Vua Pháp Louis Philippe đi vào lịch sử với một “thành tích” không nên có: Không vị vua Pháp nào sống sót sau nhiều vụ hãm hại hơn ông. Vụ ám sátquy mô nhất xảy ra vào dịp kỷ niệm 5 năm Cách mạng tháng Bảy năm 1830.
Sau khi Cách mạng tháng Bảy lật đổ vị vua nhà Bourbon cuối cùng, Hoàng tử Louis Philippe (1773-1850) lên ngôi vua nước Pháp. Nhà vua nhận vương miện từ hạ viện với đa số thuộc tầng lớp trung lưu tự do. Từ đó nước Pháp chính thức có lá cờ ba màu, biểu tượng của Cách mạng Pháp.
Không khí u ám
Xem lại sử sách và nói theo ngôn ngữ thời nay thì vị quân vương Pháp này thuộc hàng Top Ten của những nguyên thủ bị mưu sát. Trong vòng 11 năm, cả thảy có 6 vụ ám sát đã diễn ra, thêm vào đó là 15 vụ bị phát hiện trong trứng nước. Nhưng rồi phải đến lúc một vụ thành công, và vụ này cũng lại gắn liền với vài kỷ lục nữa: Chưa bao giờ nhiều viên đạn được bắn vào một người cùng một lúc và không có vụ ám sát bằng súng nào khác giết chết nhiều người ngoài cuộc như vậy vào ngày 28/7/1835 tại đại lộ Boulevard du Temple ở Paris.
Lẽ ra hôm đó là một kỳ nghỉ bình thường để dân chúng kỷ niệm cuộc Cách mạng tháng Bảy năm năm trước đó. Nhưng đa số người dân không có bụng dạ nào để hân hoan: Vua Louis Philippe, người được đưa lên ngôi vào thời điểm đó, đã từ lâu đánh mất niềm tin mà xã hội mới từng đặt vào ông.
Các cải cách đầy kỳ vọng của triều đình dần dần hiện hình là đầu voi đuôi chuột, và ngày bản thân Louis Philippe - ban đầu được gọi là nhà cải cách - cũng tỏ ra mệt mỏi, thậm chí quay đầu. Ngay cả đội vệ binh quốc gia cũng chỉ tập hợp một cách miễn cưỡng và thậm chí còn thiếu quân số để lập hàng danh dự cho nhà vua đi duyệt.
Ở kinh đô Ánh sáng (Paris) trước đó đã nhan nhản tin đồn ngoài vỉa hè, rằng đảng Cộng hòa sẽ gửi một chỉ dấu quan trọng vào ngày hôm nay. Báo chí mấy bữa này đăng những bức tranh biếm họa cay đắng, đi kèm nhiều bài bình luận đầy ý giễu cợt độc địa: “Nhà vua của chúng ta đã đến Paris ngày hôm qua cùng với gia đình mình mà không hề bị sát hại theo bất kỳ cách nào”.
May và không may
Vào đêm trước cuộc diễu hành, cảnh sát đã lùng sục khám xét các ngôi nhà có mặt tiền hướng ra đại lộ Boulevard du Temple, và họ không tìm thấy gì khả nghi. Sáng ngày 28 tháng 7, mặt trời lên sớm và thiêu đốt oi ả, ngột ngạt. Giữa hai hàng người hiếu kỳ viền theo con phố lớn, nhà vua và đoàn tùy tùng đông nghịt cưỡi ngựa đi bước một giữa hàng lính vệ binh quốc gia im lặng ở một bên và lính chính quy ở bên kia.
Đột ngột, một cơn mưa đạn phun ra. Tiếng nổ giòn giã như cả một binh đoàn cùng bóp cò một lúc. Bầy ngựa lồng lên, bứt cương tháo chạy và hí xé tai.
Như có phép màu, Louis Philippe không dính một giọt máu. Hai con trai cưỡi ngựa cạnh bố cũng chẳng bị thương. Tuy nhiên, những người đồng hành khác, bao gồm một thống chế và một vị tướng, thì không được may mắn như vậy. Vì các phát súng được bắn ra từ phía vỉa hè có lính đi kèm, một số thành viên của đội vệ binh quốc gia phía bên kia đường đã ngã ngay từ loạt đạn đầu, cùng một số lớn khán giả. Mười một người chết ngay lập tức, và tám người khác tiếp tục chống chọi vô vọng với thương tích của họ trong những ngày kế tiếp. 22 người nữa bị thương, nhưng sống sót.
Sa cơ
Để ám sát vua Louis Philippe, năm 1835 những kẻ giật dây thuộc phe Cộng hòa đã thuê một tội phạm chuyên nghiệp, dĩ nhiên với giá cao ngất ngưởng mà chính họ cũng không đủ tiền trả. Do đó con tính được đặt ra khá đơn giản: Sau khi giết vua, chính kẻ ám sát cũng bị thủ tiêu.
Một đám mây khói sặc mùi thuốc súng báo cho toán lính bảo vệ hoàng gia là loạt đạn phát ra từ ngôi nhà nào: Số 50 đại lộ Boulevard du Temple, một tòa nhà hẹp ngang ba lầu và một lầu so le, non nửa đã đổ nát hoang tàn.
Toán lính ập ngay vào căn nhà nọ và không khó khăn để tìm được hung khí giết người trong một căn phòng trên lầu ba. Hiện vật này được ghi lại trong hồ sơ điều tra là một “cỗ máy hỏa ngục”, một cấu trúc khá tinh xảo được ghép lại từ 25 nòng thép trên một cái khung di động; mỗi nòng nạp được từ sáu đến tám viên đạn. Ba nòng còn nguội ngắt vì đạn không được điểm hỏa, hai nòng bị kẹt đạn, nhưng rõ ràng hơn 120 viên đạn đã cùng lúc được bắn về phía nhà vua trên lưng ngựa. Kể chi tiết thế để biết, việc Louis Philippe sống sót là một phép màu hi hữu. Nói thêm, con ngựa của ông cũng dính đạn.
Thủ phạm gây án, vốn là dân chuyên nghiệp, đã chuẩn bị kỹ càng cho đường tẩu thoát của mình: Tùy theo tình huống cụ thể mà hắn định trèo thang dây xuống sân, hoặc ngược lại, hắn sẽ chạy qua các mái nhà san sát nhau của dãy phố. Nhưng kế hoạch của hắn đã bất thành ở cả hai phương diện: Thứ nhất, nhà vua sống sót, thứ hai, hai nòng súng nổ toác khi nhả đạn, khiến hắn bị thương nặng ở mặt và cánh tay.
Người bê bết máu, hắn cố gắng chạy trốn, nhưng toán lính đã theo sát gót hắn nhờ nhìn thấy vết máu và rốt cuộc đã tóm được hắn trong một ngôi nhà không xa hiện trường. Đó là Guiseppe Fieschi, người Corse, một hòn đảo ngoài Địa Trung Hải. Không chỉ là người bắn, thủ phạm 45 tuổi này còn thiết kế và chế ra “cỗ máy hỏa ngục” nọ.
Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã
Fieschi, sinh năm 1790, là một kẻ ăn hại, sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khó khăn; cha hắn, một mục đồng nghèo, đã chết trong tù. Khi còn là một thiếu niên, Fieschi đã tình nguyện đầu quân ở Pháp, chỉ để có điều kiện rời bỏ quê hương mình. Đời lính tráng đưa hắn lang bạt khắp nơi, hắn đã chiến đấu ở Ý và trong chiến dịch của Napoléon chinh phạt Nga.
Sau khi được giải ngũ vào năm 1814, giống như rất nhiều lính chuyên nghiệp ngày ấy và có lẽ cả bây giờ, hắn không thể hòa nhập nổi vào cuộc sống thường dân. Fieschi sa chân vào thế giới tội phạm, sống bằng những hành vi phạm pháp vụn vặt và theo đóm ăn tàn cho các đầu gấu. Fieschi bị sa lưới, ra tòa và vào tù nhiều lần; bản án cuối cùng dành cho kẻ tái phạm là mười năm tù. Nhưng vào mùa Hè năm 1830, sau khi chế độ quân chủ Bourbon sụp đổ, hắn may mắn được ân xá nhờ khai man là một cựu tù chính trị.
Ngựa theo đường cũ, Fieschi vẫn là một tên tội phạm, đồng thời làm công việc chỉ điểm ăn lương cho cảnh sát. Dưới nhiều cái tên giả khác nhau, hắn du thủ du thực ở các thành phố khác nhau của Pháp. Kể từ khi cuộc cách mạng năm 1832 thất bại, hắn mơ sẽ chế ra một vũ khí tối tân để chiến đấu trong các cuộc xung đột sau chiến lũy: Một khẩu súng chín mươi nòng.
Trong thời gian làm chỉ điểm, Fieschi đã gặp một người ưa bạo lực thuộc đảng Cộng hòa, người đàn ông 61 tuổi Pierre Morey. Ông này thù ghét tất cả các hình thức quân chủ nói chung, tuy xét về cá nhân ông không chống lại Louis Philippe, ngay cả khi khá thất vọng về vị vua này. Morey hứa tạo cho Fieschi danh tiếng và tiền bạc, nếu cung cấp được một phiên bản nhỏ hơn của “cỗ máy hỏa ngục” của mình để phục vụ mục đích ám sát. Người cấp tài chính trong vụ này do Morey vận động được là thương gia 35 tuổi Theodore Pépin, cũng là người trao cho Fieschi một khoản tiền đặt cọc theo thỏa thuận trước.
- Có thể bạn chưa biết: 'Di chứng' của chiến tranh nha phiến
- Có thể bạn chưa biết: 'Thành phố ma' giữa đại dương
- Có thể bạn chưa biết: Một đế chế trong tay các hoạn quan
Mũi tên hai đích đều trượt
Song, hai gã chủ mưu không tin tưởng tay du côn người Corse; Morey lén sửa lại một số nòng súng, nhằm gây tại nạn cho chính xạ thủ Fieschi. Tệ hơn nữa, chính “nhà tài trợ” Pépin cũng không đủ tiền trả công giết người cho Fieschi. Vậy thì, nếu kế hoạch thành công thì Fieschi cũng tử thương, không khai báo gây nguy hiểm cho đảng Cộng hòa, nhân thể Pépin quỵt luôn tiền công.
Những gì hai kẻ chủ mưu không lường được: Tên tội phạm chuyên nghiệp Fieschi đã gửi lại các bằng chứng chống lại hai kẻ giao việc cho mình ở nhà một tình nhân. Ban đầu Fieschi kín miệng khi bị cảnh sát thẩm vấn, nhưng khi biết “cỗ máy hỏa ngục” của mình đã bị cố tình can thiệp kỹ thuật để giết chính xạ thủ, hắn không còn lý do nào để che giấu đồng phạm nữa.
Phiên tòa xét xử cả ba là màn kịch khá thú vị cho khán giả: Morey ngoan cố cãi và ngạo mạn bác bỏ mọi cáo buộc; Pépin ban đầu suy sụp và chỉ lấy lại được tự tin trong quá trình tố tụng; Fieschi chiếm thế thượng phong, có lẽ vì ngầm tính đến khả năng được ân xá nhờ thành khẩn thú nhận và giúp nhà chức trách túm được hai kẻ chủ mưu.
Nhưng nước cờ cuối cùng của gã du côn lại tính sai: Giống như hai kẻ chủ mưu, chính người thiết kế và chế ra khẩu súng máy công suất cao cũng bị kết án tử hình. Ngày 19/2/1836, bốn ngày sau khi tuyên án, ba tên tội phạm lần lượt nối gót nhau lên cùng một máy chém.
Kể từ khi cuộc cách mạng năm 1832 thất bại, Fieschimơ sẽ chế ra một vũ khí tối tân để chiến đấu trong các cuộc xung đột sau chiến lũy: Một khẩu súng chín mươi nòng. |
Lê Quang
Tags