"Hà Nội là nơi tôi sống gần như cả cuộc đời, trừ 2 năm đầu ở chiến khu Việt Bắc và 6 năm cầm súng xa nhà. Hà Nội không phải quê gốc, cũng không phải nơi sinh, nhưng tôi sống và biết về Hà Nội là chính, còn 2 nơi kia không đậm nét. Tôi coi mình như người Hà Nội" - tác giả Vũ Công Chiến chia sẻ.
Về Hà Nội theo gia đình từ 1955, tính ra Vũ Công Chiến cũng là người đi quãng đường 70 năm cùng thành phố này kể từ sau cột mốc Tiếp quản Thủ đô (1954). Để rồi, như được tích tụ và suy ngẫm suốt ngần ấy thập niên, những trang viết về Hà Nội được ông "khơi nguồn" ở độ tuổi khá muộn, nhưng lập tức tạo sức hút bởi sự gần gũi, sống động về một chuỗi ngày đã qua trong ký ức.
Đơn cử, năm 2019, Kim Liên một thuở của ông được đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức. Và mới nhất, cuối 2023, tập tản văn - hồi ký Có một Hà Nội trong tôi (NXB Trẻ) cũng vừa ra mắt và bước đầu được đón nhận…
Hà Nội theo mạch thời gian của ký ức
* Xin bắt đầu từ cái tên khá giản dị mà ông chọn cho cuốn sách - "Có một Hà Nội trong tôi"?
- Viết về Hà Nội, mà nội dung của nó đều lấy từ ký ức trong tim mình, ban đầu tôi chọn cái tên Hà Nội trong tôi. Rồi cân nhắc một thực tế rằng rất nhiều người Hà Nội (hay sống lâu đời ở Hà Nội) đều có những dấu ấn và kỷ niệm sâu sắc của riêng mình, tôi thu hẹp nó lại bằng việc thêm 2 chữ "có một". Cũng để lý giải với bạn đọc khó tính nào đó rằng, Hà Nội trong lòng tôi là sự nhìn nhận của riêng tôi, một cá nhân, với những kỷ niệm hạn hẹp, chứ không phải là tất cả mọi thứ về Hà Nội. Bởi, chẳng ai có thể nói hết về lịch sử, truyền thống, văn hóa và cuộc sống của thành phố.
Cũng có thể, cái tên này hơi đơn giản trong cách nhìn của ai đó. Nhưng tôi nghĩ, nội dung mình viết để chia sẻ tình yêu và nỗi nhớ Hà Nội với mọi người mới là quan trọng.
* Cơ duyên nào để "Có một Hà Nội trong tôi" ra đời? Và so với "Kim Liên một thuở", điểm khác biệt của nó là gì, bên cạnh sự mở rộng về địa lý?
- Khi viết Kim Liên một thuở, tôi mới chỉ tập trung vào những kỷ niệm với bạn bè và cư dân khu tập thể Kim Liên, những người sống ở đó qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn lịch sử. Với Có một Hà Nội trong tôi, cảm xúc của tôi nhiều hơn và phóng khoáng hơn vì không bị hạn chế về không gian và thời gian. Tôi có thể kể nhiều chuyện hơn về bản thân mình từ lúc bé tí, cùng người thân trong gia đình. Nhiều lúc tôi cảm nhận như mình đang là trẻ con, cười và đùa và nhìn xung quanh với ánh mắt trẻ thơ vậy, cảm nhận được cả niềm sung sướng khi xảy ra câu chuyện mà mình đang viết.
Sau này, sách được gọi là tạp văn khi đã sắp xếp lại chương mục. Còn thật ra, lúc đầu, tôi chỉ viết theo mạch thời gian của ký ức, chỗ nào có cái gì riêng thì rẽ nhánh mở rộng ra đi theo đó, rồi lại quay về mạch chính. Hơn nữa, tôi cũng đứng từ hiện tại nhìn về quá khứ với cái nhìn tổng thể hơn để qua chuyện mình mà kể về những sinh hoạt của Hà Nội đổi thay qua các thời kỳ.
* Đi sơ tán, tham gia đắp đường Thanh Niên, trú ẩn máy bay Mỹ, chứng kiến lũ lụt sông Hồng... là những câu chuyện phổ biến và khắc sâu trong trí nhớ của không ít lứa thanh niên tại Hà Nội. Vậy nếu thử lựa chọn, ông thấy đâu là đặc điểm riêng và cảm xúc riêng trong những câu chuyện của mình, so với bạn bè?
- Quả thật, nếu đọc sách, lớp thanh niên sống ở Hà Nội từ những năm 1950 và 1960 hẳn đều thấy bóng dáng mình ở một góc nào trong đó. Nhưng hiển nhiên, cuộc sống mỗi người mỗi khác, và nếu được kể thì mỗi người cũng sẽ có góc nhìn và cách kể riêng. Có lẽ vì vậy, nên vẫn luôn sẽ có những người viết và những người tìm đọc, bởi nhiều khi đọc cái mình đã biết, nhưng lại không tự viết ra được thì cũng thấy đáng để so sánh, để nhớ và để ngẫm.
Tựu chung lại, bạn bè cùng lứa sau khi đọc sách đều nhắn tôi: Nhờ ông mà chúng tôi được ôn lại những chuyện tưởng như đã quên và cả những chuyện mà bọn trẻ ngày nay không biết, không thể tưởng tượng ra, thậm chí có đứa thèm được trải nghiệm thử như thời của các cụ.
* Với bất cứ ai, việc trở lại với quá khứ và hồi ức cũ cũng luôn tạo ra những cảm xúc đặc biệt. Câu chuyện ấy diễn ra với ông theo cách nào?
- Viết về những kỷ niệm trong quá khứ sẽ rất khó và dễ nhầm lẫn nếu mình không nhớ được bao nhiêu. Nhưng sẽ là rất dễ nếu mình nhớ tốt: Hình ảnh xuất hiện trong đầu như những thước phim và chỉ việc chép ra. Cả Kim Liên một thuở và Có một Hà Nội trong tôi, tôi viết rất nhẹ nhàng. Mỗi cuốn tôi viết khá nhanh, chỉ toàn vào buổi tối muộn khi mọi người trong nhà đi ngủ, nhưng cũng chỉ trong 3 - 4 tháng là xong. Các bản thảo hầu như rất ít sửa chữa.
- Khi viết về quá khứ, về ký ức, tôi thường chọn lúc chỉ có một mình trong không gian tĩnh lặng. Lúc ấy, mình như đang sống lại những ngày xưa cũ, nhớ và hình dung được cả cảnh vật xung quanh lúc đó đã gây cho mình cảm xúc gì. Nhiều khi nhớ như in cả câu nói của một ai đó nói với mình trong ngữ cảnh ấy. Nhiều khi hình dung được cả ánh mắt, cái bĩu môi của người đối diện khi đó cùng điệu cười của họ…
Cũng có nhà văn nói với tôi, đại ý là ông được trời phú cho trí nhớ tốt nên viết ra được chuyện, nhưng cũng chỉ là kiểu chuyện kể mà thôi, chứ viết văn hẳn hoi kiểu tiểu thuyết hư cấu thì chắc ông "tịt" (cười). Bởi thế, hiện tôi cũng đang cố gắng viết một, hai cuốn sách theo kiểu không hoàn toàn là ký ức của mình để thử sức xem có thật biết viết văn không…
"Bạn đã chọn Hà Nội làm nơi sinh sống và lập nghiệp, rồi có thêm gia đình, con cái... thì Hà Nội chính là quê hương thứ hai của bạn. Qua thời gian, sẽ đến lúc bạn cũng thành người Hà Nội, Hà Nội thành quê hương của bạn" - nhà văn Vũ Công Chiến.
Có 2 Hà Nội trong lòng người đứng tuổi
* Thực tế, vài năm qua, thị trường xuất bản đang xuất hiện - và được tiếp nhận - khá nhiều đầu sách khảo cứu, tìm hiểu, cũng như những hồi ức về một Hà Nội trong quá khứ với những giá trị riêng. Ông có thể thử lý giải về điều này?
- Hà Nội vốn là đất kinh kỳ, là trung tâm văn hóa, là Thủ đô, nên có nhiều mặt, nhiều khía cạnh hết sức phong phú để khai thác, dù đó là khảo cứu, tìm hiểu hay gắn với hồi ức.
Viết về Hà Nội hiện tại thì tin tức thời sự hay những chuyện xảy ra hàng ngày đủ nhiều và khiến mọi thứ trở nên bình thường rồi. Nhưng Hà Nội đang bị mất dần đi rất nhiều cái đẹp, cái hay mà các cụ ngày xưa đã vun đắp và gìn giữ. Những người viết về cái xưa cũ vừa hay vừa đẹp của Hà Nội chủ yếu là những người có tuổi. Họ hoặc do công việc, nghề nghiệp mà tìm hiểu rồi viết lại nét đẹp, nét cổ của Hà Nội xưa, hoặc do trong cảnh nhốn nháo và xô bồ của Hà Nội hôm nay mà thấy xót xa, luyến tiếc, thấy cần phải viết, phải kể lại truyền thống xưa để nhắc nhở lớp trẻ ngày nay hiểu và giữ gìn.
Đơn giản dễ thấy nhất, các báo Tết bao giờ cũng có những trang viết hoài niệm về một nét đẹp ngày Tết khi xưa như làm các món ăn, cách chơi Tết, cắm hoa, cách dọn dẹp nhà cửa đón Xuân, cách ăn mặc, chào hỏi, đi đứng trong ngày Tết... Nhưng bài viết hoài niệm về cái hay cái đẹp xưa ấy luôn được bạn đọc quan tâm.
* Có bao giờ, ông cảm thấy hụt hẫng hoặc không vui - điều mà rất nhiều người đã thấy - khi một bộ phận giới trẻ sống tại Hà Nội nhưng không mấy quan tâm tới quá khứ của thành phố? Hay ông coi đó là một điều bình thường, vì không thể bắt giới trẻ trong thời buổi thông tin bùng nổ lại suy nghĩ giống chúng ta?
- Không chỉ hẫng hụt, không vui mà những người như tôi còn cảm thấy xót xa khi một bộ phận giới trẻ sống tại Hà Nội nhưng không cần quan tâm tới quá khứ của thành phố. Đó là một sự thật, nhưng tôi coi đó là sự không bình thường.
Ở đây cần phân biệt một chút về khái niệm. Sự thật là cuộc sống bây giờ có rất nhiều thứ phải làm hàng ngày nên không thể bắt giới trẻ phải suy nghĩ và làm theo một điều bắt buộc nào đó. Con người có những quyền tự do khó bị áp đặt, nhất là về nhận thức văn hóa.
Còn nói không bình thường là ở chỗ, nếu con người ta mà ngoảnh mặt, mà quên đi quá khứ thì xã hội sẽ không thể phát triển được, thậm chí bị diệt vong. Khái niệm quá khứ cũng rất rộng, ở đây chỉ nói riêng về góc độ văn hóa thôi. Như thế, chúng ta cần chọn lọc và giữ gìn những nét hay và đẹp của quá khứ như một truyền thống. Đó không chỉ là câu chuyện riêng của ngành giáo dục…
* Cuối cùng, ông sẽ chia sẻ gì với độc giả về cuốn sách của mình?
- Viết Có một Hà Nội trong tôi trước hết tôi muốn cùng những người thân trong gia đình cùng sống lại những năm tháng tươi đẹp đã qua. Sau đó là để bạn đọc cùng lứa tuổi nhớ về một thời Hà Nội, còn bạn đọc trẻ thì hiểu thêm về những hình ảnh và cuộc sống của Hà Nội xưa cùng những nét đẹp của nó.
Tôi muốn qua đó nhắn nhủ những người đang trở thành cư dân Hà Nội điều này: "Trong lòng những người có trên 40 năm sống ở Hà Nội, sẽ có 2 Hà Nội. Một Hà Nội tưởng như chật chội, ồn ào, xô bồ, láo nháo của hiện tại. Nhưng ngoài những thứ mà người Hà Nội "mới" thấy ấy, trong lòng người Hà Nội "cũ" còn có một Hà Nội nữa của ngày xưa, luôn để họ hoài niệm.
Tôi viết cuốn sách này cho những người "xưa" hoài niệm, và cho những người "nay" đọc để biết để hiểu và trân trọng nó. Bởi nói cho cùng, bạn đã chọn Hà Nội làm nơi sinh sống và lập nghiệp, rồi có thêm gia đình, con cái... thì Hà Nội chính là quê hương thứ hai của bạn. Qua thời gian, sẽ đến lúc bạn cũng thành người Hà Nội, Hà Nội thành quê hương của bạn cùng con cháu và bạn phải có trách nhiệm với vùng đất "ngàn năm văn hiến" ấy".
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!
Tác giả Vũ Công Chiến sinh năm 1953, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, từng làm việc tại Viện khoa học Việt Nam. Một số tác phẩm chính: Hồi ức lính, Kim Liên một thuở, Có một Hà Nội trong tôi…
3 kỷ niệm của Hà Nội
* Một câu hỏi vui: Ông có thể lựa chọn và viết vài câu ngắn để chia sẻ với độc giả về 3 thứ của Hà Nội trong quá khứ - 1 món ăn, 1 địa điểm, 1 sự kiện lớn - mà mình yêu thích và in đậm nhất trong trí nhớ?
- Về món ăn, đó là bánh xèo hay quấn sống (bánh đa nem quấn sống với bún, thịt, rau...) do mẹ tôi làm vì trong đó có món nước chấm gần như là biệt tài của mẹ tôi pha. Hai món này đều đơn giản, rẻ tiền, phù hợp với kinh tế và khẩu vị của rất nhiều người. Nhưng độ ngon của nó phụ thuộc rất nhiều vào nước chấm.
Địa điểm luôn nhớ và thích của tôi, dù bây giờ không còn như xưa, là khuôn viên Trường Chu Văn An (phố Thụy Khuê) cùng sân vận động. Nơi đây ghi dấu ấn tuổi thơ đầu tiên mà tôi bắt đầu nhớ rõ. Nhớ nhất những sáng mùa Hè, mới 5 - 6h, bọn trẻ chúng tôi đã biết ra mấy hàng cây sấu ở sân vận động để kiếm sấu xanh đem về cho bà nội đánh giấm nước rau. Đến lúc có các bác thợ đi thu hoạch sấu già, lại biết mon men ra xin những quả bé về cho bà nội. Trẻ 5 - 6 tuổi bây giờ như các cháu tôi không làm nổi việc kiểu như thế, xét cả về cả điều kiện và ý thức.
Cuối cùng, sự kiện lớn nhất đáng ghi nhớ là ngày gia đình tôi được chuyển về ở khu tập thể Kim Liên. Đang ở căn phòng có 15m2 quây gỗ dán, chia ra từ cái hội trường ở nhà số 20 phố Tràng Thi, mọi thứ từ nơi nấu ăn, công trình vệ sinh và bể nước chung cho hơn chục hộ gia đình, nay chúng tôi được về ở hẳn một căn hộ kín có cửa hẳn hoi. Chỉ có 2 nhà chung nhau một khu công trình phụ, điện nước cứ bật công tắc hay vặn vòi là có, mọi thứ như là tới chốn thiên đường vậy. Mọi người lớn đều hân hoan sung sướng và hãnh diện rồi lan sang lũ trẻ con chúng tôi. Khởi đầu của khu tập thể Kim Liên và văn hóa Kim Liên là thế…
Tags