Một xu hướng mới nổi trên nền tảng TikTok mang tên Vlog khi bị sa thải và nó nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của người trẻ.
Bailey Harris (25 tuổi) - người có hơn 1 năm rưỡi kinh nghiệm làm nhân viên tuyển dụng cho một công ty công nghệ lớn trước khi bị sa thải vào tháng 1, đã quyết định kể lại câu chuyện của mình lên TikTok sau 3 ngày buồn rầu suy nghĩ.
"Tôi chưa bao giờ lo lắng về việc sa thải cả. Tôi chỉ bất ngờ một điều là không thể lường trước được điều này xảy ra với mình nhanh chóng như thế", cô nói.
Đây là video TikTok thứ 2 mà Harris thực hiện, và chỉ trong vòng 1 ngày, nó đã trở nên viral khắp cõi mạng khi thu về hơn 100.000 lượt xem. Trước sự hưởng ứng của netizen, cô tiếp tục đăng tải hàng loạt video về chủ đề bão sa thải xoay quanh content như: cách để tiết kiệm tiền, làm thế nào để có thu nhập thụ động... Có vẻ như những video này của cô đã bắt trúng "gu" của người xem nên không có gì khó hiểu khi nó trở nên viral một cách thần tốc như thế.
"Mọi người dường như rất quan tâm về chủ đề này, vậy tại sao tôi lại không chia sẻ về nó? Các video tôi làm đã nhận được rất nhiều bình luận tích cực, mọi người đánh giá cao cách tôi đối diện với hoàn cảnh của chính mình ở thời điểm hiện tại", Harris chia sẻ.
Khi các nhân viên công nghệ liên tục là "nạn nhân" của làn sóng sa thải - chỉ tính riêng trong vài tháng qua có hơn 50.000 người buộc phải rời khỏi Alphabet, Amazon, Meta và Microsoft, một vài trong số họ đã quyết định sử dụng TikTok để lên clip chia sẻ về trải nghiệm của bản thân khi bị đuổi việc.
Chính vì lẽ đó, một xu hướng mới nổi trên nền tảng TikTok mang tên Vlog khi bị sa thải và nó nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của người trẻ. Đây chính là cách để nâng cao lòng tự trọng cho những người lao động trẻ mới mất việc trước sự cuồng nộ của cơn bão sa thải. Trong những content về chủ đề này, họ có thể "bóc phốt" sếp cũ của mình hoặc phơi bày những hành vi sai trái mà họ phải "cắn răng chịu đựng" trong môi trường công sở. Thậm chí, có những người lao động còn có chiến lược thực tế hơn khi sử dụng nền tảng này để tìm kiếm việc làm mới.
Có thể nói, việc đăng video lên TikTok để "kêu trời kêu đất" về tình hình của bản thân là điều không quá mới mẻ. Khi khoảng 9 triệu người Mỹ bị mất việc làm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chúng ta cũng chứng kiến hiện tượng những người lao động bị sa thải gặp gỡ và gọi điện cho nhau để trút bầu tâm sự tại một quán cafe hoặc đăng đàn lên Facebook và Twitter.
Gabrielle Judge, một người chuyên làm các chủ đề để giúp phụ nữ tìm việc làm trong lĩnh vực công nghệ, cho biết: "Các nền tảng như Facebook hoặc LinkedIn - nơi mà trước đây các nhân viên bất mãn có thể trút bầu tâm sự giờ không có tiềm năng lan truyền mạnh mẽ như TikTok hiện nay".
Còn đối với Calon DiPiero (30 tuổi), khi bị sa thải vào tháng trước khỏi công việc tổ chức sự kiện tại Attentive Mobile, cô đã quay một video TikTok để chia sẻ về tình hình hiện tại của mình. Chú thích kèm video, cô ghi: "Khi bạn bị đuổi việc, bạn đã dành 48 giờ qua để khóc nhưng sau đó bạn nhớ ra mình chỉ là thất nghiệp thôi chứ không phải xấu xí”.
Cô ấy nói rằng việc đăng video đã giúp cô ấy vượt qua cảm giác xấu hổ khi lần đầu tiên bị sa thải. "Ban đầu, khi nhận được thông báo sa thải, cái tôi của bạn sẽ bị tổn thương trầm trọng. Nhưng nếu bạn có thể lùi lại một bước và nói: 'OK, tôi ổn, đây điều này đang xảy ra với rất nhiều người. Tôi tin cảm xúc của bạn sẽ được cải thiện nhanh chóng", Calon DiPiero chia sẻ.
Thậm chí, các nhà tuyển dụng công nghệ cho biết TikTok có thể hữu ích cho việc kết nối mối quan hệ và tìm kiếm việc làm. Hàng chục công ty, bao gồm Target, Chipotle và Sweetgreen, đã sử dụng nền tảng này để tuyển dụng.
"Nếu bạn nói trong một video rằng bạn muốn kết nối và làm việc tại một công ty nào đó, thì rất nhiều người sẽ thấy nguyện vọng của bạn", Jonathan Javier - giám đốc điều hành và người sáng lập Wonsulting, tổ chức giúp đỡ mọi người, đặc biệt là những đến từ nền tảng phi truyền thống, tìm việc làm trong lĩnh vực công nghệ nói.
Ngoài ra, cũng theo ông Javier, mẹo để có được việc ở đây là đánh đúng giọng điệu, trọng tâm của vấn đề: "Nếu bạn là một nhà tuyển dụng, việc nhìn thấy ai đó trút giận về sếp cũ có thể là một hành động không thực sự đẹp của người lao động. Tôi khuyên mọi người hãy giữ thái độ tích cực, tập trung vào những hành động mà bạn đang thực hiện và giá trị bản thân để tìm kiếm một công việc mới".
Một số người đang chú ý đến lời khuyên của ông Javier. Đơn cử như Harris chẳng hạn, cô đã chọn không nói về nơi làm việc của cô ấy trong các video của mình. Cô bày tỏ: "Rõ ràng mọi người có thể nghiên cứu và tìm ra nơi tôi đã làm việc thông qua LinkedIn. Nhưng tôi thực sự muốn sống tích cực và không 'bêu tên' công ty cũ ra".
Còn Brit Levy (35 tuổi) cho biết, cô đã bị Meta sa thải vào tháng 11 do đó cô đã sử dụng TikTok để nói về sự thất vọng của bản thân với bản thỏa thuận nghỉ việc mà công ty đưa ra. Video đó đã nhanh chóng viral và thu hút gần 800.000 lượt xem. Levy ấy nói, hàng chục cựu nhân viên của Meta đã liên hệ với mình sau loạt video mà cô ấy đăng.
"Chúng tôi đang tìm kiếm một cộng đồng những người bị Meta cho thôi việc với nhau. Tôi cũng đang nhờ các nhà tuyển dụng để hỗ trợ và cho tôi lời khuyên xác đáng về những bước tiếp theo mà tôi nên thực hiện trong sự nghiệp của mình", Brit nói.
Tuy nhiên, những nhà sáng tạo nội dung trên TikTok chia sẻ thông tin chi tiết về việc sa thải của bản thân có thể gặp rủi ro pháp lý, tùy thuộc vào lượng thông tin họ chia sẻ có quan trọng hay không. Ông Javier nói: "Có nhiều công ty yêu cầu bạn không được tiết lộ thông tin mật để nhận được gói trợ cấp thôi việc. Nếu bạn chấp nhận ký thì đương nhiên nó sẽ có những tác động pháp lý".
Dẫu vậy, Levy chẳng hề lo lắng về những hậu quả có thể xảy ra khi công khai nói về sếp cũ. Cô giãi bày: "Thành thật mà nói, họ nên lo lắng về những chia sẻ của tôi. Bây giờ tôi đã biết cách thu hút sự chú ý của mọi người vào một vấn đề mà tôi cảm thấy cực kỳ quan trọng".
Theo The NewYork Times
Tags