(Thethaovanhoa.vn) - Các video luyện vũ đạo của thần tượng K-pop thường được phát hành như một sản phẩm dành cho fan, bên cạnh các MV chính. Có điều, dù mang chất lượng thấp, ngoại hình và trang phục của các thần tượng không được chau chuốt, phòng tập chật chội và nghe rõ tiếng rít kin kít của giày thể thao trên sàn nhà, loại sản phẩm này lại có sức hút đáng kể trong cộng đồng fan K-pop.
Mới đây, video luyện tập vũ đạo How You Like That của Blackpink đã trở thành trường hợp đầu tiên thuộc loại này cán mốc 500 triệu lượt xem trên YouTube trong tháng 1. Có nghĩa, các video về luyện vũ đạo đã trở thành một phần quan trọng của hiện tượng K-pop.
Bằng chứng về sự khổ luyện
So với những MV hoặc video biểu diễn trên sân khấu, hiệu ứng hình ảnh của các clip vũ đạo này khá thấp, giảm thiểu phần biên tập và khiến người xem chỉ tập trung vào các phần biểu diễn qua một lần quay.
Dù vậy, những video được thực hiện vụng về này đang có xu hướng phát triển thành những clip được đầu tư về chất lượng hình ảnh và âm thanh, sau khi các công ty quản lý nhận ra tiềm năng tiếp thị và khả năng hút khách của chúng.
“Trong các nhóm K-pop, yếu tố quan trọng tương đương với âm nhạc chính là vũ đạo. Khi các nhóm nhạc thần tượng có cơ hội giới thiệu sản phẩm mới của mình trên các chương trình truyền hình, họ thường hát kèm với trình diễn màn vũ đạo được biên đạo hoàn hảo” - Lee Gyu Tag, Phó giáo sư văn hóa học tại Đại học George Mason Hàn Quốc, nói với tờ Korea Times. “Vì vũ đạo là yếu tố cần thiết với K-pop, các video luyện tập nghiễm nhiên trở thành sản phẩm mà người hâm mộ cũng mong đợi không kém gì các MV”.
Niki Chen, một người hâm mộ K-pop sống tại New York, nói thêm rằng các video luyện tập vũ đạo cũng là bằng chứng thực tế về nỗ lực và kỹ năng của các nghệ sĩ.
VIDEO trình diễn vũ đạo "How You Like That" của Blackpink:
“Xem những màn thể hiện... kém bỏng bẩy hơn của thần tượng so với những gì từng thấy trong các video nhạc, ta sẽ hiểu họ làm việc chăm chỉ như thế nào. Và với những màn tập luyện ấy, bạn sẽ càng nôn nóng được xem màn trình diễn hoàn chỉnh” - Chen nói.
Trong clip luyện vũ đạo How You Like That của Blackpink, người hâm mộ có thể nhìn thấy chi tiết các chuyển động và trang phục của từng thành viên tại một phòng thu ngập tràn ánh đèn hồng.
Trong khi đó, video luyện tập vũ đạo có bài hát chủ đề Candy của Baekhyun EXO lại có ánh sáng lộng lẫy và chuyển động máy quay năng động hơn bằng cách quay 180 độ và các góc nghiêng đột ngột theo nhịp bài hát.
Đôi khi, các nghệ sĩ cộng tác với các kênh vũ đạo khác trên YouTube. Sau khi phát hành ca khúc hit Hip vào năm 2019, các thành viên Mamamoo đã biểu diễn cùng các biên đạo chính trong 1Million Dance Studio. Đoạn clip được tải lên cùng với một video luyện tập chuẩn hơn, trong đó các thành viên nhảy trong những bộ “thường phục” bên trong tòa nhà của công ty quản lý của họ.
Xu hướng phát hành nhiều phiên bản tập luyện vũ đạo cho cùng một bài hát cũng đang trở nên phổ biến. Chẳng hạn, nhóm nhạc nữ Twice đã giới thiệu 2 video vũ đạo cho ca khúc Cry For Me với các chuyển động ánh sáng và camera khác nhau, trong khi nhóm nhạc nữ mới Aespa cũng phát hành 2 video riêng biệt về vũ đạo được sử dụng trong Black Mamba, gồm phiên bản tiêu chuẩn và “techwear” (phong cách thời trang sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến về chất liệu, kỹ thuật…).
Đối với ca khúc Dynamite đứng đầu bảng xếp hạng Billboard, nhóm siêu sao BTS đã phát hành một video luyện vũ đạo bổ sung, trong đó 7 chàng trai biểu diễn phiên bản “dance break” (những đoạn phô diễn kỹ thuật nhảy trên nền nhạc không lời), bao gồm một đoạn nhạc với vũ đạo bổ sung không có trong video nhạc chính thức.
Sự phổ biến của những nội dung như vậy thậm chí còn dẫn đến sự ra đời của kênh YouTube có tên Studio Choom do kênh truyền hình cáp Mnet của CJ ENM. Kênh chỉ có các màn trình diễn vũ đạo “one-take” (loại video nhạc quay một mạch từ đầu đến cuối mà không hề có sự biên tập chỉnh sửa ở khâu hậu kỳ) của một số thần tượng K-pop từ nhiều góc độ và dưới nhiều ánh sáng khác nhau.
Khi các thần tượng K-pop... gần hơn
Theo Phó giáo sư Lee, nhu cầu ngày càng tăng của người hâm mộ đối với những nội dung như vậy có liên quan đến xu hướng của thế hệ Gen Z, những đối tượng chính của K-pop. Những tín đồ này đã quen với việc xem nội dung văn hóa và cũng tự nguyện sản xuất, chỉnh sửa, tải lên và thảo luận về các phiên bản của riêng họ.
“Văn hóa của người hâm mộ trong việc sản xuất nhiều sản phẩm thứ cấp bắt nguồn từ âm nhạc và video K-pop thực tế. Chúng hình thành từ cuối những năm 2000 và giúp K-pop trở nên lan truyền hơn. Người hâm mộ sẽ tải lên và tương tác với các phiên bản của nhau, qua đó sử dụng YouTube như một cộng đồng trực tuyến K-pop khổng lồ” - Phó giáo sư Lee nói.
- 11 nam thần Kpop có kỹ năng vũ đạo giỏi nhất: BTS, Seventeen, NCT
- Cư dân mạng mê mẩn vũ đạo của Rose Blackpink, ngắm 10+ thời khắc mãn nhãn
- 10 vũ đạo 'hot' trong năm 2020: Từ Justin Bieber đến Blackpink
Thực tế, để sản xuất các bản cover của video dance, người hâm mộ phải có khả năng học và làm theo các bước nhảy. Nhưng MV và video biểu diễn trên sân khấu không phải là sản phẩm lý tưởng cho mục đích này bởi trong các video đó liên tục chèn các cảnh quay khác để dẫn dắt câu chuyện hoặc sự đan xen giữa các cảnh quay cận cảnh và cảnh dài. Đó là một lý do khiến các video tập vũ đạo được xem nhiều như vậy.
Ở một góc độ khác, các video dance cover cũng được cho là tạo cơ hội cho người hâm mộ quốc tế hình thành tâm lý gắn bó với thần tượng như những “đồng nghiệp đặc biệt” của mình.
“Một trong những người bạn của tôi là thành viên của nhóm học nhảy. Anh coi các video như một cách để đến gần hơn với nhóm K-pop, bởi trải nghiệm như thế này khiến họ hiểu biết hơn về màn trình diễn của thần tượng yêu thích. Họ cũng có thể tham gia các cuộc thi trực tuyến” - Chen nói
Video luyện tập vũ đạo, chỉ giới thiệu các khía cạnh biểu diễn mà không bị gián đoạn hình ảnh động, cung cấp một tư liệu vững chắc cho những người đam mê vũ đạo. |
Việt Lâm
Tags