- Cấp phép CLB tham dự V-League 2024/25: Khánh Hoà bị nói không, án phạt cho nhiều CLB
- V-League 2023-2024: Nếu Nam Định vô địch…
- Tin nóng bóng đá Việt 17/6: CLB Hà Nội không từ bỏ cuộc đua vô địch, Văn Lâm trở lại ở vòng 24 V-League
- Rafaelson phá sâu kỷ lục ghi bàn, Nam Định vẫn chậm chân trên đường đua vô địch
Hà Nội FC đang thực hiện cú tăng tốc ngoạn mục: 6 trận gần nhất họ thắng đến 5 và hòa 1. Điểm số mà họ có trong 6 trận này bằng 85% những gì đã có trong 17 trận trước. Trong khi Nam Định thì ngược lại, chỉ thắng 1 trong 6 trận gần nhất, khiến cho khoảng cách giữa 2 đội từ chỗ cách nhau 11 điểm thì nay chỉ còn là 4 điểm. Đây là ví dụ điển hình cho một mùa giải rất đỗi kỳ lạ của V-League.
Không chỉ có 2 đội bóng nói trên. SLNA tự nhiên "đá như lên đồng". Kể từ sau trận thua HAGL, thì 6 trận gần nhất họ chỉ thua 1 trận trước Thanh Hóa ở vòng 23 vừa qua. Trong chuỗi trận này, họ đánh bại hoặc cầm hòa trước B.Bình Dương, Nam Định, Bình Định, những đội có mặt trong tốp đầu. Ở chiều ngược lại, HAGL đang có chuỗi 9 trận bất bại thì lại sa sút với chỉ 1 chiến thắng trong 5 trận gần nhất.
Cần chú ý đến chi tiết này: Hai đội vừa kể trên đều đang cùng 26 điểm, nghĩa là họ là 2 ứng viên lớn nhất của suất đá play-off để trụ hạng. Điều này rất lạ, bởi cả 2 đều có chuỗi trận đấu rất ấn tượng. Thông thường, một đội bóng giữ được mạch trận bất bại lâu đến như vậy phải là đội mạnh, đang tranh đua ở nhóm đầu mới đúng, đằng này đó là phong độ của một đội đang "vẫy vùng" trụ hạng. Rất khó hiểu.
Chính những chuỗi trận của các đội bóng như Hà Nội FC, Nam Định hay SLNA, HAGL khiến cho V-League rơi vào trạng thái thất thường, và không mang theo nhiều nghĩa tích cực. Tại sao một đội bóng đang chơi rất tệ, thua 8 và chỉ thắng 3 trong 17 trận trước đó như SLNA lại đột nhiên thắng 3, hòa 2 trong 5 trận liên tiếp mặc dù cũng con người đó, lối chơi đó?
Với các đội bóng mạnh, việc họ tăng tốc giai đoạn cuối như trường hợp Hà Nội FC, hay sa sút khi bị đối phương bắt bài và cạn thể lực như Nam Định, thì có thể giải thích được. Nhưng một đội đang chơi kém, rồi hay một cách đột ngột, thì câu hỏi đặt ra là: nguồn năng lực và sự quyết tâm ấy sao không thấy trước đây?
Tất nhiên, nếu ai am hiểu V-League thì chuyện này cũng không khó hiểu. Khi giải đi vào giai đoạn cuối, chắc chắn sẽ xuất hiện những đội bóng không còn mục tiêu. Họ không đủ khả năng vào tốp 3 nhưng cũng đã ở vị trí tương đối an toàn. Họ có thể không thi đấu tiêu cực, nhưng mức độ cố gắng chỉ nằm ở mức độ vừa đủ. Đây là cơ hội để các đội đang trong cuộc đua trụ hạng chớp lấy để tìm được sinh tồn.
Có giải pháp nào để hạn chế không? Rất tiếc phải nói là chưa. Chúng ta không thể đem các quy chuẩn ở bóng đá châu Âu để đánh giá thái độ thi đấu của các CLB V-League. Ngoài vị trí vô địch, thì thứ hạng chung cuộc không có nhiều ý nghĩa, không có những giải đấu quốc tế để tranh nhau vị trí trong tốp 3, tốp 5. Cơ chế bản quyền truyền hình của chúng ta vẫn chưa đủ khả năng đem lại động lực chiến thắng cho các CLB ở từng trận đấu theo mô hình "trả tiền ra sân". Chúng ta chỉ hy vọng các CLB chơi vì màu cờ sắc áo, vì niềm vui của người hâm mộ quê nhà. Mà yếu tố này, cũng rất khó đánh giá là có tồn tại hay không, ít hay nhiều.
Trong bối cảnh đó, sự thất thường của V-League đã tạo ra một mùa giải mà đến vòng 23 vẫn còn các cuộc đua vô địch lẫn trụ hạng. Kịch bản hấp dẫn nhất là Nam Định đánh mất chức vô địch và HAGL phải đi đá play-off dù tạo ra chuỗi trận bất bại không có đội nào làm được.
Bên cạnh đó, cũng ghi nhận khoảng cách trình độ của các CLB không quá lớn, khả năng xảy ra bất ngờ tương đối nhiều. Gọi đây là do tính cạnh tranh cao của V-League cũng được, mà xem đó là sự suy giảm chất lượng thi đấu của các đội bóng hàng đầu có lẽ cũng không sai.
Tags