Chỉ một năm sau khi Adolf Hitler và đảng Quốc xã lên nắm quyền ở Đức, nền kinh tế Đức có một số tiến bộ rõ rệt. Và một nền kinh tế lớn - cho dù khi ấy ít ai nghĩ tới khả năng phục vụ cho cuộc chiến chiếm lĩnh thế giới - cần một hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, trước tiên là mạng lưới giao thông vận tải.
Thế giới biết đến hệ thống đường cao tốc Đức như một hình mẫu, và đột nhiên ngày ấy Hitler không chỉ là người chỉ đường về tư tưởng, mà còn là một nhà hoạch định giao thông tài ba?
Huyền sử thường sống dai hơn chính sử, đó là một kinh nghiệm dân gian mà ai cũng biết, nhưng ai cũng sa vào cái bẫy đó.
Huyền thoại
Cho đến tận hôm nay, nửa đầu thế kỷ 21, vẫn có nhiều người Đức ghi nhớ trong đầu câu chuyện về một cậu học sinh học nghề cơ khí 17 tuổi người Basel (Thụy Sĩ) tên là Willy Sarbach. Còn ngồi ghế nhà trường, cậu đã nộp một phát minh cho Cục Sở hữu trí tuệ Thụy Sĩ. Lịch mới sang trang 1929. Một số từ điển bách khoa toàn thư cũng ghi nhận điều này.
Thoạt tiên đây là một bài dự thi cho ý tưởng “Ngã tư không cắt nhau“ diễn ra hồi 1927, do một công ty xây đường cao tốc đề xướng và Sarbach đoạt giải nhất.
Tiêu đề khá lủng củng về câu chữ “Tạo ra các điểm nối đường cao tốc với nhau hoặc nối với đường quốc lộ“, trên thực tế là một ý tưởng thiên tài, không chỉ trong kỹ thuật điều phối giao thông mà còn về mặt thẩm mỹ. Nói một cách đơn giản là nhờ nó mà xe cơ giới không cần giảm tốc độ ở các điểm giao nhau, hay chính xác hơn là đường cao tốc chỉ có thể mang tên đường cao tốc khi chúng không cắt nhau, không có đèn xanh đỏ bắt xe phải chờ, và cũng không cần phải luồn hầm hay vượt cầu cực kỳ tốn kém.
Dĩ nhiên là đường giao thông đến lúc nào đó phải cắt nhau, nhưng ý tưởng của Sarbach là tạo ra các nút thắt hình hoa thị để xe cơ giới rẽ theo đường vòng đi đến tuyến đường khác, thay vì phải chờ đèn xanh hay nhường nhau. Hôm nay cả thế giới phải cảm ơn cậu học sinh học nghề nọ, những hồi đó ý tưởng của cậu có chung số phận với nhiều phát minh thiên tài khác: Người ta xếp phát minh của cậu vào ngăn kéo và quên bẵng. Cũng có thể người ta chưa biết một cái tên khác: Arthur Hale – chuyện thường ngày ở cái thời hồng hoang của truyền thông.
Tia chớp trí tuệ ở Maryland
Như đã nói, Willy Sarbach trôi vào quên lãng. Quê hương Thụy Sĩ của cậu mãi đến giữa thập niên 1960 mới áp dụng sáng kiến của cậu và xây các giao điểm hình hoa thị cho mạng lưới đường cao tốc. Khi mò vào kho lưu trữ các phát minh, người ta tá hỏa nhận ra ý tưởng đó không hề nảy ra hồi 1929 trong đầu óc Sarbach, mà trước đó hơn cả chục năm, ở Mỹ.
Ngày 29/2/1916, một kỹ sư xây dựng tên Arthur Hale Maryland. Cũng phải nói thêm là sáng kiến của ông không giống hẳn, và cũng không hiệu quả như của Sarbach: Hale đề nghị xây một loạt đường nhánh chạy song song với đường chính, để ô tô rời khỏi hoặc đi lên đường chính. Tuy nhiên, khi đi vào đường đó thì xe phải giảm tốc độ. Những công trình tương tự, dù không ở quy mô lớn, đã từng được triển khai ở Hà Lan và ở Đức. So với sáng kiến mang hình hoa thị của Sarbach thì chúng kém một trời một vực.
Chính quyền Quốc xã Đức cho xây giao điểm đầu tiên theo ý tưởng của Sarbach năm 1934 ở Schkeuditz, gần thành phố Leipzig. Thay vì tôn vinh Sarbach, bộ máy tuyên truyền của Hitler ra sức ỉm đi cái tên Sarbach, đồng thời tô vẽ một hình ảnh mới của nhà nước đang trỗi dậy. Công trình đường cao tốc áp dụng phát minh của Sarbach có mục đích xây mạng lưới đường sá nối Hamburg (Đức) với Basel (Thụy Sĩ) và cắt ngang Frankfurt. Sau này nó được mở rộng đến tận bờ Baltic và Genova (Ý).
Người nghĩ ra dự án khổng lồ này là chủ một công ty xây đường của Ý, Piero Puricelli. Trước đó nhiều năm, ông đã trình lên Mussolini và nhận được ủng hộ nhiệt tình về chính sách. Tuy nhiên, bộ máy tuyên truyền của Đức đã nhập nhằng tạo điều kiện cho Hitler “thuổng“ ý tưởng này, và như đã nói, huyền thoại về kiến trúc sư tài ba Hitler sống đến tận hôm nay!
Được chống lưng bởi trục phát xít
Hitler nhận xằng sáng kiến này mà không ngại bị Mussolini lật tẩy, vì ngày đó ba quốc gia Đức, Ý và Nhật tạo ra trục phát xít để toan cùng nhau thống trị toàn cầu.
Xem lại sách vở, có thể đọc được một lá thư của Fritz Todt, Tổng giám đốc Cục đường bộ dưới thời Hitler: “Ngay từ năm 1923 tại Landsberg, Quốc trưởng đã đưa ra những ý tưởng cơ bản của mình về việc xây dựng các đường cao tốc của Đức và mạng lưới đường giao thông tiên tiến này sẽ luôn là một sáng tạo của Đức trong sự độc đáo của chúng, hoàn toàn khác biệt với quan niệm của người Ý. Chúng cũng được thiết kế như một mạng lưới giao thông quốc gia, không phải là một phần của đề xuất mạng lưới châu Âu”.
Thời điểm 1923 cũng như địa danh Landsberg, nơi Hitler bị giam và nung nấu những dòng tự sự để sau này viết ra Mein Kampf (Cuộc chiến của tôi) là một sự nịnh hót bỉ ổi của Todt, nhưng rõ ràng là được lòng Hitler, và thế là tất cả cùng ngậm miệng ăn tiền.
- Có thể bạn chưa biết: Kỷ vật của nền văn minh
- Có thể bạn chưa biết: Vàng cũng biết biên sử
- Có thể bạn chưa biết: Lịch sử của thanh kiếm
Nước Đức và cả trục phát xít chết chìm ra sao trong Thế chến II, hôm nay ai cũng có thể biết rõ. Duy chỉ Sarbach là chịu thiệt thòi vì chẳng được nêu tên ở đâu cả. Cậu học sinh học nghề cơ khí thông minh đã bị dìm xuống để Hitler nổi lên. Việc phát minh của cậu được cả thế giới áp dụng, âu cũng là lời an ủi muộn mằn. Ai nhìn một giao điểm hình hoa thị từ trên cao, sẽ nhận ngay ra ý nghĩa tài tình của nó, người ra có thể lấy ngón tay di theo các ngả rẽ để xe cơ giới đổi hướng mà không bị cản trở đáng kể về tốc độ, bất kể rời khỏi hay nhập vào luồng cao tốc mới. Kể cũng lạ: Một ý tưởng khá đơn giản, vậy mà con người mất cả nghìn năm mới nghĩ ra! Giống như đầu cắm USB lệch trục ra đời cả chục năm mới có người nghĩ ra đầu USB đối xứng, đỡ phải loay hoay cắm cho đúng chiều!
Nói đi cũng phải nói lại: Ngày trước, cuối tuần là bọn sinh viên nghèo chúng tôi hay đứng gần mấy đường rẽ hoa thị để vẫy xe, hy vọng có cơ may được một người tốt bụng cho đi ké. Tất nhiên làm như vậy là trái quy định, nhưng lái xe non tay khi vào cua thường đi chậm hơn! Ngày nay chính vì thế mà người ta bỏ dần hình hoa thị, thay vào đó là các cây cầu vượt chồng bốn, năm tầng lên nhau. Một nét đẹp của ngày xưa đang đi vào dĩ vãng...
Lê Quang
Tags