(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2011, phong trào biểu tình Chiếm phố Wall mà cao trào của nó là những cuộc tuần hành và chiếm giữ những địa điểm công cộng và cả công sở trên khắp nước Mỹ từng có lúc được coi như là dấu chấm hết cho cái gọi là "Giấc mơ Mỹ".
Cuộc biểu tình phơi bày những sự thật cay đắng và một trong số đó là 99% dân Mỹ chỉ chiếm 1% tài sản. Những cơ hội dành cho người nghèo, người nhập cư làm giàu, leo lên những địa vị cao quý trong xã hội ngày càng mất đi.
Nhưng có thật là "Giấc mơ Mỹ" đã ngắc ngoải? Cũng trong năm 2011 ấy thế giới chứng kiến cuộc chạy đua vào ghế tổng thống Mỹ mà ở hai cuộc Đại hội đảng Cộng hòa và Dân chủ hầu hết những người được chọn phát biểu (những ứng viên, những nghị sĩ, thống đốc bang) bên cạnh vị thế, tầm ảnh hưởng họ còn chia sẻ một điểm chung là hầu hết đều đi lên theo "Giấc mơ Mỹ".
Bản thân tổng thống thứ 44 của Mỹ, ông Barack Obama là một người như thế. Hay Marco Rubio, nghị sĩ từ bang Florida, nay là ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa cũng vậy. Cha mẹ ông này từng làm nghề pha rượu và hầu phòng khách sạn khi nhập cư từ Cuba.
Các câu chuyện họ kể ra không chỉ là để tô điểm về bản thân, về ý chí và khát vọng, mà nó còn giống như sự động viên khích lệ trong thời buổi mà hàng triệu người Mỹ da màu, nhập cư và cả da trắng nữa cũng thấy bế tắc.
"Giấc mơ Mỹ" được miêu tả qua các thuật ngữ và cách diễn đạt khác nhau từ khi nước Mỹ ra đời nhưng phải tới đầu thế kỷ 20 thì khái niệm này mới trở nên phổ biến và cụ thể hơn. Góp phần trong số ấy là những tác phẩm văn học từ cuốn tự truyện của Benjamin Franklin tới Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn của Mark Twain và cả cuốn Gatsby Vĩ đại của Scott Fitzerald.
Văn học vẫn luôn như thế, là lát cắt của lịch sử và những tác phẩm kinh điển nhất thường không thể không có đặc tính này.
Sau khi đã được xem Gatsby Vĩ đại chuyển thể thành phim, chúng ta giờ đây còn có thể tìm đọc tác phẩm kinh điển này với phiên bản dịch sang tiếng Việt.
Chúc quý vị độc giả một tuần vui vẻ!
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags