(Thethaovanhoa.vn) - Nếu nhìn theo góc độ thị trường tự do, nơi có thể xem Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) như một công ty độc lập, thì việc VFS gặp khó khăn đến mức phải tuyên bố phá sản cũng là bình thường. Nhưng ở đây VFS là một thương hiệu văn hóa quốc gia, hình thành từ năm 1953, đã sản xuất hơn 300 phim các thể loại, trở thành “anh cả đỏ” của lịch sử điện ảnh nước nhà.
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sẽ thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam
- Cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam: Nghệ sĩ Nam - Bắc cùng lên tiếng
- Vụ Hãng Phim truyện Việt Nam: Cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành sau cổ phần hóa
Từ khi thành lập, nhiệm vụ và sứ mệnh chính của VFS là làm phim, với sự bao cấp kinh phí gần như 100% của Nhà nước, thông qua tiền thuế của nhân dân. Trong mấy thập niên sau đó, nhân dân đã khá hài lòng với những sản phẩm của VFS; nói cách khác, VFS tồn tại là vì sự hài lòng này…
Trong hơn 300 phim kể trên, VFS đã thực sự có những bộ phim đi cùng năm tháng, phục vụ được cả nhu cầu đối ngoại, quảng bá văn hóa. Những phim như Chung một dòng sông (1959), Chị Tư Hậu (1962), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Em bé Hà Nội (1974), Chị Dậu (1980), Bao giờ cho đến tháng Mười (1984), Đời cát (1999)… đã là những dấu ấn lớn trong lòng người xem và của lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Ngày 29/6/2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL để chuyển đổi VFS thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam, nơi Nhà nước không còn bao cấp 100%. Từ đây, VFS thật sự rơi vào khủng hoảng và khó khăn, mà nguyên nhân sâu xa nhất là VFS đang sa sút phong độ, không còn làm được nhiều phim mà Nhà nước và nhân dân trông đợi. Nhà nước và nhiều người muốn VFS chuyển đổi mô hình hoạt động để làm sao hiệu quả hơn, nhưng gần như rất ít người muốn VFS chuyển đổi nhiệm vụ hoàn toàn, nghĩa là không còn làm phim nữa.
Diễn tiến của mấy ngày qua có thể rút gọn như sau: Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) sở hữu đến 65% cổ phần của VFS. Với số cổ phần này, việc VIVASO muốn lèo lái VFS theo hướng đi của mình là điều khá dễ dàng. Những nghệ sĩ có liên quan và có quan tâm đến lịch sử, vận mệnh của VFS lên tiếng phản ứng cũng vì khía cạnh này. Họ không có niềm tin với khả năng sản xuất phim và khả năng duy trì thương hiệu quốc gia cho Hãng phim truyện.
Điều đáng nói ở đây là đơn vị sở hữu 65% cổ phần - được xem như là chủ của Hãng phim - lại là một Công ty vận tải thủy, không có chuyên môn nghiệp vụ về điện ảnh, khó có thể chèo chống để duy trì thương hiệu quốc gia của Hãng phim truyện Việt Nam.
Nhưng vấn đề không chỉ ở chỗ cổ đông chiến lược của VFS là ai, năng lực làm phim như thế nào, mà là chiến lược phát triển và cung cách quản lý, điều hành của họ. Những bức xúc của nghệ sĩ trong thời gian qua hầu hết có nguyên nhân từ đó. Đó là chưa kể đến chuyện định giá những giá trị vô hình hay hữu hình của hãng phim khi cổ phần hóa, trong đó giá trị thương hiệu của hãng phim – một thương hiệu tầm cỡ quốc gia – phải như thế nào?
Nhìn rộng hơn chuyện của VFS, Việt Nam đang có nhiều thương hiệu văn hóa quốc gia tương tự như vậy, nếu cứ gặp khó khăn và khủng hoảng thì có những biểu hiện xa rời mục đích, tôn chỉ là rất nguy.
Qua năm tháng, mô hình và kinh phí hoạt động có thể chuyển đổi, nhưng mục đích chính là làm văn hóa, nghệ thuật thì không thể chuyển đổi. Bởi nếu chuyển đổi mục đích này cũng đồng nghĩa với việc xóa sổ thương hiệu văn hóa quốc gia.
Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mô hình nền kinh tế theo thị trường, nên nhiều phương thức hoạt động cũng phải chuyển đổi theo cho phù hợp. Khi VFS chuyển đổi thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam, dù có những ý kiến trái chiều, nhưng nhiều người đã hy vọng rằng cơ cấu mới này có thể giúp VFS vượt qua khó khăn để có thể làm ra được những phim chất lượng. Chỉ có những phim chất lượng mới giúp gìn giữ được một thương hiệu văn hóa quốc gia như VFS. Nay VFS được cổ phần hóa, nếu không tiến hành được việc tiếp tục làm phim thì thương hiệu đó không còn ý nghĩa nữa.
Vô Ưu
Tags