- Vợ chồng trẻ kiếm trăm triệu/ tháng nhưng vẫn ở nhà thuê, làm gì cũng tiết kiệm: "Nếu không biết đủ thì lúc nào cũng thấy thiếu"
- Mua Mercedes GLC 300 hay lấy bản base tiết kiệm 500 triệu đồng, bảng so sánh chi tiết này sẽ giúp bạn lựa chọn dễ dàng hơn
- Bà lão 70 tuổi bật khóc: Sau khi tiết lộ quỹ tiết kiệm với con, cuộc đời trở nên khốn đốn, đúng là có những chuyện 'sống để bụng, chết mang theo'
Những hội nhóm này thu hút sự tham gia của hàng chục triệu người cùng thảo luận về kỹ năng tiết kiệm tiền, trò chuyện cởi mở về “nghệ thuật của sự keo kiệt”.
Cô gái Vương Thần Ái 32 tuổi, đi làm được 9 năm tại Nam Kinh (Trung Quốc) đã mua được 2 căn nhà làm bùng nổ sự chú ý trên mạng xã hội đất nước tỷ dân. Cô Vương chia sẻ mình tiết kiệm 90% thu nhập hàng tháng, nói không với tụ tập đồng nghiệp, quần áo dùng từ đồ bạn bè không mặc nên mỗi năm chỉ chi chưa đến 100 NDT (tương đương 300.000 đồng) cho quần áo. Nhu yếu phẩm hàng ngày cũng tận dụng đồ miễn phí càng nhiều càng tốt, tiết kiệm điện trong nhà hết mức có thể.
Chia sẻ của Vương Thần Ái đã làm nổ ra những cuộc tranh cãi, có người cho rằng cô có tầm nhìn dài hạn và đầu tư tiền vào bất động sản là lựa chọn sáng suốt nhưng cũng có người nhận định cô Vương đã quá hà khắc với bản thân, đánh mất niềm vui cuộc sống.
Keo kiệt vì tương lai
Sau khi chương trình về Vương Thần Ái lên sóng, các nhóm trên mạng xã hội Douban như "Hội phụ nữ keo kiệt", "Hội đàn ông keo kiệt", "Hội du học sinh keo kiệt"... xuất hiện ngày càng nhiều, thu hút sự tham gia của hàng chục triệu người cùng thảo luận về kỹ năng tiết kiệm tiền, trò chuyện cởi mở về “nghệ thuật của sự keo kiệt”.
Họ trao đổi những kinh nghiệm tiết kiệm của bản thân, cách tận dụng đồ đạc cũ cũng lên án sự phung phí và chủ nghĩa tiêu dùng trong xã hội hiện nay. Có những bài đăng thu hút như “Tôi đã mặc chiếc áo khoác 135.000 đồng trong 9 năm”, “Cách tự làm tủ sách từ A-Z”, “Tôi muốn mua đồ giảm giá, hãy cùng gọi nhau dậy vào lúc 0h”...Trần Đông Đông, một sinh viên đại học vừa tốt nghiệp ở Bắc Kinh cho biết toàn bộ đồ nội thất trong nhà đều được cô nhặt về từ một chung cư cao cấp, gần như mới tinh khiến cô vô cùng tự hào.
Các thành viên trong hội nhóm này nhấn mạnh họ không “tằn tiện vì nghèo”, đơn giản đó là lối sống họ chọn, gắn liền với giá trị và thói quen tiêu dùng bền vững thay vì chạy theo những sản phẩm tiêu dùng nhanh. Ngay cả Vương Thần Ái cũng là nhân viên văn phòng có mức lương khá cao nhưng cô cảm thấy an toàn khi tích lũy được nhiều tiền, việc tiết kiệm được nhiều tiền cũng chính là niềm vui của cô.
Kate Hashimoto, một kế toán có lương 120.000 USD mỗi năm (tương đương 2,8 tỷ đồng) cũng lựa chọn sống tằn tiện, không mua quần áo mới, ăn thức ăn bỏ lại ở các khu phố sang trọng để mua được nhà ở New York. Cô cho biết mình tiết kiệm để bản thân cảm thấy an toàn hơn sau khi nhận ra “không có công việc nào đảm bảo kéo dài mãi, nên tôi sẽ sống như thể mình có thể bị sa thải bất cứ lúc nào”.
Ngoài những hội nhóm tiết kiệm thông thường còn rộ lên cả hội những người muốn nghỉ hưu sớm sau khi đạt tự do tài chính. Họ đặt mục tiêu tiết kiệm 25 lần chi phí sinh hoạt hàng năm, quản lý chặt chẽ từng đồng chi tiêu của minh. Những người này cho biết họ sẵn sàng hy sinh nhiều niềm vui ở hiện tại như mua sắm, xem phim, ăn hàng quán để tương lai không cần đi làm fulltime 8 tiếng/ngày mà có thể sống cuộc sống hưu trí sớm hơn những người khác.
Vì sao nhiều người trẻ chủ động giảm ham muốn vật chất?
Theo Vương Thần Ái, cô sống theo nguyên tắc tối giản bởi trải nghiệm làm việc trong lĩnh vực quảng cáo đã cho cô thấy xã hội đang kích động sự lo lắng của người tiêu dùng. Nhiều người rút ví để mua những thứ không phù hợp với thu nhập của họ chỉ để tô điểm cho bản thân sang chảnh trong mắt người khác, điều này không có nhiều ý nghĩa với cô Vương.
Gia đình cũng ảnh hưởng đến lối sống tiết kiệm của cô khi từ nhỏ, Vương Thần Ái luôn được bố mẹ nhấn mạnh về việc tiền rất khó kiếm, không nên lãng phí từng đồng nên dần dần cô Vương cũng tin rằng “không cần thiết thì không mua”.
Một số người trẻ khác từng vướng vào vòng xoáy của việc mua sắm, giải trí vô tội vạ như cô gái Mao Mao ở Thượng Hải nhận thấy bản thân đã sống quá buông thả khi bản thân cô rơi vào tình trạng thiếu tiền để chữa bệnh cho con gái. Chủ đề “Khoảnh khắc bạn nhận ra mình nên tiết kiệm tiền” trên một mạng xã hội đã thu hút 170 triệu lượt xem, đặc biệt là thế hệ 9x đang lơ lửng ở ngưỡng 30 tuổi.
“Bạn gái rủ tôi đi thi bằng lái xe cùng, nhưng tôi không có tiền đóng học phí”, “Sau khi tôi phải phẫu thuật, nhà không còn đồ vật nào giá trị”,”Tôi nghe nói một người bạn học đã mua nhà và kết hôn dù lương không cao bằng tôi, trong khi đến giờ tôi vẫn chẳng sở hữu nổi nhà hay xe”... là những bình luận thảo luận về chủ đề trên.
Dịch bệnh Covid-19 đã thay đổi nhận thức của nhiều người về một loại rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào, gây ra khủng hoảng trong thời gian dài mà nếu không có sự chuẩn bị trước, bạn sẽ khốn đốn. Nhiều người sau khi trải qua giai đoạn bị giảm thu nhập, mất việc làm mới cảm thấy cuộc sống này quá bấp bênh và việc có một khoản tiền “phòng thân” vô cùng quan trọng trong những tình huống khó khăn như thế này.
Vậy nên trong và sau khi dịch Covid-19, từ khóa “tiết kiệm tiền” hay video chia sẻ thói quen tiết kiệm, quản lý tài chính có thể thu hút hàng triệu lượt thích trên mạng xã hội. Báo cáo của Yu'e Bao về tiết kiệm tiền năm 2020 cho thấy tiền tiết kiệm bình quân đầu người của thế hệ 9x Trung Quốc đã tăng gần 40%.
Suy cho cùng, có người đạt được niềm vui và thỏa mãn khi mua sắm nhưng cũng có người nhận lợi ích khi tiết kiệm, đó là sự lựa chọn lối sống của bản thân, không có sự đúng sai, tốt xấu hoàn toàn mà đơn giản chỉ là sự phù hợp. Như bản thân Vương Thần Ái vẫn nhấn mạnh mình tôn trọng chủ nghĩa tiêu dùng của mọi người và “đừng để bản thân trở thành nô lệ của việc tằn tiện”.
Tags