hình ảnh Tiến Linh lặng im bỏ về, bỏ lại cả Quả bóng Bạc mà với nhiều cầu thủ cũng là mục tiêu phấn đấu cả sự nghiệp. Và trách Văn Quyết… lặng im không bình luận gì. Có gì đó sai sai?
Có cả sự ví von, nếu Văn Quyết cư xử như Messi năm 2010, khi vượt qua những Iniesta, Xavi mà đoạt Quả Bóng Vàng FIFA cho dù chỉ tỏa sáng ở CLB Barcelona nhưng lép vế với ĐTQG Argentina. Thực ra, ngay sau đêm trao giải, Văn Quyết cũng đã chia sẻ với báo chí rằng anh không dám nghĩ mình đoạt Quả Bóng Vàng, và nếu xét ở cấp độ đội tuyển, thì Tiến Linh xứng đáng hơn.
Nhưng, khi tâm đã không trong thì sẽ không nghe, không nhìn được những điểm sáng. Hàng loạt bài, tin trên fanpage với những "gợi ý": "CLB Hà Nội mua giải", "Bầu Hiển thao túng bóng đá Việt Nam", "Bố trao QBV cho con rể" thật sự là một chiến dịch truyền thông "bẩn".
Những sự tranh cãi, phê phán chỉ có ích khi nó hướng tới tiến bộ. Với các cầu thủ trẻ - không chỉ của CLB Hà Nội, sự tiến bộ chắc chắn sẽ đến nếu nhìn theo tấm gương Văn Quyết, lầm lũi mà đi, im lặng mà tiếp tục tập luyện, thật bền bỉ. Văn Quyết lần đầu đoạt Quả bóng Vàng năm 29 tuổi, lần thứ hai này Quyết đã 32. Trong lịch sử, Minh Phương, Anh Đức cũng từng đoạt Quả bóng Vàng năm 30 tuổi. Đó là sự ghi nhận xác đáng cho cả quá trình tu dưỡng gian khổ trên sân cỏ chứ không phải ồn ào trên mặt báo.
Người viết đã hơn một lần gặp Văn Quyết đưa con trai đi học ở một trường công lập gần nhà. Nhìn Quyết chu đáo dựng xe, cẩn thận cho cậu bé ngồi vững trên yên dưới mái hiên một cửa hàng rồi kiên nhẫn chờ con ăn sáng trước khi vào lớp, sẽ hiểu hơn về con người của cầu thủ vốn được gọi bằng các tên "Quyết rừng", "Quyết tù trưởng" này. Và tôi tin những lời chia sẻ của Quyết: "Trong hành trình có lúc vui, lúc buồn, nhưng chúng ta đều sẽ về nhà…". Tôi tin rằng ngay cả trong cơn bão này, Quyết cũng tìm được sự chia sẻ, động viên của gia đình, đồng đội, của những chuyên gia và những cổ động viên chân thành. Quyết hãy lặng im và tiếp tục nỗ lực trên con đường sự nghiệp.
Tôi đã một lần phải tiếc cho Công Vinh khi không được ở một nền bóng đá tử tế…
Tags