(Thethaovanhoa.vn) - Cô mặc sầu sử dụng lối trần thuật mộc, cốt truyện mở dần ra, càng lúc càng rộng, càng sâu theo hành trình những bản báo án của chàng sinh viên tên Khoa đi làm khóa luận. Diễn biến vụ án leo thang, dẫn dắt nhân vật và độc giả khám phá vùng đất Cô mặc sầu.
Ở đó, cảnh vật và con người, hiện thực và truyền thống, vẻ đẹp hoang sơ và hiện thực trần trụi như “nhảy bổ” vào nhau. Nhảy bổ chứ không phải hòa quyện. Lạ lùng thay, mỗi cú nhảy tạo ra một sự trùng khít như hai bên sinh ra để dành cho nhau không hề khiên cưỡng.
Nguyễn Đình Tú chối từ cách diễn đạt phức tạp hóa vốn rất điêu luyện qua nhiều tác phẩm trước. Ở Cô mặc sầu, Nguyễn Đình Tú chọn cho mình vị trí một nhà văn chứ không phải Sherlock Holmes.
Vụ án tưởng chừng rất ly kỳ, gay cấn vượt qua tất thảy quan niệm “tưởng chừng” để về đích bằng cốt lõi của nhân học: Nguồn gốc một con người. Mở đầu tiểu thuyết, cậu sinh viên khoa Nhân học đặt câu hỏi: “Người ta thường chuẩn bị những gì cho một chuyến đi xa?”.
Câu trả lời mênh mông hơn bất cứ hành trang nào có thể mang theo. Chuyến điền dã của cậu sinh viên kết thúc ở nơi chuyến về nguồn của cô bé lạc loài tên Min bắt đầu.
Hóa ra, vụ án chỉ là cái cớ. Con đường chỉ là cái cớ. Địa danh chỉ là cái cớ. Những cái cớ thúc giục nhau tạo thành không gian chứa đựng nội dung tác phẩm: Sự trở về, niềm khát khao tìm kiếm nguồn gốc, dân tộc và tình yêu.
Người đọc có thể lạc vào xứ sở hoa Dạ Thảo Phong lạ lẫm, quay quắt theo chuyện tình ngang trái của Duy và Roy, lâng lâng đắm đuối với những đoạn thơ cháy bỏng, nhưng những điều đó chỉ là nền để, vô tình và cố ý, đón một điều hoàn toàn bất ngờ: nhân vật “muộn màng” Min.
Cô gái thất lạc nguồn cội này là chiếc chìa khóa mở cánh cửa câu chuyện của bà Tất Nhưng, về cánh rừng Trâu Húc, về hoa Dạ Thảo Phong, về phong tục tập quán trong đó có nghệ thuật ẩm thực của người dân tộc Vị, và đặc biệt về cây trâm cài đầu - qua đó, mở cánh cửa vụ án.
Cốt truyện dựa theo một vụ án ly kỳ, có dư mưu mô, máu chảy, lòng tham. Đáng ngạc nhiên là, Nguyễn Đình Tú khai triển hành trình tiểu thuyết trên một cung đường thơ mộng vô cùng. Tâm tư giới trẻ, tình yêu đôi lứa, quan hệ xã hội được trình bày rất tự nhiên và chi tiết. Khoa, Duy, Triều, Min là những kiểu mẫu lớp trẻ hiện nay.
Xen giữa những trường đoạn gay cấn, phức tạp là những trích đoạn thơ thẳm sâu bám riết tâm trạng nhân vật và người đọc. Thơ làm mềm dòng thời sự chảy xiết, thơ nâng tình tiết và bối cảnh lên tầm bay mới.
Người đọc, ban đầu là miễn cưỡng nhưng, sẽ dần thấm thía ý đồ của tác giả, thả tâm tình và suy tưởng hẳn vào câu chuyện, men theo đôi cánh thơ. Có lẽ, Cô mặc sầu là tiểu thuyết đương đại giàu chất thơ nhất, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Người viết bài này không có ý định tóm lược hoặc đi sâu vào nội dung vụ án. Mỗi người đọc sẽ tự làm Sherlock Holmes theo cách riêng mình. Cô mặc sầu rộng hơn một hiện trường ly kỳ. Thành công nhất của Nguyễn Đình Tú ở Cô mặc sầu, có lẽ là sự vượt thoát và bất ngờ. Tác giả để cho mỗi người đọc tự “chuẩn bị những gì cho một chuyến đi xa”.
Trịnh Sơn
Thể thao & Văn hóa
Tags