Tình hình các khoản cấp tín dụng và các giao dịch đối với khách hàng là Tập đoàn FLC và Công ty Cổ phần Đại Nam; dư nợ cho vay bất động sản và khả năng tăng trưởng đến từ các sản phẩm mới... là một vài nội dung nổi bật được các cổ đông đặc biệt quan tâm trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) diễn ra hôm nay 23/4 tại Tp. Hồ Chí Minh.
Trả lời chất vấn của cổ đông liên quan đến Tập đoàn FLC, Tổng Giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết: "Việc quản lý rủi ro ở OCB rất chặt chẽ, các khoản cho vay FLC đều có tài sản đảm bảo bằng bất động sản là trên 2.000 tỷ đồng. Đất đai mà ngân hàng nhận là có sổ chứ không phải hình thành trong tương lai. Ngoài dư nợ cho vay FLC, OCB cũng cho vay Bamboo Airways. Giống như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), hiện nay OCB cũng đang thương thảo thu nợ trước hạn dự kiến 1.500 tỷ đồng".
Ông Tùng nhận định FLC là tập đoàn có nhiều dự án triển khai ấn tượng ở Quảng Ninh, Quy Nhơn, Bình Định, Thanh Hoá. Định hướng phát triển của OCB là đẩy mạnh phát triển mảng bán lẻ. Thời gian qua, ngoài FLC, OCB cũng cho vay các chủ đầu tư khác như Khang Điền, Nam Long, Sơn Kim Land. OCB cho vay Tập đoàn FLC chủ yếu tập trung vào 2 dự án ở Quảng Ninh. Khi cho vay OCB căn cứ vào từng dự án cụ thể, có đầy đủ pháp lý, giải phóng mặt bằng xong mới cho vay.
"Trước khi sự việc ông Trịnh Văn Quyết xảy ra, đây là khách hàng tốt, luôn đảm bảo trả nợ đúng hạn. Hiện tại, các bên cũng phối hợp với Ngân hàng xử lý việc này. Quan điểm của Ban lãnh đạo ngân hàng là với những dự án đang triển khai, có nguồn thu thì tạo điều kiện để họ bán và thu tiền về", Tổng Giám đốc OCB nhấn mạnh.
Còn đối với các khoản vay của Tập đoàn Đại Nam, ông Tùng cho biết Đại Nam đã trả cho OCB 450 tỷ đồng, dự kiến với nguồn thu của mình, Đại Nam sẽ đủ năng lực trả nợ cho OCB và các ngân hàng khác. Hơn nữa, các khoản nợ của Đại Nam không đáng lo, tất cả đều có sổ đỏ.
Trước lo lắng của cổ đông về các sự việc liên quan FLC và Đại Nam ảnh hưởng tới kế hoạch tín dụng của ngân hàng thời gian tới, OCB khẳng định sẽ kiểm soát tín dụng bất động sản, mở rộng cho vay bán lẻ và khả năng kiểm soát nợ xấu dưới 1% là khả thi.
Nói rõ về việc hạn chế cho vay bất động sản, ông Tùng chia sẻ: "Chủ trương của Nhà nước là hạn chế về cho vay kinh doanh bất động sản, còn đáp ứng các nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn được khuyến khích. Do đó, OCB cũng mở rộng theo hướng này".
Năm 2022, OCB đề ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 29% so với năm trước, đạt 7.110 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tại thời điểm cuối năm 2022 tăng 25% so với đầu năm, lên mức 230.112 tỷ đồng. Huy động vốn và tín dụng lần lượt tăng 23% và 25%, đạt 155.003 tỷ đồng và 129.493 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục kiểm soát dưới 1%.
OCB đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ năm 2022 thêm 4.186 tỷ đồng lên 17.885 tỷ đồng. Cụ thể, OCB sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 4.127 tỷ đồng thông qua việc phát hành 412,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30% và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Với số vốn tăng thêm, OCB sẽ dùng hơn 908 tỷ đồng đầu tư mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất và gần 3.278 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay.
- Bộ Công an đề nghị 8 ngân hàng cung cấp hồ sơ liên quan vụ án tại Tập đoàn FLC
- Vụ Tập đoàn FLC: Khởi tố Trịnh Thị Minh Huế
- Các khoản nợ của Tập đoàn FLC có đáng lo ngại?
OCB cho biết, với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng.
Sau khi tăng vốn, Ngân hàng Aozora của Nhật Bản (Aozora Bank) hiện là cổ đông lớn của OCB với tỷ lệ sở hữu không đổi là 15%.
Cập nhật tình hình kinh doanh quý I/2022, tổng tài sản OCB tăng 2%, dư nợ tăng 6%, lợi nhuận trước thuế 1.115 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thay đổi về chính sách trích lập dự phòng rủi ro, ngân hàng trích bổ sung dự phòng phân nhóm nợ trong báo cáo tài chính quý I nên lợi nhuận đạt 836 tỷ đồng.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Tùng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% trong cả năm là thách thức tuy nhiên OCB sẽ phấn đấu đạt được khi đáp ứng đầy đủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước để được cấp room tín dụng ưu tiên.
Lê Phương/TTXVN
Tags