(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn Nông Ích Đạt là người Tày đầu tiên của Cao Bằng làm đạo diễn điện ảnh (sau có NGƯT Hoàng Sự là người Tày thứ 2 làm đạo diễn sân khấu).
Ông là thế hệ nghệ sĩ đóng góp nhiều thành tựu sáng tạo cho nền điện ảnh nước nhà trong các thập niên 60, 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ trước; là thế vàng của Điện ảnh Việt Nam với nhiều bộ phim kinh điển cùng thế hệ đạo diễn “gạo cội” như: Phạm Văn Khoa, Nguyễn Hồng Nghi, Phạm Kỳ Nam, Hồng Sến, Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Bạch Diệp, Huy Thành, Khắc Lợi…
Không làm nhiều phim, nhưng dấu ấn của Nông Ích Đạt ở phim Kim Đồng (1964) đã đi vào lịch sử điện ảnh nước nhà với giải Phim thiếu nhi hay nhất tại Đại hội Điện ảnh Á - Phi lần thứ 3 tổ chức tại Jakarta (Indonesia) - Bộ phim Việt đầu tiên được vinh danh tại một Liên hoan phim quốc tế.
Xuất thân trong gia đình dòng dõi quyền quý, trước Cách mạng tháng Tám, gia đình đưa Nông Ích Đạt về Hà Nội học. Ở Thủ đô, ông có điều kiện được học tập, tiếp thu mở rộng phông văn hóa. Sau khi học xong Trung học, Nông Ích Đạt trở thành một viên chức ở Hà Nội. Cuộc “xê dịch” từ Hà Nội đến Đà Lạt, Sài Gòn đã cho ông nhiều trải nghiệm, tạo lập cho ông nhiều kiến văn ở các vùng miền. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nông Ích Đạt tham gia hoạt động sân khấu ở Chiến khu Việt Bắc.
Thế hệ đầu tiên của trường điện ảnh
Từ “Thủ đô gió ngàn” về Thủ đô Hà Nội, ông tiếp tục hoạt động ở lĩnh vực sân khấu - điện ảnh. Năm 1959, ông là học viên khóa đạo diễn đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam. May mắn khóa học của ông có thầy A.Ibragimov (người Nga) tài năng hướng dẫn. Các học trò chịu ảnh hưởng từ thầy đã dần định hình một phong cách đạo diễn điện ảnh riêng. Ngành điện ảnh trong những năm đầu ngoài Phạm Kỳ Nam từng học đạo diễn ở Học viện Điện ảnh Pháp (Institut des Hautes Études Cinématographiques), còn lại các nghệ sĩ đều mày mò tự học; vừa làm quen với điện ảnh từ những phim tài liệu, vừa rút kinh nghiệm để nâng cao chuyên môn.
Đến năm 1962, ngành điện ảnh mới có khóa nghệ sĩ đầu tiên đào tạo trong nước với các chuyên ngành đạo diễn, diễn viên, quay phim. Nông Ích Đạt cùng các bạn Hải Ninh, Hồng Sến, Vũ Phạm Từ, Huy Vân, Trà Giang, Thụy Vân, Tuệ Minh… là thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam.
Có thể kể đến những phim Nông Ích Đạt làm ở tư cách đạo diễn độc lập, hoặc phối hợp, như: Kim Đồng (cùng Vũ Phạm Từ), Kén rể (1975, cùng đạo diễn Phạm Văn Khoa); Cô giáo vùng cao (1969), Những con đường (1979), Bản đề án bị bỏ quên. Phim Hai người mẹ lẽ ra là phim ông được phân công làm đạo diễn, nhưng vì lý do sức khỏe, nên chuyển đạo diễn khác.
Dựa theo tấm gương người tốt việc tốt của cô gái Tày Tô Thị Dỉnh mong muốn đưa ánh sáng văn hóa đến với học sinh dân tộc vùng cao Tây Bắc, Nông Ích Đạt đã viết kịch bản và đạo diễn phim Cô giáo vùng cao (phó đạo diễn: Long Vân). Nhân vật chính trong phim là cô giáo Tô Thị Dỉnh do nghệ sĩ “Con chim vàng khuyên” Tố Uyên đóng; và đạo diễn cũng nhận một vai nhỏ (ông Lì)… Kén rể là bộ phim do Nông Ích Đạt tham gia đạo diễn cùng đạo diễn Phạm Văn Khoa; các diễn viên Trần Tiến, Mai Châu, Bùi Bài Bình, Mạnh Linh… và đạo diễn Nông Ích Đạt cũng nhận một vai nhỏ (ông chủ quán)...
Vũ Phạm Từ nói về người bạn đồng đạo diễn phim đầu tay với bao cảm mến: “Ông Nông Ích Đạt là một người rất thật thà, chất phác, vui tính, nói chuyện cực thông minh, hóm hỉnh”. Ông được đồng nghiệp cho là người thận trọng, khá tinh khi chọn diễn viên cho bộ phim mình đạo diễn và giới thiệu cho bạn bè. Các diễn viên Thanh Phương, Như Quỳnh, Lê Vân, Bùi Bài Bình… đã được ông nhìn thấy tố chất điện ảnh.
Đạo diễn Vũ Phạm Từ cho biết: Nông Ích Đạt rất kỳ công tuyển chọn diễn viên đóng phim Kim Đồng, đặc biệt là vai Kim Đồng (Thanh Phương đóng) và những người bạn của Kim Đồng. Ông như một người cha hiền lành, thân thiện, gần gũi, hướng dẫn diễn viên “nhí” đọc kịch bản; hướng dẫn cách diễn xuất tỉ mỉ; vỗ về khi “diễn viên khóc nhè” vì nhớ nhà; lo lắng, chăm sóc khi diễn viên bị ngã sái khớp, bong gân; dỗ dành khi diễn viên bỏ ăn vì không quen thức ăn của người Nùng... Ấy thế mà những chuyện “bếp núc” đó, ông Nông Ích Đạt giải quyết cứ êm ru. Diễn viên Thanh Phương đóng vai Kim Đồng thương ông lắm. Anh là một trong những người nhận làm con của bố Nông Ích Đạt.
Với NSND Như Quỳnh, cuộc gặp với đạo diễn Nông Ích Đạt là cơ duyên đưa chị đến bộ phim Bài ca ra trận (đạo diễn Trần Đắc). Cơ duyên đó bắt đầu từ năm 1973, đạo diễn Nông Ích Đạt tìm diễn viên cho bộ phim Hai người mẹ. NSND Như Quỳnh được đạo diễn Nông Ích Đạt giới thiệu và được đạo diễn Trần Đắc mời đóng vai y tá Mai trong phim.
Người thứ 2 ông phát hiện ra tài năng, tố chất điện ảnh chính là cô diễn viên múa ballet Lê Vân - con gái đầu của cặp nghệ sĩ Trần Tiến - Lê Mai. Đạo diễn Nông Ích Đạt đã mời Lê Vân tham gia phim Những con đường (1979) cùng các bạn diễn nổi tiếng, như: Bùi Bài Bình, Phương Thanh, Diệu Thuần, Quốc Trọng… Từ nhân vật Thuận - cô gái thôn quê ngây thơ, hồn nhiên, Lê Vân đã thăng hoa với nhiều vai diễn, để lại ấn tượng sâu bền trong lòng công chúng và vai Duyên trong Bao giờ cho đến tháng Mười đã đưa chị đến Giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ VII (1985). Ông vẫn tự hào nói với đồng nghiệp: “Lê Vân là do tôi phát hiện và đưa vào điện ảnh”. Sau này, Lê Vân đã nhận đạo diễn Nông Ích Đạt là bố nuôi và nói về ông với lòng biết ơn sâu sắc: “Cụ Đạt là người hiền lành, sốngchân thành, thật thà cả ngoài đời lẫn trong nghệ thuật. Xuất thân từ dòng dõi con nhà quyền quý, lại được đào tạo với chuyên gia nước ngoài từ lớp đạo diễn đầu tiên, cụ Đạt được ghi nhận thành công với bộ phim Kim Đồng làm về quê hương rừng núi của cụ”.
Người thứ ba ông mời đóng phim Kén rể ngay từ lúc đang học là NSND Bùi Bài Bình. Nghệ sĩ có tên “3B và 3 huyền” rất thương và kính trọng đạo diễn Nông Ích Đạt. Anh luôn gọi đạo diễn là bác “Bác Đạt là đạo diễn đầu tiên là người dân tộc thiểu số. Hoàn cảnh của bác Đạt thương lắm. Vợ chồng bác không có con, sống đạm bạc trong một căn nhà của Hãng Phim truyện. Bác là người sống chân thật, khảng khái, tận tụy, yêu quý anh em đồng nghiệp, không đố kỵ, không màng danh lợi. Bác quý anh Long Vân, Thanh Phương nhất. Anh Long Vân sau này nhận bác Đạt là cha và thường qua lại nhà thăm gia đình. Anh có được làm với bác Đạt hai phim Kén rể năm 1974 (đồng đạo diễn với Phạm Văn Khoa), phim Những con đường năm 1979. Bác làm phim nghiêm túc, cẩn thận lắm. Lúc anh chị sinh cháu đầu 1982 Bác Đạt còn tặng đôi tã Liên Xô…”.
Thành công từ phim đầu tay “Kim Đồng”
Dựa vào kịch bản Kim Đồng của nhà văn Tô Hoài cùng tư liệu lịch sử về Nông Văn Dèn và đội thiếu niên cứu quốc, 2 đạo diễn Nông Ích Đạt và Vũ Phạm Từ cùng chung nguyện ước bắt tay đạo diễn bộ phim Kim Đồng. Đây là tác phẩm đầu tay của đôi bạn cùng là học viên lớp đạo diễn khóa I do A.Ibragimov hướng dẫn.
Chọn đạo diễn bộ phim đầu tay là tâm nguyện của đạo diễn Nông Ích Đạt cũng là người dân tộc thiểu số, cùng quê hương Cao Bằng với anh hùng Kim Đồng. Nông Ích Đạt muốn tri ân quê hương từ bộ phim đầu tiên - vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc, nằm ở phía Đông Bắc, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và những truyền thuyết dân gian độc đáo.
Cùng chung tâm nguyện làm phim người anh hùng “Kim Đồng” với Nông Ích Đạt là Vũ Phạm Từ - người đóng góp cho ngành điện ảnh nước nhà từ những bước đi đầu tiên. Là cán bộ tuyên huấn ở Chiến khu Việt Bắc, ông đã có thời gian sống cùng đồng bào miền núi. Đó là những trải nghiệm quý giá, làm đầy đặn cho ông chất liệu pđời sống phong phú từ những phong tục, tập quán giàu bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Việt Bắc để làm phim “Kim Đồng”.
- Từ 'cái nôi' sân khấu - điện ảnh Việt Nam (kỳ 17): Hành trình 40 năm 'Đêm trắng'
- Từ cái nôi sân khấu - điện ảnh Việt Nam (kỳ 15): Lê Chí Kiên - người đưa 'Hồn Trương Ba...' vào rối
- Từ 'cái nôi' Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam (Kỳ 11): Lê Chức - Rút ruột để nhả giọng
Trước hết, 2 đạo diễn đã phát huy cao nhất kiến thức được học tập bài bản ở Trường Điện ảnh Việt Nam, nhất là kinh nghiệm đạo diễn từ thầy A.Ibragimov. Điều kiện thuận lợi như đã thấy, song áp lực đè nặng không hề nhỏ với 2 đạo diễn chính là việc xây dựng hình tượng một nhât vật có thật ở ngoài đời quá nổi tiếng như Kim Đồng quá được nhiều người yêu mến, ngưỡng mộ. Về tên thật của Kim Đồng là Nông Văn Dèn, hay Nông Văn Dền, nhà văn Hoàng Quảng Uyên khẳng định với tôi là Nông Văn Dèn chứ không phải Nông Văn Dền vẫn quen dùng: “Tôi khẳng định như thế là căn cứ theo cách gọi của dân làng Nà Mạ, căn cứ theo cách đặt tên người của dân tộc Tày - Nùng, căn cứ theo ngôn ngữ Tày - Nùng. Theo tiếng Tày - Nùng, Dèn có nghĩa là tiền. Vì gia đình nghèo, nên sinh Kim Đồng bố mẹ đều mong ước đứa con mình sau này có nhiều tiền, không còn nghèo khổ. Thêm nữa, “Dèn’ còn có nghĩa con mình quý như vàng, như bạc…”. Chốt ở câu cuối “Thế thôi chẳng có gì cao xa, bí hiểm cả. Kim Đồng là Nông Văn Dèn nhé” và nhà văn dân tộc Nùng Cao Bằng cười rất sảng khoái.
Kim Đồng là người đội trưởng đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc Nà Mạ (tiền thân của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, thành lập ngày 15/5/1941) cùng 4 đội viên đầu tiên là: Nông Văn Thàn (bí danh Cao Sơn), Lý Thị Nì (bí danh Thủy Tiên), Lý Thị Xậu (bí danh Thanh Thủy) và sau 2 tháng kết nạp thêm 2 đội viên là Lý Văn Tinh (bí danh Thanh Minh) và Triệu Văn Hùng (bí danh Quế Lâm). Tên Kim Đồng là do bác Đức Thanh (tức Đàm Minh Viễn) đặt cho Nông Văn Dèn. Kim Đồng có nghĩa là gang thép.
Xem phim Kim Đồng từ nhỏ và xem lại khi viết bài này, tôi vẫn rất ám ảnh hình ảnh Kim Đồng dũng cảm đánh lạc hướng quân giặc, chạy đến khu vực gần bờ suối Lê nin thì ngã xuống. Anh hy sinh vào ngày 15/2/1943 khi vừa tròn 14 tuổi làng Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Làm thế nào để phim Kim Đồng là bộ phim nghệ thuật không bị “lạc” sang phim minh họa “người tốt, việc tốt” vốn là một phong trào thi đua lớn, sôi nổi thời đó. Cả 2 đạo diễn cùng bàn bạc, tìm tiếng nói chung rằng: Làm phim nghệ thuật không chỉ dừng ở những hiểu biết từ cuộc đời Kim Đồng qua tư liệu.
Đành rằng, ai cũng biết Kim Đồng là một thiếu nhi yêu nước đã được giác ngộ cách mạng… Đạo diễn Nông Ích Đạt đã nghiên cứu tài liệu rất kỹ: “Đồng chí Bát Ngư là người đầu tiên giác ngộ cách mạng Kim Đồng và đồng thời là người giới thiệu Kim Đồng vào Hội Nhi đồng Cứu quốc. Cuối tháng Giêng năm 1941, sau khi Bác Hồ về nước và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, Kim Đồng vinh dự được gặp Bác Hồ tại hang Nộc Én ở trên núi sau làng Nà Mạ. Bác khen ngợi đội trưởng Kim Đồng mưu trí, nhanh nhẹn, dũng cảm. Bác khuyên Kim Đồng cùng đội viên hãy giúp đỡ, tích cực bảo vệ cách mạng, vừa hoạt động vừa học văn hóa, chính trị để sau này nước nhà giành được độc lập, góp phần xây dựng đất nước.
Câu chuyện xảy ra năm 1943 dựa trên câu chuyện lịch sử có thật về người anh hùng Kim Đồng dân tộc Nùng ở Cao Bằng… Phim xây dựng từ một kịch bản hư cấu nghệ thuật hoàn toàn sẽ dễ dàng hơn so với xây dựng nhân vật từ nguyên mẫu người anh hùng. Nhân vật từ ngoài đời đến hình tượng trên phim là cả một quá trình tái tạo nghệ thuật. Người làm phim cùng lúc phải đảm bảo tính nghệ thuật, nhưng đồng thời phải đảm bảo tính trung thực với nguyên mẫu có thật ngoài đời.
Bộ phim Kim Đồng (1964) thành công xây dựng hình tượng Kim Đồng nhờ có sự tham gia của cả ê kíp sáng tạo. Các nghệ sĩ đã nỗ lực, sáng tạo, hoàn thành bộ phim nghệ thuật về chân dung người anh hùng. Trước hết từ kịch bản “Kim Đồng” của nhà văn Tô Hoài đến nhà quay phim Hồng Sến; cặp đôi đạo diễn Nông Ích Đạt và Vũ Phạm Từ; cùng dàn nhạc Đoàn Văn công khu tự trị Việt Bắc và đặc biệt có sự tham gia của đội ngũ diễn viên: Hoàng Yến, Sĩ Cừ, Long Vân, HòaTâm…trong đó phải kể đến “dàn diễn viên nhí”, như: Lê Thanh Phương, Đỗ Thị Bích Vân, Thanh Phúc, Như Lẫm… Lê Thanh Phương “hóa thân” nhuần nhuyễn vào vai người đội trưởng thiếu niên Kim Đồng; Đỗ Thị BíchVân (1947) - con gái Hà Nội gốc vào vai Thanh Thủy - cô gái dân tộc Tày rất tự nhiên; các bạn trong đội thiếu nhi cứu quốc thể hiện chân thật từng vai diễn của mình.
Cả ê kíp đã kỳ công thâm nhập thực tế trên quê hương Kim Đồng. Ở mỗi bộ phận, các nghệ sĩ đều cẩn thận, chỉn chu, phân tích kỹ càng, sàng lọc từng chi tiết, chăm chút một cách tỉ mỉ từ trang phục, cử chỉ, tác phong… đến ngoại hình, ngoại cảnh. Nhờ những nỗ lực đó, cuộc đời Nông Văn Dèn lên màn ảnh đã được thể hiện chân thực, sinh động tính cách, diện mạo, sự giác ngộ cách mạng của nhân vật Kim Đồng.
Sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi rất nhiều tài năng, phông văn hóa, cảm xúc quê hương Cao Bằng. Đạo diễn đã xây dựng những hình ảnh đẹp, ấn tượng. Đó là cảnh Kim Đồng đi liên lạc mang theo lồng chim và cần câu. Cảnh vui chơi của các bạn trong độ tuổi thiếu niên nhi đồng (Hùng giỏi trò “trồng chuối”, cảnh vui chơi và canh gác của Cao Sơn, Thanh Thủy, Thủy Tiên…). Cảnh các bạn làm ám hiệu bằng tiếng mõ tre đánh động cho các chú trong hang. Cảnh mẹ Kim Đồng chứng kiến con trai bị bắt và nhất là hình ảnh Kim Đồng đánh lạc hướng quân giặc hy sinh trên cánh đồng...
Bắt đầu sản xuất năm 1963, hoàn thành năm 1964, bộ phim Kim Đồng từ khi công chiếu đã đưa hình ảnh người đội viên thiếu niên dân tộc Nùng và cũng là người đội trưởng đầu tiên của tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh lên màn ảnh.
Bộ phim đã được gửi tham dự Liên hoan phim quốc tế (lúc đó gọi là Đại hội Điện ảnh) Á - Phi lần thứ 3 tổ chức tại Jakarta (Indonesia) và đoạt giải Phim thiếu nhi hay nhất - là bộ phim Việt Nam đầu tiên được Liên hoan phim quốc tế ở khu vực vinh danh; đoạt 3 giải cho Quay phim xuất sắc nhất, Dựng phim xuất sắc nhất và nam diễn viên chính xuất sắc nhất… Tại LHP Việt Nam lần thứ II - 1973, bộ phim Kim Đồng đã đoạt giải Bông Sen Bạc.
(Còn tiếp)
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Tags