Eli Avivi là một người có công trạng lớn đối với dân tộc Do Thái: Sau Thế chiến II, ông tham gia đưa nhiều người Do Thái bí mật rời khỏi châu Âu sang Palestine lúc đó còn nằm trong tay Anh, khi nhà nước Israel còn chưa có tên trên bản đồ chính thống. Nhưng ông còn yêu hòa bình và tự do hơn: Khi Isreael toan biến mảnh đất Akhziv thành một khu du lịch, Avivi liền tuyên bố đó là “quốc gia mini có chủ quyền”.
“Quốc gia” này, bên cạnh lũ chó và mèo, chỉ có một thần dân kiêm thường trú nhân duy nhất: “hoàng hậu” Rina, vợ ông.
Xứ sở tình yêu
Tháng 9-2000, Jehuda Amichai biết là mình không còn nhiều thời gian trên cõi tạm này nữa. Thi hào thế kỷ, như người Israel kính cẩn gọi tên ông, biết điều gì mình tha thiết trước khi nhắm mắt: Ông đến Akhziv, thành phố cổ kính gần biên giới Lebanon, muốn lần cuối cùng ngắm mặt trời mọc và lặn bên bờ Địa Trung Hải, muốn nghe tiếng sóng xanh ngọc rì rào, muốn giẫm lên nền cát mịn vàng như mật ong mà ông từng ca ngợi trong vô số bài thơ.
Akhziv từng là một khu dân cư từ thế kỷ 18 TCN, sau này bị xóa tên nhiều lần trong vô vàn cuộc chiến lớn nhỏ giữa các thế lực Babylon, La Mã, Ả Rập, Ba Tư, Assyria ... Trong thập niên 1970, ngôi làng và bãi cát mịn màng ấy là điểm hành hương của dân hippie và du lịch ba lô từ khắp nơi trên thế giới.
Không chỉ đám con cái của cỏ hoa - tức flower power, uyển từ của phong trào hippie phóng túng - chọn nơi này như thiên đường hạ giới, mà Achziv còn được đón tiếp vô số tên tuổi như minh tinh màn bạc Ý Sophia Loren, “quả bom sex Pháp” Brigitte Bardot, huyền thoại Hollywood Paul Newman... Cho đến tận hôm nay, giới tinh hoa của văn thơ, âm nhạc, nghệ thuật Tel Aviv dường như vẫn chọn nơi này làm nguồn cảm hứng sáng tác và góc riêng tư để lui về với chính mình.
Sau nhiều năm không ngó ngàng tới, đầu những năm 70 của thế kỷ trước, nhất là khi phong trào hippie tự nó lụi tàn, nhà nước Israel dự định biến khu vực này thành một công viên quốc gia kiêm nghỉ dưỡng thương mại. Vốn không ưa những gì thuộc về khuôn khổ cứng nhắc, Eli Avivi nảy ra một ý định khá... bất thường.
Quốc gia mini
Eli Avivi vốn là người Iran, nhưng gia đình ông rời bỏ quê hương năm 1932 khi ông mới lên 2. Ở tuổi thanh niên, ông gia nhập đơn vị đặc công của Haganah, một phong trào vũ trang Do Thái hoạt động bí mật.
Trên đường đi Lebanon để đánh mìn các cây cầu của đối phương, con tàu chở Avivi và đồng đội thả neo trước bãi biển Akhziv, ngày đó còn tên cũ là al-Zib. Thổ dân ngày đó vung quả đấm lên dọa và vác đá ra ném lũ người lạ.
Mối linh cảm của họ về mối thù truyền kiếp với dân Do Thái quả là không sai: Khi chiến tranh kết thúc thì al-Zib đã không còn, hay đúng hơn là nằm trong làm đạn của Israel. Thổ dân chạy nạn tứ phía, nhà cửa tan hoang, bên cạnh các tàn tích Hy Lạp, La Mã, miếng đất có lịch sử đau thương nay có thêm đống đổ nát Palestine.
1952, sau những năm lênh đênh đời thủy thủ, ông chọn Akhziv làm nơi trú ngụ và sống bằng nghề đánh cá và chụp ảnh khỏa thân. Dự cảm kém an lành của ông cho biết nhà nước sớm muộn sẽ không chỉ cải tạo phong cảnh xanh sạch đẹp, mà sẽ xây một rừng khách sạn bê tông để đón du khách tắm biển. Trong lúc tình trạng pháp lý còn khá lằng nhằng, nhất là khi xe ủi của Bộ du lịch Israel xuất hiện để định cào bằng túp lều của mình, Avivi tuyên bố thành lập “nhà nước tí hon” Akhzivland.
Nhà chức trách không phấn khởi cho lắm, nhưng cũng nhắm mắt để yên cho “vua” Avivi trị vì. Du khách, bất kể dân phượt bụi bặm, người mẫu, nghệ sĩ, nhà giàu chán cảnh đô thị hay thậm chí các chính trị gia lỗi lạc như Shimon Peres, đều được “vua” Avivi đích thân ra đón và đưa về nhà trọ đơn sơ sát biển. Trong số đó có một nữ phượt thủ Rina xinh đẹp 17 xuân xanh mà sau này sẽ được lọt vào mắt xanh của “nhà vua” để thành “hoàng hậu”.
“Nhà nước bình an”
“Nhà nước” Achzivland thực ra không được mang tên nhà nước, vì không quốc gia nào trên thế giới công nhận nó về mặt ngoại giao. Liên Hợp Quốc cũng chẳng thèm đáp lại các thư từ mà “vua” Avivi gửi đến.
Eli Avivi liền lập kế hoạch “hiện đại hóa” thể chế của mình, ông tổ chức bầu “tổng thống”. Dĩ nhiên là ông đắc cử chức “tổng thống” suốt đời với 100% số phiếu, đó chính là lá phiếu của cử tri duy nhất tên là... Eli Avivi (bản thân Rina, đứa con mồ côi của bố mẹ Do Thái bị sát hại trong vụ Holocaust, không tham gia bỏ phiếu).
“Nhà nước” Akhzivland có “quốc kỳ” mang hình nàng tiên cá ngực trần. “Quốc ca” cũng không thể thiếu: Đó là bản ghi âm tiếng sóng biển rì rào. Akhivland cũng phát “hộ chiếu” cho bất cứ ai có nguyện vọng, bao gồm cả dấu nhập và xuất cảnh. Ở “quốc gia” này, “dinh tổng thống” cũng kiêm phòng giá thú: Ai muốn kết hôn sẽ được thỏa mãn sau thủ tục kéo dài 5 phút, do đích thân “tổng thống” cử hành nghi lễ. Thủ tục ly dị còn nhanh hơn, “quan tòa” Avivi chỉ cần 2 phút.
Bản thân Eli Avivi không hoạt động chính trị, nhưng ông cho phép các nhà hoạt động chính trị được tổ chức sự kiện ở đây. Tất cả chỉ nhằm mục đích gây quỹ cho những ngày vắng khách du lịch tắm biển.
Danh chính ngôn thuận thì Akhzivland nằm trên lãnh thổ Israel, do đó chính quyền từng phát đơn kiện Avivi và tống ông vào tù mấy hôm. Không may cho nhà cầm quyền, nền tư pháp độc lập đã tuyên bố Avivi trắng án trong phiên xử cấp tốc, vì trong luật Israel không có tội danh nào tên là “Thành lập một quốc gia mà không được pháp luật cho phép” cả. Để lấp liếm vụ thất bại này, người ta dấm dúi ký hợp đồng cho Avivi thuê đất dài hạn.
- Có thể bạn chưa biết: Phượt thủ cả đời chỉ chu du thiên hạ
- Có thể bạn chưa biết: Vàng cũng biết biên sử
- Có thể bạn chưa biết: Nhà tranh vách đất… xa xỉ
Hippie thời mới
Ta biết, cho đến nay Israel và bán đảo Ả Rập chưa có một ngày thực sự hòa bình và nói rộng ra thì xã hội loài người chưa có một ngày nào không có chiến sự. “Quốc gia mini” Akhzivland tuy có thể bị coi là đi vào lịch sử như một giai thoại hài hước, nhưng nó manh nha là một ước mơ sâu thẳm của nhân loại.
Nhà văn Do thái Yoram Kaniuk, tình cờ sinh cũng năm với Avivi, từng viết: “Trong chiến tranh, những chàng trai của cả hai phe đã giết người và bị người giết mà chưa từng biết đến nụ hôn trong đời”.
Đã từng cầm súng, Eli Avivi muốn sống theo cách khác, do đó ông tìm đến Akhziv để thực hiện mơ ước của mình. Thoạt tiên ông sống bằng những gì biển cả cho ông, cho đến khi “tạo ra” “nhà nước mini” theo ý niệm của mình, một xứ sở không biên giới, không kiêng kỵ. Ở nhà nước non trẻ Israel ngày ấy chưa có khái niệm “du lịch nước ngoài” hay thậm chí “tắm khỏa thân”. Eli Avivi là một hippie từ khi chưa có phong trào hippie, “nhà nước” của ông có lẽ là nhà nước hòa bình nhất ở Trung Đông hay thậm chí trên thế giới, và ông là “nhà độc tài” sáng suốt nhất trong lịch sử các quốc gia. Ông là nhà hoạt động môi trường hiệu quả nhất, ngăn được dự án resort bê tông hóa chắn hết bãi biển. Bộ Du lịch sau khi thua kiện, nay đã quảng cáo Akhzivland như một điểm đến hấp dẫn.
Avivi tiếp tục công việc chụp ảnh khỏa thân ở bờ nước cho các nữ du khách. Kho ảnh hơn một triệu bức là bộ sưu tập ảnh khỏa thân lớn nhất Israel. Ông qua đời năm 2018 ở tuổi 88. Quả phụ Rina được quyền quyết định tương lai Akhzivland. Hiện tại bà tiếp tục đón khách thay chồng, và hợp đồng thuê đất có hiệu lực 99 năm. “Ngôi làng này tồn tại hơn 4.000 năm rồi”, bà nói. “Tại sao nó không tồn tại thêm 1.000 năm nữa”?
“Quốc gia mini” Akhzivland tuy có thể bị coi là đi vào lịch sử như một giai thoại hài hước, nhưng nó manh nha là một ước mơ sâu thẳm của nhân loại. |
Lê Quang
Tags