Dù muốn hay không, đồng hồ châu Âu và nhiều xứ khác đều bị chỉnh lại hai lần mỗi năm: cộng một tiếng vào Chủ nhật cuối cùng của tháng Ba để tính theo giờ mùa Hè, và trừ một tiếng vào Chủ nhật cuối cùng của tháng Mười để bắt đầu giờ mùa Đông. Thực tế thì điều đó đáng lẽ phải bị kết thúc từ lâu.
Năm 2019, cơ quan quyền lực tối cao tức Nghị viện EU đã phê chuẩn đề xuất của Ủy ban EU về việc bãi bỏ vụ đổi giờ vào năm 2021. Nhưng chẳng ai nghe.
Cơ sở cho việc bãi bỏ thay đổi giờ theo mùa là một cuộc khảo sát ở những người sống ở khu vực EU. Trong cuộc khảo sát trực tuyến (không mang tính đại diện) này, 84% đã bỏ phiếu chấm dứt việc chỉnh lại đồng hồ. Ít nhất cũng có tổng cộng có 4,6 triệu người đã tham gia khảo sát, trong đó 2/3 là người Đức.
Đây không phải lần thăm dò dư luận đầu tiên, theo kết quả các cuộc tìm hiểu khác, chừng 75% người Đức không ưa sự thay đổi có vẻ như vô bổ này. Tạm thời, Nghị viện EU đành hoãn biện pháp đó đến ít nhất là cuối năm 2026.
Chưa thống nhất dùng mùa Hè hay mùa Đông
Ngay cả khi thời điểm 2026 đã được ghi vào biên bản thì các quốc gia châu Âu vẫn phải thống nhất nên dùng giờ mùa Hè hay giờ mùa Đông, khả dĩ tránh tình trạng nan giải khi tàu bè hay máy bay vượt qua biên giới.
Và đây là lúc ta làm quen với một cơ chế rất thường tình ở cộng đồng cồng kềnh này: Các quốc gia EU đơn lẻ không việc gì phải nghe lệnh Nghị viện, mà có thể tự quyết định xem họ muốn sống theo giờ mùa Hè hay mùa Đông, và cho đến nay họ không thể tìm ra sự đồng thuận về điều này. Bởi vì EU là một thực thể khổng lồ với múi giờ cốt lõi trải dài từ Ba Lan đến Tây Ban Nha. Càng xa về phía Đông, ngày càng bắt đầu sớm, vì đông phương hồng bởi mặt trời lên.
Nếu theo thời gian "bình thường" thì vào tháng Bảy, ngày bắt đầu ở Ba Lan vào khoảng 3 giờ đêm, trong khi ở Tây Ban Nha, nhóm "vạc ăn đêm" còn chưa rời vũ trường để loạng choạng về nhà. Không có gì ngạc nhiên khi Ba Lan tích cực nhất trong cuộc vận động sử dụng thời gian mùa Hè vĩnh viễn! Ai lại muốn bị đánh thức bởi những tia nắng mặt trời lúc 3 giờ sáng?
Lại phải kể thêm đến sự xáo trộn trong thị trường nội bộ EU, nếu tất cả các quốc gia không liên kết với nhau. Thời điểm giao hàng và giờ mở cửa sẽ khác nhau và người ta cần bảng so sánh múi giờ cho mỗi quốc gia!
Ai nghĩ ra cái trò chỉnh giờ này?
Thoạt tiên, ai cũng đổ tội cho việc thành lập Liên minh châu Âu, khiến cho vô số quá trình trong cuộc sống bắt buộc phải đồng nhất hóa. Sai!
Việc chỉnh đồng hồ ở Đức lần đầu tiên được đề xuất vào năm 1912 theo sáng kiến của Ủy viên Cơ mật Henry von Boettinger, một thành viên của Hạ viện Phổ.
Ngày làm việc hồi đó kéo dài từ 10 - 12 tiếng, vào mùa Xuân sẽ bắt đầu muộn hơn với ánh sáng tự nhiên và tiếp tục vào buổi tối với ánh sáng tự nhiên.
Tuy nhiên, phải đợi những thách thức của chiến tranh thì ý tưởng của Boettinger mới được chú trọng. Vào tháng 4 năm 1916, chính phủ đã phổ biến sự thay đổi thời gian trong tương lai bằng tất cả các loại bưu thiếp, báo chí, tờ rơi và những biện pháp tương tự.
Lần thứ hai vào ngày 1/4/1940, chính quyền ra chỉ thị sử dụng giờ mùa Hè - đó là thời điểm Thế chiến II. Nhưng năm 1980 thì hai nước Đông Đức và Tây Đức vừa tái hợp nhất, và lập tức đã có những bức thư gửi đến các tờ báo Tây Đức, hỏi một cách gay gắt liệu tình hình có tồi tệ đến mức chính phủ phải dùng đến biện pháp mạnh như trước!
Ngày 6/4/980, Cộng hòa Liên bang Đức lại quy định sử dụng giờ mùa Hè. Trong đêm từ Thứ Bảy Phục Sinh đến Chủ Nhật Phục Sinh, kể từ sau 1949 kim đồng hồ lần đầu tiên bị đẩy nhanh thêm một tiếng, rồi vào ngày 28/9/1980 lại đảo ngược về giờ mùa Đông. Cứ thế đến hẹn lại chỉnh đồng hồ, cho đến tận hôm nay.
Nhiều lý do, kể cả lý do… chính trị
Bởi vì quy định về giờ mùa Hè đầu tiên vẫn được coi là mệnh lệnh của chính phủ quân chủ, phi dân chủ, Quốc hội Weimar đã không gia hạn quy định này một cách rõ ràng vào mùa Xuân năm 1919. Vụ "giờ mùa Hè" ở Đức dường như đã khép lại, ít nhất là cho đến ngày 1/4/1940. Vào ngày này, chính phủ Đức ban hành Sắc lệnh giờ mùa Hè, mà thực tế được cho là sẽ áp dụng cho đến ngày 6/10/1940. Nhưng bốn ngày trước đó, việc chuyển đổi lại bị hủy bỏ - dường như người ta thấy quá phiền toái. Giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày vẫn có hiệu lực cho đến ngày 2/11/1942. Nó có hiệu lực trở lại vào năm 1943 (từ ngày 29/3 - 4/10) và năm 1944 (từ ngày 3/4 - 2/10). Sau đó lại được áp dụng vào mùa Xuân năm 1945, lần này là vào ngày 2 tháng 4 - nhưng chỉ trong phạm vi ảnh hưởng của Quốc xã.
Khi các cường quốc phe Đồng minh chiến thắng Hitler, họ thực hiện các quy định khác nhau: trong khu vực chiếm đóng của Liên Xô, thoạt tiên múi giờ Moscow được áp dụng cho các cơ quan nhà nước, cho đến khi nhận ra nó vô lý và phi thực tế. Vào ngày 2/10/1949, quy định về giờ mùa Hè cuối cùng kết thúc ở nhà nước Tây Đức mới thành lập.
Trong khi một số quốc gia Tây Âu đã tái kích hoạt lại sự chỉnh giờ vào năm 1977 để tiết kiệm năng lượng, chính phủ Tây Đức vẫn do dự - họ không muốn có sự khác biệt đối với Đông Đức. Nhưng vào mùa Thu năm 1979, Đông Đức cũng tuyên bố tái áp dụng giờ mùa Hè và mở đường cho sự đồng bộ hóa rộng rãi của châu Âu về đồng hồ.
Cả ba lần chỉnh giờ ở Đức vào năm 1916, 1940 và 1980, có một lý do giống nhau: tiết kiệm năng lượng, hay chính xác hơn: tiết kiệm nhiên liệu thắp sáng. Người ta chỉnh đồng hồ ở Đức được đặt trước một giờ để tận dụng tối đa ánh sáng ban ngày dồi dào và miễn phí, ít nhất là từ mùa Xuân đến mùa Thu, tức là để giảm nhu cầu bật đèn.
Việc tiết kiệm năng lượng dường như trở thành mệnh lệnh của thời đại.
Nhiễu loạn đồng hồ sinh học
Theo một khảo sát có tính đại diện của công ty bảo hiểm y tế DAK năm 2019, 29% người Đức xác nhận vài triệu chứng rối loạn khi chuyển sang mùa đông: mất ngủ, rối loạn tim mạch, mệt mỏi v.v. kéo dài nhiều tuần. Với người làm việc theo ca, việc thời gian thay đổi đặc biệt gây căng thẳng.
Các nhà nghiên cứu nhịp sinh học con người cổ xúy "thời gian bình thường", tức là thời gian mùa Đông. Giới y khoa cảnh báo trước tác hại của giờ mùa Hè suốt năm, gọi nó là thời gian "nhân tạo". Nó lấy bớt ánh sáng vào buổi sáng, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả công tác và tạo gánh nặng cho cơ thể khi có thêm một giờ chiếu sáng vào buổi tối là khi con người khao khát chờ đợi giấc ngủ.
Sau khi chuyển sang mùa Hè, trời lại tối sớm, điều này gây tai họa cho nhiều loài động vật hoang dã. Bằng chứng là tai nạn ô tô đâm phải thú rừng băng ngang đường gia tăng rõ rệt, vì tài xế có vấn đề về tập trung tinh thần.
Ngoài ra "không thể định lượng chính xác bao nhiêu năng lượng thực sự được tiết kiệm bằng cách chuyển sang thời gian mùa Hè, bởi vì việc chuyển đổi dẫn đến mức tiêu thụ thấp hơn ở nơi này thì lại tăng mức tiêu thụ ở nơi khác", Cơ quan Môi trường Liên bang Đức kết luận. Khi người ta đi làm sớm hơn để tận dụng ánh sáng tự nhiên thì lại bật lò sưởi lâu hơn vì lúc đó vẫn lạnh!
Tags