Gã đưa người ta qua thế giới bên kia một cách nhanh chóng, hiệu quả và không thấy cắn rứt lương tâm. Dưới chế độ Đức Quốc xã, Johann Reichhart đã hành quyết các phần tử tội phạm và người có tư tưởng đối lập. Sau khi kết thúc chiến tranh, gã lại đã treo cổ các phần tử Đức Quốc xã theo lệnh của quân Đồng minh.
Cho đến cuối đời, gã luôn tin tưởng vào sự hữu ích của hình phạt tử hình.
Lần đầu xuống tay...
Johann Reichhart không thể nhắm được mắt. Cuối cùng thì gã đành cắn răng gạt chăn vùng dậy. Giữa đêm, gã ra tận nơi để kiểm tra các trợ lý của mình làm việc ra sao. Tại sân hành quyết tại nhà tù tòa án bang ở Landshut, cả hai trợ lý đã làm xong mọi việc. Một chiếc máy chém được dựng lên đúng quy định khi Reichhart bước vào sân lúc giữa đêm 23 rạng ngày 24/7/1924, nhưng không tự tay làm thử động tác cuối cùng thì gã khó có thể bình tâm. Reichhart gạt lẫy an toàn và lưỡi dao máy chém sập xuống - sắc như dao cạo và không thể đảo ngược.
Giờ thì Reichhart đã có thể thảnh thơi quay lại giường ngủ. Sáng sớm hôm nay là lần đầu tiên gã hành quyết một con người. Reichhart đã “tập dượt” với những hình nộm và thậm chí cả một xác người thật. Nhưng bây giờ là một mạng sống bằng xương bằng thịt
Rupert Fischer là tên của tử tù đầu tiên trong sự nghiệp của gã. Cùng với một tòng phạm, Andreas Hutterer, người vài hôm nữa cũng sẽ sớm tiếp bước lên đoạn đầu đài, Fischer bị kết án tử hình vì tội chung tay sát hại vợ.
Vào ngày 24/7/1924, các quan chức nhà tù, cảnh sát và trợ lý của đao phủ đã hộ tống Fischer mấy bước đi cuối đời của mình. Thư ký tòa án đọc bản án, một linh mục cầu nguyện cho kẻ tử tội, và sau cùng người ta trói quặt hai tay Fischer ra sau lưng. Mọi động tác lúc này diễn ra rất nhanh chóng: Các trợ lý buộc Fischer vào tấm ván dựng thẳng đứng, chuyển sang tư thế nằm ngang và định vị dưới lưỡi dao. Reichhart đã nhả lẫy khóa và con dao nặng trịch lao phập xuống từ độ cao hai mét.
Đầu Fischer rơi vào giỏ đan bằng cành liễu chờ sẵn, đống vỏ bào và mùn cưa ở đáy giỏ hút cạn tia máu phun ra. Một bác sĩ xác định tử tội đã chết, Johann Reichhart nhẹ nhõm: Vở công diễn đầu tiên đã kết thúc.
“Bản án đã được thực hiện!” Toàn bộ sự sống tắt lịm sau khoảng bốn phút. Công tố viên hài lòng. Ông tiến tới mà không đưa tay ra bắt, cất tiếng chúc mừng Reichhart đã hoàn tất “lễ rửa tội” của mình. Và chúc gã “nhiều thành công trong sự nghiệp” mới chỉ bắt đầu.
Nghề gia truyền
Ngày 29/4/1893, gã đao phủ tương lai đã nhìn thấy ánh sáng thế gian lần đầu tiên tại một thị tứ nhỏ ở bang Bavaria (Đức). Là dòng dõi của một gia tộc chuyên hành nghề chém, Reichhart có thể mở gia phả để dõi ngược lại đến tận thế kỷ 18, trong đó hầu hết các thành viên đàn ông đều kiếm sống bằng nghề này. Bản thân Reichhart hồi trẻ đã làm nghề giết mổ, đi lính, sau đó quay về mở nhà hàng và vận tải - nhưng chẳng“có duyên” trụ lại nghề nào.
Năm 1924, chú Franz của gã về nghỉ hưu ở tuổi 70 và gợi ý đứa cháu nên theo chân mình. “Vị trí này hiện bị bỏ trống ở bang Bavaria và tôi xin được bổ nhiệm vào đó”, Reichhart nộp đơn vào tháng 3/1924.
Vài ngày sau, công tố viên trưởng quận Munich I đã ký hợp đồng: “Kể từ ngày 1 tháng 4 năm 1924, ông Reichhart sẽ thi hành tất cả các bản án tử hình bằng máy chém tại Bang Bavaria”, như hôm nay có thể xem lại trong văn khố. Tiền thù lao cho đao phủ được thỏa thuận: 150 đồng Mark vàng mỗi lần thực hiện cộng với “phụ cấp chi phí và tiền trọ 10 Mark mỗi ngày” cho các cuộc hành quyết “bên ngoài khuôn viên nhà tù”. Reichhart được phép xin chi phí bổ sung cho việc vận chuyển máy chém khi hoạt động bên ngoài.
“Bố mày chuyên chặt đầu người”
Reichhart thấy vô cùng thỏa mãn với cái nghề mới đầy máu me của mình. Gã còn nuôi tham vọng trở thành đao phủ giỏi nhất nước Đức. Một bức ảnh cho thấy Reichhart trong trang phục lao động: Chiếc mũ hình trụ quý phái trên đầu, áo măng tô dạ màu, trang trí thêm chiếc nơ thắt hoàn hảo. Ánh mắt của Reichhart kiên định và tự tin. Reichhart biết mình là một bậc thầy trong “nghệ thuật” hiếm hoi này: Không ai làm việc nhanh hơn gã.
Tuy nhiên, nền Cộng hòa Weimar ra đời đã khiến gã khó sống, khi Bộ luật hình sự có xu hướng chuyển sang những hình phạt nhân đạo hơn: “Lần hành quyết cuối cùng của tôi diễn ra vào ngày 20/1/1928 tại Kempten”, gã phàn nàn với Bộ Tư pháp Bavaria hồi 1929. “Kể từ sau khi tất cả những kẻ giết người bị kết án tử hình đồng loạt được ân xá, nhiều tuần tôi không kiếm được một xu”. Đến hết năm 1928, gã“chỉ” chặt đầu 23 người.
Reichhart quay lại với công việc nhà hàng, nhưng cái mồm khoe khoang của gã khiến chẳng mấy chốc khách hàng nào cũng biết về sự nghiệp đao phủ và cả tên tuổi những tội đồ bị gã chém đầu. Ai tò mò hơn, sẽ được nghe Reichhart kể về mức độ hiệu quả và sự “thạo việc”. Ở đây, gã đao phủ yêu nghề đã đi quá xa. Có lần một khách hàng chỉ tay vào mặt gã: “Mỗi cốc bia mày cầm trên tay đều dính máu!” Và những đứa con của tên đao phủ kiêu ngạo cũng phải gánh chịu tai tiếng từ cái nghề đáng sợ của bố. “Bố mày chuyên chặt đầu người” là câu mà các con gã thường xuyên phải nghe ở trường.
Các ông chủ mới
Khi bộ máy hành quyết của đám người theo chủ nghĩa Nazi chạy hết tốc lực, nhà chức trách đã phải thọc tay sâu hơn vào túi để kiếm những tên đao phủ giỏi nghề như Reichhart. Người ta phát cho gã một chiếc ô tô công vụ để có thể nhanh chóng di chuyển giữa các pháp trường: Munich, Stuttgart, Frankfurt, Weimar, Dresden, sang tận Vienna (Áo) và Praha (Séc).
Chẳng bao lâu sau khi được gắn lên ngực huy hiệu đảng Quốc xã, Reichhart tiếp tục phát triển kỹ thuật hành quyết lên mức điêu luyện. Để khỏi tốn thì giờ trói tay những người bị hành quyết bằng dây thừng, Reichhart đã sáng chế một dụng cụ bằng kim loại để ghì tay các tử tù. Nhằm đẩy nhanh thời gian thực hiện, gã đã cải tiến máy chém. Một chiếc ghế băng cố định thế chỗ cho tấm ván có bản lề cũ kỹ, tiết kiệm thời gian trói chặt vào ván. Những trợ lý của Reichhart nhanh tay ấn đầu kẻ phạm tội thò ra ngoài ghế băng - và lập tức lưỡi dao phập xuống ngay. Toàn bộ thủ tục chỉ mất khoảng bốn giây. Việc hành quyết trở thành công việc dây chuyền được tối ưu hóa. Có những ngày Reichhart chặt đầuđến 20 người, và “kỷ lục” ghê sợ của gã là 32.
“Nghệ nhân chặt đầu” Reichhart chỉ gặp trục trặc một lần duy nhất. Năm 1940 gã qua Vienna hành sự, nhưng phải dùng “công cụ” đi mượn của người khác. Tử tù đã bị buộc chặt dưới lưỡi dao, mọi người có mặt đều nín thở. Reichhart gạt lẫy an toàn và tấm kim loại sắc ngọt lao xuống - chỉ để dừng lại cách cổ tội nhân vài phân. Mọi người rú lên, nhưng trước khi kẻ bị kết án có thể hy vọng vào một phép màu, Reichhart đã phản ứng khẩn cấp. Gã cho kéo dây thừng lên và thả ra lần nữa - và lần này lưỡi dao đã làm trọn nhiệm vụ ghê rợn của nó. Bản thân gã đao phủ cũng vô cùng bị sang chấn trước vụ này. Nhiều tuần tiếp theo, gã run rẩy không kiểm soát được.
- Có thể bạn chưa biết: Một đế chế trong tay các hoạn quan
- Có thể bạn chưa biết: Kỷ vật của nền văn minh
- Có thể bạn chưa biết: Lịch sử của thanh kiếm
“Nhiệm vụ vinh quang”
Trừ lần đó ra, “công vụ” của Reichhart chạy hoàn hảo. Những kẻ sát nhân và ấu dâm, lính đào ngũ hay nhà hoạt động đối lập - tất cả đều lìa đời dưới tay Johann Reichhart.
Với tần suất dày đặc ấy, gã cũng thu nhập đáng kinh ngạc. Năm 1943, hồ sơ ghi lại mức thu nhập cố định trong năm là 3.000 Mark, cộng với 35.790 Mark tiền thưởng cho 764 vụ chặt đầu. Sau vụ ám sát Hitler bất thành ngày 20/7/1944, cơn khát máu của chế độ Đức quốc xã tàn ác lại leo lên một cấp độ mới. Reichhart được điều đến Berlin để hỗ trợ đồng nghiệp của mình ở đó.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 7/1944, gã buộc phải tạm nghỉ do làm việc quá sức. Chính quyền động viên Reichhart bằng một giấy khen cho “Nhiệm vụ vinh quang trong thời chiến”.
“Nhiệm vụ vinh quang” ấy chỉ kết thúc khi Đức đầu hàng vào tháng 5/1945. Một ngày giữa tháng, báng súng của lính Mỹ dộng vào cửa nhà Reichhart. Gã bị đưa vào trại giam rồi ra tòa. Dường như hoàn toàn không bị cắn rứt lương tâm, Reichhart đã tự bào chữa cho mình: “Tôi thi hành các bản án tử hình với niềm tin chắc chắn rằng tôi đang phục vụ nhà nước, và tôi tuân thủ luật được ban hành hợp pháp”.
Do sức khỏe yếu, gã được miễn phạt tù.
Trong 23 năm, Johann Reichhart đã hành quyết 3.165 người, trong đó khoảng 250 phụ nữ. Chỉ tính riêng từ năm 1940 đến năm 1945 đã có 2.805 vụ chém đầu. Ở Đức, gã được coi là đao phủ bận rộn nhất trong lịch sử đất nước. Chỉ khi Hiến pháp mới của Đức có hiệu lực vào ngày 23/5/1949 Tây Đức mới bãi bỏ án tử - và đồng thời xóa đi một truyền thống gia đình đẫm máu. Reichhart, tuy nhiên, vẫn trung thành với niềm tin của mình: Cho đến khi chết, gã vẫn kêu gọi tái áp dụng án tử hình.
Lê Quang
Tags