Rốt cuộc thì hai quốc gia lớn là Đan Mạch và Canada cũng tìm được tiếng nói chung và chấm dứt cuộc chành chọe từng kéo dài mấy chục năm. Tất cả chỉ vì một hòn đảo trơ trụi không người. Nhưng trên thực tế, chẳng mấy ai quan tâm đến hòn đảo cả. Và cái kết tốt đẹp ấy không chỉ có giá trị với 1,25 cây số vuông, mà dường như còn là một bài học lớn cho nhân loại.
Cuộc chiến thái bình nhất lịch sử
Đảo Hans là một tảng đá khổng lồ không có người ở, không mọc được lấy một cái cây hay bụi cỏ, một miếng đất vô cùng vô duyên giữa chốn hư không. Tuy nhiên, vì nó mà Đan Mạch và Canada đã tranh cãi trong nhiều thập kỷ để đi đến thống nhất hòn đảo này thuộc về quốc gia nào. Hôm nay người ta có thể thở phào vì “Cuộc chiến tranh whisky” đã được giải quyết ổn thỏa.
Nhìn lại quãng đường lịch sử khá khôi hài để tìm đến hòa bình, có thể người ta phải mỉm cười mãn nguyện: Nhiều thập kỷ chiến tranh, và không một người lính hay dân thường duy nhất nào phải chết vì nó. Quả là một chuyện tưởng chừng như khó tin trước bối cảnh cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang gây tâm trạng bất ổn cho cả thế giới. Ở phần thế giới gần Bắc Cực, sự tranh giành đảo Hans được gọi là "cuộc chiến thái bình nhất thế giới" hay còn được người dân nháy mắt gọi là "cuộc chiến tranh whisky". Và nó đã kết thúc. Đây là một “tín hiệu rõ ràng cho thấy có thể giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình”, Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod xúc động phát biểu.
Cuối cùng, tất cả các bên đều có lợi từ cách giải quyết xung đột đầy tính thực dụng và hòa bình - đặc biệt đáng trân trọng, vì nó xảy ra trong thời kỳ mà sự bất ổn và chiến tranh đang đe dọa toàn cầu.
Vạn sự khởi đầu khá vặt vãnh
Hòn đảo nhỏ, gồ ghề và chẳng có tài nguyên hay phong cảnh gì đáng kể ấy nằm cách Bắc Cực 1.100 km về phía Nam, nay được chia làm hai - nhưng không phải là cắt đôi gọn ghẽ 50:50, mà hai bên nhất trí sử dụng đường biên giới được hình thành tự nhiên trong khối đá, vậy là Đan Mạch nhận được một phần nhỉnh hơn một chút so với Canada.
Ngoài một khu vực được quản lý chung, trước đây cũng từng có đề xuất rằng hòn đảo này nên được trao cho thổ dân của cả hai quốc gia. Nhân tiện, tên của đảo Hans là Tartupaluk trong ngôn ngữ thổ dân, dùng để chỉ hình quả bầu dục của nó. Vì lý do không thấy tiết lộ, ý đó hôm nay không được nhắc đến nữa. Nhưng tâm điểm của cuộc xung đột lâu dài này là gì?
Đan Mạch và Canada bất đồng chủ yếu vì đảo Hans, hòn đảo nhỏ nhất trong quần thể ba hòn đảo, nằm trong vùng nước băng giá của kênh Kennedy dọc theo eo biển Nares. Tuy nhiên, hai hòn đảo kia, Franklin O và Crozier O, gần kề Greenland và luôn luôn thuộc về Đan Mạch, và Copenhagen từ xưa đến nay vẫn chịu trách nhiệm về các hoạt động đối ngoại của khu tự trị Greenland.
Đối với Đan Mạch, Hans luôn là một phần của bộ ba đảo không có người ở, trong khi người Canada thì lại coi đảo Hans là khúc đuôi kéo dài của đảo Ellesmere khổng lồ ngoài khơi bờ biển phía Đông của họ. Nếu một ngày nào đó Greenland tuyên bố độc lập khỏi Đan Mạch, thì theo tinh thần biên bản giải quyết tranh chấp hiện tại, nó cũng sẽ tiếp nhận chủ quyền đối với phần nửa đảo Hans thuộc chủ quyền Đan Mạch.
Bản đồ... theo cảm tính
Trong khi đàm phán, các bên đưa ra khá nhiều phiên bản khác nhau, cái nào cũng được coi là cũ và “có tính lịch sử”. Nhưng các hình vẽ khác nhau ấy không làm ta ngạc nhiên, vì người ta thường vẽ đảo Hans ... xích lại gần nước mình hơn một chút, tùy thuộc vào người đã vẽ nó.
Nhưng với sự ra đời của ảnh trắc địa vệ tinh, rõ ràng là Hans O gần Đan Mạch hơn 2 cây số. Theo đó, tổ chức tiền thân của Tòa án Công lý Quốc tế đã xử cho Đan Mạch có chủ quyền đối với hòn đảo, đó là thời điểm năm 1933.
Dù vậy, cuộc tranh cãi chưa thể chấm dứt, vì đường ranh giới trên biển đã được thỏa thuận hầu như luôn cắt hòn đảo vào chính giữa. Năm 1973, khi hai quốc gia đánh dấu biên giới trên biển của mình, đảo Hans bị tạm thời gạt qua một bên để sau này bàn tiếp. Ai đọc hải đồ trong mấy chục năm qua, sẽ khó hiểu lý do vì sao không thấy đường nối giữa các điểm biên giới 122 và 123. Đơn giản là đảo Hans tạm được xếp vào kho, đểhai bên còn bàn chuyện khác hệ trọng hơn.
Vào đầu thiên kỷ mới, cả hai quốc gia đều tiến hành vài động thái “phi ngoại giao” nho nhỏ để kéo hòn đảo về chủ quyền của mình. Các nhà hoạt động ái quốc của cả hai nước bỏ tiền chạy quảng cáo trên Google để củng cố yêu sách sở hữu của mình. Về phần mình, Canada thậm chí còn trao quyền khai thác cho các nhà địa chất mà không hề tham khảo ý kiến của Đan Mạch. Cả hai ngoại trưởng Canada và Đan Mạch đều đến thăm hòn đảo rồi bày tỏ quan ngại khi thấy người đồng cấp của mình lởn vởn trong tầm dao quăng.
Một thời gian dài, hòn đảo đã trở thành một vấn đề tuy nhỏ nhưng không thể mất đi, cũng may không xảy ra xung đột nghiêm trọng nào.
Xung đột đầy mùi cồn
Thay vào đó là những cú trêu chọc nhỏ mà giới truyền thông gọi là “cuộc chiến tranh whisky”: Năm 1984, Canada khiêu khích Đan Mạch bằng cách cắm cờ trên đảo và bỏ lại một chai rượu whisky Canada “Crown Royal”.
Không chịu lép vế, Bộ trưởng Đan Mạch phụ trách vấn đề Greenland đã đến với lá cờ Đan Mạch, một chai rượu mạnh “Akvavit” và một lá thư có nội dung “Chào mừng đến với hòn đảo Đan Mạch”.
Kể từ đó, cứ mỗi lần ai đến đây là phải để lại một chai rượu quê hương mình!
Một ngày xấu trời năm 2005, Bộ trưởng Quốc phòng Canada, Bill Graham, thậm chí còn hạ quốc kỳ Đan Mạch trên Hans O và gửi nó trong một bưu kiện đến đại sứ quán Đan Mạch ở Ottawa! Đòn phản ứng của Đan Mạch là cử ngay một tàu chiến đến, và cuộc xung đột băng giá lần đầu tiên có nguy cơ nóng hừng hực lên.
Nhưng đã không có hòn đạn nào lên nòng, bởi vì hai quốc gia ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương đã kịp thời rút củi đáy nồi và quyết định không treo cờ nước mình trên đảo nữa, và nói chung tránh mọi trò chọc ghẹo kiểu con nít. Vấn đề nay được nỗ lực giải quyết thông qua con đường ngoại giao.
Những bước tích cực đầu tiên là xây dựng một trạm quan sát khí tượng chung. Hai bên ngấm ngầm thỏa thuận sẽ không kiện ra Tòa án Công lý Quốc tế nữa, mặc dù trước đó nhiều chuyên gia luật quốc tế đã dự đoán rằng Đan Mạch có cơ may cao hơn khi tiến hành tố tụng. Cuối cùng, vào năm 2018, một nhóm công tác ba bên với các phái đoàn từ Canada, Đan Mạch và Greenland ngồi vào bàn đàm phán để tìm một giải pháp khả dĩ làm vừa lòng mọi bên.Tháng 11 năm ngoái, một thỏa thuận đã đạt được tại thủ đô Reykjavík của Iceland về việc phân chia hòn đảo.
- Có thể bạn chưa biết: 'Nghệ nhân' chặt đầu
- Có thể bạn chưa biết: Pasta và sợi mì kết nối các dân tộc
- Có thể bạn chưa biết: Kỷ vật của nền văn minh
Chuyện nghiêm túc
Đáy biển ở vùng này không có khoáng sản và trữ lượng cá xung quanh đảo cũng khiêm tốn, vậy đó không thể là nguyên nhân gây tranh chấp, nếu xét đến đường bờ biển khổng lồ của cả hai quốc gia. Sâu xa hơn, người ta muốn lập ra một loại tiền lệ, vì trong quá trình biến đổi khí hậu và mùa Hè ngày càng ôn hòa hơn, quyền đi lại ở các eo biển đang dần dần trở thành một chủ đề nhạy cảm. Hiện nay, eo biển này chỉ có thể cho tàu bè sử dụng được trong vài tuần một năm và cũng chỉ theo đuôi tàu phá băng.
Tuy nhiên, xung đột trên đảo Hans thường được coi là báo hiệu cho những xung đột sắp xảy ra ở Bắc Cực, nơi ngày càng phát hiện ra nhiều tài nguyên sinh lợi có thể bị đe dọa ngay khi băng ở Bắc Cực tan chảy để lộ những hòn đảo mới. Hy vọng rằng các quốc gia Bắc Âu sau đó sẽ vẫn sử dụng ngoại giao chứ không phải dùng đến gươm giáo.
Canada và Đan Mạch đã đồng ý về một đường biên giới mới chia đôi hòn đảo ở khoảng giữa. Nhưng không chỉ có vậy, với thỏa thuận này, Canada và Đan Mạch còn thiết lập một kỷ lục mới. Bởi vì họ không chỉ đã thống nhất về biên giới trên bộ, mà còn là biên giới trên biển. Nó kéo dài hơn 38.000 km chiều dài từ Biển Lincoln ở phía Bắc đến Biển Labrador ở phía Nam. Thực tế này làm cho nó trở thành biên giới biển dài nhất trên thế giới. Đúng là một kết thúc tuyệt vời cho cuộc tranh chấp biên giới thái bình nhất và giàu chất cồn nhất mọi thời.
Lê Quang
Tags