Năm 1966 - để làm hài lòng các giám đốc điều hành của General Electric, máy bay phản lực của không lực Hoa Kỳ đã thực hiện một cuộc diễn tập cực đoan. Và trong cuộc biểu dương lực lượng vô nghĩa đó, một trong những chiếc máy bay kỳ diệu nhất và có lẽ cũng đẹp nhất mọi thời đại đã tan xác.
Trớ trêu thay, viên phi công kỳ cựu nhất nước Mỹ lại gây ra vụ tai nạn hàng không đắt giá nhất mọi thời đại. Và hơn thế nữa, trong một cuộc diễu hành hoàn toàn không cần thiết và chỉ bay để cung cấp những hình ảnh ấn tượng cho một bộ phim quảng cáo. Xét về hiệu ứng tiếp thị cho nhà sản xuất thì dĩ nhiên là một ý tưởng tốt - nếu không thất bại. Nhưng khoản thiệt hại khoảng nửa tỷ USD (theo giá trị năm 1966, chuyển đổi sang năm nay sẽ là khoảng 4,65 tỷ USD) xem ra còn thấp hơn thất bại tinh thần của siêu cường quốc.
Con đường binh nghiệp
Ngày 8/6/1966, hãng General Electric tổ chức chụp ảnh chiếc phi cơ được trang bị động cơ của công ty. Năm máy bay bay theo đội hình trên bầu trời California. Walker lái chiếc F-104N và bay gần cánh phải của chiếc XB-70A. Sự cố xảy ra ở độ cao 7 km thuộc không phận sa mạc Mojave. Phi công thử nghiệm, giám đốc đào tạo của NASA và cũng là người giữ nhiều kỷ lục thế giới, Joe Walker, liếc xuống kim đồng hồ đang nhảy đến điểm 9 rưỡi sáng, thì cũng đúng khoảnh khắc ấy chiếc máy bay chiến đấu khét tiếng Lockheed F-104 do ông điều khiển đã va vào chiếc máy bay ném bom thử nghiệm North American XB-70-A Valkyrie.
Walker bắt đầu cuộc đời phi công của mình trong Thế chiến 2. Sau chiến tranh, Walker làm việc tại Phòng thí nghiệm động cơ máy bay Ohio và Đội bay cao tốc Edwards. Ở đó, ông đã bay thử nhiều loại máy bay và trực thuộc NASA từ tháng 10/1958. Hai năm sau, ông hoàn thành chuyến bay đầu tiên trên chiếc máy bay nghiên cứu tốc độ cao X-15 năm 1960. Chuyến bay nhanh nhất của ông là vào ngày 27/ 6/1962 với tốc độ Mach 5,9 tức 6.605 km/h. Vào ngày 22/8/1963, ông thậm chí đạt độ cao 107.960 m, tức là vượt ranh giới vào vũ trụ - qua đó Walker trở thành một phi hành gia, người duy nhất đã làm như vậy với X-15.
Chiều lòng General Electric (GE)
Sau khi chụp ảnh, Walker rẽ ra khỏi đội hình và bị cuốn vào lốc xoáy của XB-70. Chiếc F-104 quẹt đuôi vào đầu cánh phải của chiếc XB-70A-2, sau đó lăn ngược sang trái qua cánh phải và xé toạc gần như hoàn toàn cả hai đuôi dọc của chiếc XB-70, liền đó va vào cánh trái của XB-70.
Chiếc máy bay chiến đấu một động cơ của Walker phát nổ ngay lập tức, Walker không có một phần nghìn cơ may nào. Máy bay ném bom XB-70A với sáu động cơ bị hư hỏng phần đuôi cũng như hai cánh. Nó bay thẳng theo quán tính trong khoảng 16 giây, sau đó sa vào vòng xoáy ốc mất kiểm soát và rơi tự do.
Cơ trưởng Al White của XB-70A nhảy dù được, dù bị thương nặng, nhưng phi công phụ Carl Cross bị hỏng ghế thoát hiểm và chết khi trong xác máy bay. Một thảm họa: hai người chết, một người bị thương nặng, công trình phát triển và chế tạo hai nguyên mẫu XB-70 đã đốt cháy hơn một tỷ đô la.
Tai nạn xảy ra như thế nào? Tại sao chiếc Starfighter lại bay sát chiếc Valkyrie đến nỗi xảy ra va chạm? Môt ủy ban điều tra nhanh chóng được thành lập đã chỉ ra kết quả tầm phào đến khó tin: General Electric (GE), một trong những công ty công nghiệp quan trọng nhất trên thế giới và sản xuất cả động cơ máy bay, hôm đó quay một bộ phim quảng cáo cho sản phẩm của mình, và họ muốn có những hình ảnh thật quyết liệt!
Ở Mỹ GE chỉ có một đối thủ duy nhất là Pratt & Whitney. Hầu như tất cả các máy bay phản lực của Hoa Kỳ đều bay với động cơ của hai nhà sản xuất này. Khi khoe những máy bay hiện đại nhất của Không lực Hoa Kỳ được lắp động cơ của GE hồi thập niên 1960 thì không thể thiếu XB-70. Theo kịch bản, chiếc Valkyrie dự định sẽ bay theo đội hình giữa các máy bay phản lực khác do GE cung cấp: Starfighter một động cơ, máy bay chiến đấu hạng nặng F-4 Phantom hai động cơ và F-5 hai động cơ và máy bay huấn luyện siêu thanh T-38. Cả đội hình được quay phim và chụp ảnh từ chiếc máy bay thứ sáu. Những hình ảnh thật ngoạn mục cho thấy chiếc XB-70 khổng lồ được bao quanh bởi bốn chiếc máy bay phản lực nhỏ hơn nhiều. Năm chiếc máy bay trông giống mũi giáo trong ảnh đen trắng nhìn từ trên xuống, trong khi phim màu từ góc dưới bên trái trông còn ấn tượng hơn. Trước khi chụp được ảnh từ phía dưới bên phải thì thảm họa đã xảy ra.
Trước khi xảy ra tai nạn, Valkyrie đã bị chứng tỏ là một sai lầm quân sự. Mười hai năm trước, Tập đoàn Rand chuyên tư vấn cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã nghiên cứu về nhu cầu của Hoa Kỳ để đối phó với Liên Xô. Sức mạnh hạt nhân của Hoa Kỳ vào thời đó dựa trên hai máy bay ném bom Boeing B-47 và B-52 - cả hai mang tải trọng vũ khí khổng lồ, nhưng đều dưới mức siêu âm.
Vì vũ khí hạt nhân loại mạnh hiện có, đặc biệt là bom khinh khí, vẫn còn quá lớn so với những tên lửa đạn đạo đầu tiên mới được phát triển, Tập đoàn Rand kết luận rằng, Hoa Kỳ sẽ cần một máy bay ném bom siêu thanh cỡ lớn vào những năm 1960 để thế chỗ cho B-52. Hai công ty Boeing và North American Aviation đề xuất và nhận được đơn đặt hàng vào tháng 11/1955, nhưng kết quả của cả hai công ty dường như không đạt yêu cầu.
Vì vụ bắn rơi máy bay do thám U-2 của Hoa Kỳ trên bầu trời Liên Xô năm 1960 cho thấy Liên Xô đã đạt được những bước tiến vượt bậc về tên lửa phòng không, Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy đã hủy bỏ chương trình này vào cuối tháng 3/1961 - vào thời điểm đó đốt chừng 800 triệu USD.
Tuy nhiên, hai nguyên mẫu hiện đang được chế tạo cần được hoàn thiện và sử dụng làm phương tiện thử nghiệm: Tổng chi phí: hai tỷ đô la. Vào tháng 5/1964, chiếc XB-70 đầu tiên đã sẵn sàng, chiếc thứ hai vào tháng 10. Chiếc Valkyrie 2 đạt tốc độ Mach 3 lần đầu tiên vào ngày 3/1/1966 và duy trì tốc độ này một lần trong 20 phút và một lần 32 phút.
Rồi cái ngày xấu trời mùng 8/6/1966 cũng đến. Valkyrie 2 được chọn để cảm ơn các ông chủ của General Electric bằng cuộc diễn tập với bốn máy bay phản lực khác do GE cung cấp. Kết quả như đã biết.
Vĩ thanh
Cuộc điều tra vụ tai nạn chủ yếu dựa vào phỏng đoán theo các thước phim quay trực tiếp hơn là một cuộc điều tra thực chất, vì các mảnh vỡ của XB-70 và F-104 bị xé vụn đến mức khó có thể nhận được điều gì.
Người kết luận rằng Starfighter của Walker đã bị hút vào vòng lốc xoáy của Valkyrie. Hiện tượng này phần lớn vẫn còn lạ lẫm vào thời điểm đó, Joe Walker vô tội. Ông để lại vợ và bốn con. Ông là người thứ mười ba trong vũ trụ và là người đầu tiên đạt độ cao vũ trụ mà không cần tên lửa, thậm chí hai lần. Ông cũng là phi hành gia trẻ nhất và phi hành gia đầu tiên qua đời.
Theo định nghĩa của quân đội Mỹ, giới hạn không gian là 50 dặm (80,47 km). 5 phi công quân sự lái X-15 vượt qua độ cao này đã được tặng huy chương "Đôi cánh phi hành gia" khi hạ cánh. Tuy nhiên, Walker là nhân viên dân sự của NASA nên đã bị từ chối giải thưởng. Vào ngày 23/8/2005, ông được vinh danh là phi hành gia trong một buổi lễ và các thành viên trong gia đình ông đã được trao giấy chứng nhận cùng với bảng tên bằng da có thêu đôi cánh. Tổng cộng, Walker đã thực hiện 24 chuyến bay trên chiếc X-15 từ tháng 3/1960 đến tháng 8/1963. Năm 1970, một miệng núi lửa mặt trăng được đặt theo tên ông.
Chiếc XB-70 kia vẫn được sử dụng làm phương tiện thử nghiệm của NASA cho đến năm 1969 và sau đó đưa vào Bảo tàng Không lực Hoa Kỳ ở Ohio.
Tags