Anh Hùng cho rằng, ai cũng phải chuẩn bị một hành trang thật tốt để có văn hóa tối thiểu nơi công cộng.
Nhiều người từng thú nhận, đi ra quán cafe, nhà hàng, họ sợ nhất là nghe tiếng trẻ con la hét, chạy nhảy quấy phá. Nỗi lo này không phải là không có lý do, bởi cứ thử quan sát xung quanh, chắc hẳn chúng ta không khó để bắt gặp những đứa trẻ hiếu động ồn ào, trêu ngươi người khác, mè nheo khóc lóc hay chọc phá thú cưng… mà không hề có bất cứ người lớn nào nhắc nhở. Chúng được cha mẹ nhường nhịn, bỏ qua, thậm chí bao bọc tuyệt đối với lý do: Trẻ con mà, đâu biết gì.
Có biết bao nhiêu câu chuyện dở khóc dở cười từ những đứa trẻ quá hiếu động ở nơi đông người. Nhẹ thì ảnh hưởng không khí, sự tập trung của người khác; nặng thì làm hư hại tài sản, thậm chí xảy ra tai nạn gây thương tích. Vậy nên mới có chuyện, một quán cà phê ở Đà Nẵng mới đây dứt khoát từ chối phục vụ khách dưới 12 tuổi dù biết chắc sẽ gây ý kiến trái chiều và mất đi một lượng khách hàng tiềm năng.
Nói về vấn đề này, anh Nguyễn Mạnh Hùng (Chef Hungazit), tác giả những cuốn sách Đầu bếp tự do; Trái tim của Chef, Chef - Đầu bếp chuyên nghiệp, Cỗ nhà nông..., đồng thời cũng là một phụ huynh, cho rằng, nếu đặt câu hỏi có nên đưa trẻ con đến nhà hàng không, câu trả lời của anh sẽ là có và không.
Ông bố nổi tiếng này cũng từng gặp phải những trường hợp oái oăm từ câu chuyện ứng xử nơi công cộng, không chỉ trẻ con mà còn ở các bạn trẻ thanh thiếu niên. Anh cho rằng, ai cũng phải chuẩn bị một hành trang thật tốt để có văn hóa tối thiểu nơi công cộng. Khi nhà hàng trưng biển cấm trẻ con, là thực ra họ đang gián tiếp nói rằng, ở đây chỉ cấm bố mẹ thiếu ý thức chứ không cấm cửa trẻ con. Và những đứa trẻ khi còn nhỏ không được uốn nắn, lớn lên sẽ không tránh khỏi việc hành xử thiếu chuẩn mực nơi công cộng.
Chuyện ý thức - không chỉ của riêng trẻ con
Anh Hùng kể, cách đây khoảng 3 tuần, vợ chồng anh đi xem Wakanda Forever, bộ phim đại chúng, đơn thuần là giải trí, ai cũng xem được, và tất nhiên như mọi khi, rạp rất đông.
Ngồi phía trước anh là một đôi trai gái, ước chừng tuổi sinh viên, giờ chiếu phim cũng là giờ bóng lăn (dịp WC vừa rồi) cậu bạn trai cầm điện thoại xem bóng đá, bật tiếng khá to trong khi cả rạp đang xem phim, cô bạn gái thì thi thoảng lại chen vào vài câu. Họ đến rạp chỉ để "giết" thời gian chứ có vẻ như không phải để xem phim.
"Trước tình huống đó, tôi khá bất ngờ và không khỏi phẫn nộ, mắng thầm trong bụng vài câu. Tôi đã có gắng kiềm chế tính bộc trực của mình và mong rằng cậu ta sẽ cất điện thoại đi ngay sau đó, nhưng không, cuộc tra tấn tinh thần vẫn tiếp tục trong khi cả rạp vẫn đang xem phim. Tưởng tượng xem, màn hình hoành tráng trước mặt bạn lại có một đốm sáng điện thoại thi thoảng lướt qua, những âm thanh vo ve phát ra từ điện thoại xèo xèo như ruồi bay vượt quá sức chịu đựng, tôi với lên và nhắc nhở", anh chia sẻ.
Trước đó, anh đi xem phim the Menu với vợ, là một bộ phim kén khán giả, hầu hết những người đến rạp đều là người yêu ẩm thực và làm việc trong ngành nhà hàng khách sạn, có văn hóa khác hẳn. Rạp ít người xem và chắc chắn cái hiện tượng như trên kia là không thể xảy ra, vì những người làm phục vụ nhà hàng họ rất hiểu việc thưởng thức món ăn tinh thần và tôn trọng sự riêng tư của mỗi người.
Đó chỉ là một trong cả tỷ tình huống xảy ra hàng ngày ở khắp mọi nơi, bất cứ nơi nào còn con người thì không thể tránh được chuyện đó. Tuy nhiên một số nơi có văn hóa công cộng cao hơn, họ sẽ giới hạn được phần nào sự vô ý thức. Còn ở Việt Nam, văn hóa nhà hàng còn chưa phổ cập, xét cho cùng phải cần có thời gian.
Đi quán cafe, nhà hàng cũng cần "nhập gia tùy tục"
Cư dân mạng đang ồn ào vì chuyện cấm cửa trẻ con đến quán café và nhà hàng, theo anh Hùng, chuyện này không mới, cũng không phải chỉ có ở nước ngoài, ở những nhà hàng sang trọng ngay tại Việt Nam, họ cấm trẻ con từ lâu rồi.
Cũng giống như câu chuyện đi xem phim, bạn chọn quán ăn vỉa hè, cửa hàng bình dân, ăn uống chỉ để no thì chẳng nói làm gì, ồn ào cũng là chuyện bình thường, không ai vào quán bình dân hay quán cơm bụi để ngồi vài tiếng thưởng thức đồ ăn cả.
"Nhưng quán cafe hay nhà hàng sang trọng là không gian thưởng thức, nó cần có môi trường phù hợp với phong cách nhà hàng quy định, nhập gia tùy tục, luật ở đâu thì theo ở đó. Nếu bạn không thuộc về thế giới đó mà lại cứ nhao nhao đòi đến chỉ vì bạn có tiền và làm phiền người khác thì đó là điều không thể chấp nhận được. Nhà hàng có quyền từ chối yêu cầu phục vụ.
Tôi không cho rằng nhạc giao hưởng là thứ chỉ dành riêng cho giới tinh hoa, âm nhạc là dành cho mọi người, cũng như ẩm thực, thế nhưng có phải ai cũng đến nhà hát mà nghe nhạc thính phòng đâu. Ẩm thực cũng có những giới hạn như vậy. Nên là khi khả năng của bạn chưa đủ, cứ chọn môi trường nào phù hợp chứ đừng cố đến những nơi không thuộc về mình, mang theo con cái mà phá hạnh phúc của người khác trong lúc thưởng thức đồ ăn cũng là "cái tội".
Thử nghĩ xem, bạn bỏ ra chục triệu đi ăn một bữa tối với người yêu, trong không gian lãng mạn đầy nghệ thuật, bên cạnh bạn là một gia đình với đám trẻ con bất trị đang chạy nhảy, hò hét. Đó có còn là bữa tối thưởng thức nữa không?", anh Mạnh Hùng nêu ý kiến.
Với hai con của mình, anh Hùng cho biết vẫn đưa con đến quán cafe, nhà hàng. Hồi bé, các con chưa biết gì, việc khóc hay làm phiền mọi người là chuyện hết sức bình thường, gia đình anh chọn nơi phù hợp. Nếu trẻ con quấy khóc, hai vợ chồng sẽ thay nhau bế con ra ngoài cho đến khi hết khóc rồi quay lại.
Đến khi lớn hơn chút, anh dạy con đến nhà hàng là nơi thưởng thức, không được làm phiền người khác, vì đây không phải nhà mình. Nhận xét các con không ngoan lắm khi ở nhà, nhưng lại rất hợp tác và hiểu rõ vấn đề ở nơi công cộng. Đó là sự giáo dục, bố mẹ mà không dạy bảo con, con hư cũng không trách được.
"Tôi đã từng thấy có một người đứng giữa nhà hàng với ánh sáng mờ ảo, âm thanh du dương của dàn nhạc công đang chơi rất êm ái, ông ấy hét lên như át tiếng đàn để gọi nhân viên phục vụ: "Em ơi! Lấy cho anh chai nước". Trường hợp này bạn chỉ cần giơ một ngón tay lên với tín hiệu cần giúp đỡ, chắc chắn sẽ có người lao ngay đến để giúp.
Tôi cũng đã từng gặp rất nhiều người giàu có nhưng thiếu kiến thức, văn hóa nền tảng, và tôi chắc rằng với cách cư xử của họ, rất khó có thể bước chân vào những nhà hàng sang trọng để trọn vẹn thưởng thức món ăn. Với những người như vậy, việc chụp ảnh món ăn ngon và check in là tất cả những gì họ cần, mọi thứ còn lại chắc cũng chẳng có gì quan trọng", anh Hùng chia sẻ.
Tags