Tổ chức Mars One hiện đã chọn được các ứng cử viên đầu tiên cho việc "thuộc địa hóa" sao Hỏa trong số 200.000 đơn gửi đến. Các thử nghiệm cho cuộc sống cực kỳ cô đơn ở đó đã bắt đầu, cốt để dự đoán những gì có thể xảy ra. Duy chỉ một chi tiết đã rõ từ hôm nay: Chuyến về không nằm trong kế hoạch!
Các ứng viên cần đáp ứng vài yêu cầu cơ bản: Trên 18 tuổi, sức khỏe tốt, kỹ năng xã hội tốt và thạo tiếng Anh. Bất ngờ là số người chen lấn trong một chương trình truyền hình để đăng ký xin tấm vé một chiều cho cuộc hành trình không trở lại này: Hơn 200.000 người từ 140 quốc gia đã đệ đơn lên tổ chức tư nhân Mars One của Hà Lan để được tham gia dự án trên Hành tinh Đỏ. Từ 1.058 ứng cử viên hiện đã được chọn vào danh sách rút gọn, nay chỉ còn 24 nhà thám hiểm tương lai lọt vòng chung kết.
Nếu kế hoạch đầy tham vọng của quỹ Mars One thành công, nhóm 4 người đầu tiên sẽ được gửi đến sao Hỏa từ năm 2025 để xây dựng khu dân cư đầu tiên ngoài trái đất.
Nhiệt liệt chào mừng ở "Mars Dune Alpha"!
6 đội, mỗi đội gồm bốn phi hành gia, bắt đầu đào tạo chuyên sâu. Trong khoảng thời gian 8 năm, mỗi đội sẽ sống cách ly với thế giới bên ngoài vài tháng và sống thử cuộc sống trên sao Hỏa trong một công trình mô phỏng. Họ được giám sát chặt chẽ trong các khóa học trồng trọt, sửa chữa nơi cư trú và xử lý các vấn đề y tế.
Thử thách tiếp theo là chuyến bay dài từ 7 - 8 tháng. Trong một không gian mini, thiếu mọi tiện nghi và thực phẩm tươi sống, cũng như thường xuyên phải đối mặt với các cơn bão mặt trời. Khi sắp có bão, các phi hành gia sẽ phải rút vào một phòng nhỏ được bảo vệ đặc biệt trên tàu vũ trụ trong vài ngày.
Đến được Hành tinh Đỏ mà không bị sứt đầu mẻ trán gì, họ sẽ hạ cánh bằng một mô-đun đổ bộ. Trước đó người ta sẽ phải tìm được vị trí thích hợp nhất cho khu dân cư, đặc biệt là phải có lớp băng ngầm để sản xuất nước, cùng với hai xe tự hành làm phương tiện di chuyển.
Hình ảnh nơi chào đón họ - dù thiếu cờ quạt và băng rôn tưng bừng - là một trạm nghiên cứu có thể chiêm ngưỡng dưới quả đất từ tháng Sáu năm nay: "Mars Dune Alpha", một phòng nghiên cứu của NASA ở bang Texas của Hoa Kỳ. Bốn ứng viên đầu tiên sẽ sống ở đây một năm ròng trong điều kiện mô phỏng như trên sao Hỏa. Trạm này được xây dựng trong một nhà chứa máy bay của Trung tâm Vũ trụ Johnson ở thành phố Houston. Đây là nơi dự án CHAPEA sẽ bắt đầu trong vài tháng tới. Cái tên viết tắt nghĩa là Crew Health and Performance Exploration Analog, tức "Cơ sở tương tự để nghiên cứu về sức khỏe và hiệu suất của phi hành đoàn". Ở đây người ta kiểm tra khả năng chịu đựng của những người bị cô lập với thế giới bên ngoài trong một thời gian dài, rất dài - nhằm chuẩn bị cho các sứ mệnh chinh phục sao Hỏa trong tương lai.
Thế giới 160m2
Phòng thí nghiệm có 4 phòng ngủ cùng kích thước, nhằm loại bỏ sự chành chọe về việc ai sẽ được phân cho căn phòng lớn nhất. Ngoài ra còn có 2 phòng tắm, bếp, góc xem tivi và khu vực làm việc rộng rãi. Một góc nhỏ dành cho người ốm cũng không thể thiếu. Thậm chí còn có một khu vực "ngoài trời" với phong cảnh tái tạo bề mặt sao Hỏa. Ở đây, trên nền cát đỏ quạch, có một nhà kính nhỏ, trạm thời tiết và máy đóng gạch. Tuy nhiên, diện tích mô phỏng không thực sự "ngoài trời", vì nó cũng nằm trong nhà chứa máy bay.
Phòng thí nghiệm rộng 160m2, được chế tạo bằng máy in ba chiều. Để các ứng viên củng cố sức khỏe tâm lý, người ta để sẵn các trò chơi và cả máy PS4 cho những người đam mê trò chơi điện tử. Nhưng những người đam mê trò chơi điện tử cũng được chiều chuộng. Có thể nhìn thấy bảng điều khiển PS4 trên kệ bên dưới.
Còn thể thao thì sao? Các chuyên gia NASA đã nghĩ ra một thứ thông minh cho việc này. Để mô phỏng lực hấp dẫn thấp hơn trên sao Hỏa, họ đã thiết kế máy chạy bộ có dây đai. Bằng cách này, các phi hành gia thử nghiệm có thể đi bộ trên máy chạy bộ trong khi lơ lửng nhẹ. Mục đích của thí nghiệm là quan sát sức khỏe thể chất và tâm lý của phi hành đoàn trong thời gian bị cô lập. "Các nhà nghiên cứu sẽ mô phỏng những thách thức của sứ mệnh có người lái tới sao Hỏa", thông cáo báo chí của NASA cho biết. Chúng bao gồm sự khan hiếm tài nguyên, sự chậm trễ trong giao tiếp và lỗi thiết bị.
Vị trí chỉ huy trong thử nghiệm này được trao cho một phụ nữ: Kelly Haston, một nhà nghiên cứu về bệnh tật của con người. Cô được trợ lực bởi với kỹ sư hàng không Ross Brockwell, đồng thời là một kỹ sư xây dựng. Trong nhóm có thêm nhân viên y tế và chuyên gia về điều trị tích cực Nathan Jones. Người cuối cùng là nhà khoa học Alyssa Shannon, một y tá dày kinh nghiệm. Hàng ghế dự bị của NASA có hai thành viên nữa: Kỹ sư hàng không vũ trụ và quốc phòng Trevor Clark và nữ vi trùng học Anca Selariu của Hải quân Hoa Kỳ.
"Kết quả thu được sẽ giúp NASA đưa ra những quyết định hợp lý để thiết kế và lên kế hoạch cho sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa thành công", Grace Douglas, giám đốc dự án cho biết.
Sau CHAPEA, còn hai mô phỏng sao Hỏa khác sẽ diễn ra trong môi trường sống tương lai "Mars Dune Alpha" vào năm 2025 và 2026.
"Trò chơi" 6 tỉ USD
Mars One cho biết, dự án này chỉ sử dụng các công nghệ hiện có và đã được thử thách. Tuy nhiên, phương tiện phóng Falcon Heavy của công ty Mỹ SpaceX là tên lửa chưa từng bay trước đây, sẽ được sử dụng cho hành trình tới sao Hỏa. Phương tiện đổ bộ là sản phẩm của công ty quốc phòng Lockheed Martin (Mỹ), còn vệ tinh cần thiết để liên lạc giữa trái đất và sao Hỏa do công ty SSTL của Anh chế tạo. Các tấm pin quang điện loại nhẹ được mang theo để tạo ra năng lượng.
Người ta ước tính rằng sẽ tốn 6 tỉ USD để vận chuyển nhóm 4 người đầu tiên và 4 tỉ cho mỗi chuyến bay có người lái bổ sung tới sao Hỏa. Quỹ Mars One dự định có được phần lớn số tiền đó thông qua các nhà tài trợ, quyên góp và bán bản quyền truyền hình. Trong khi số lượng các ứng cử viên tiềm năng cho sứ mệnh sao Hỏa lớn đến khó tin, thì dự án cũng vấp phải nhiều tiếng nói chỉ trích. Nhiều chuyên gia cho rằng nhiệm vụ không chỉ cực kỳ mạo hiểm, mà còn thiếu tính nhân văn, vì nó được lên kế hoạch như một chuyến đi một chiều.
Song thực tế điều này không khiến lực lượng "thực dân mới" nản chí. Một trong số ít người Đức nộp đơn và vượt qua vòng tuyển chọn đầu tiên là Marc André, 26 tuổi. Anh học khoa học máy tính tại Đại học Kỹ thuật Osnabrueck, là nhân viên cứu hộ tình nguyện và từ nhỏ đã đam mê tìm hiểu sao Hỏa. Trong video gửi đến Mars One anh nói: "Tôi thực sự muốn sống trên sao Hỏa trong suốt phần đời còn lại của mình. Tôi biết rất nhiều về hành tinh này và tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm cũng như niềm vui với những người khác".
Mặc dù 12 tháng có vẻ như là một khoảng thời gian dài ở "Mars Dune Alpha", song các phi hành gia du hành tới sao Hỏa có thể sẽ phải xa nhà lâu hơn nữa. Một chuyến đi khứ hồi từ trái đất đến sao Hỏa ước tính sẽ mất khoảng 21 tháng, đó là thời gian cần thiết để di chuyển giữa hai hành tinh và giai đoạn chờ đợi hợp lý từ vài tuần đến thậm chí vài tháng để xác định cửa sổ thời gian cho chuyến hồi hương.
Suy tính một cách thực tế, nhân loại vẫn còn một đến hai thập kỷ nữa mới thực hiện được chuyến du hành có người lái lên sao Hỏa.
Tags