Coca-Cola và PepsiCo dẫn đầu nhóm doanh nghiệp gây ô nhiễm nhựa lớn nhất

Thứ Sáu, 26/04/2024 15:57 GMT+7

Google News

Theo một nghiên cứu quốc tế được công bố ngày 25/4, hơn 50% ô nhiễm nhựa từ các sản phẩm có thương hiệu trên toàn cầu liên quan 56 công ty sản xuất.

Nghiên cứu được đăng trên trang chủ của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO), theo đó 12 tổ chức quốc tế, trong đó có Cơ quan khoa học quốc gia của Australia và CSIRO, đã lần đầu tiên đưa ra định lượng trách nhiệm đối với vấn đề ô nhiễm nhựa.

Dựa trên dữ liệu từ chương trình theo dõi rác thải nhựa kéo dài 5 năm tại 84 quốc gia trên thế giới, nghiên cứu chỉ ra công ty Coca-Cola của Mỹ là nhà sản xuất gây ô nhiễm nhựa lớn nhất, chiếm 11% tổng ô nhiễm nhựa toàn cầu. Tiếp theo là tập đoàn PepsiCo, chiếm 5%; Nestle của Thụy Sỹ và công ty thực phẩm Danone của Pháp đều chiếm 3%. Trong khi đó, 13 công ty khác gây ra ít nhất 1% ô nhiễm là nhà sản xuất thực phẩm, đồ uống hoặc thuốc lá.

Nhìn chung, nghiên cứu chỉ ra rằng lượng ô nhiễm nhựa có thương hiệu và không thương hiệu ngoài môi trường ở mức gần tương đương nhau.

Trong thông cáo báo chí, nhà nghiên cứu Kathy Willis của tổ chức CSIRO nhấn mạnh, những phát hiện trên cung cấp hiểu biết mới về những sản phẩm nhựa thải ra môi trường và nêu bật tầm quan trọng của các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề sản phẩm nhựa dùng một lần. Trong số các giải pháp có các thiết kế sản phẩm an toàn và bền vững giúp cắt giảm nhu cầu toàn cầu về sản phẩm mới và tăng khả năng tái sử dụng, sửa chữa, cũng như tái chế.

Coca-Cola và PepsiCo dẫn đầu nhóm doanh nghiệp gây ô nhiễm nhựa lớn nhất - Ảnh 1.

Ảnh: TECHNOCRAZED.COM

Nhà nghiên cứu Willis cũng kêu gọi các tiêu chuẩn quốc tế cải thiện việc xây dựng thương hiệu bao bì để tăng khả năng truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm giải trình về ô nhiễm nhựa.

Trong khi đó, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO) và Đại học Toronto (Canada) gần đây công bố một nghiên cứu cho thấy hiện có tới khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa gây ô nhiễm đang nằm sâu dưới đáy đại dương.

Nhóm các nhà nghiên cứu từ CSIRO và Đại học Toronto đã sử dụng hai mô hình dự đoán để ước tính số lượng và sự phân bố của rác thải nhựa dưới đáy biển. Nhà khoa học cấp cao Denise Hardesty tại CSIRO, người đã đóng góp cho nghiên cứu này, cho biết đây là ước tính đầu tiên trên thế giới về lượng rác thải nhựa dưới đáy đại dương và nơi nó tích tụ.

Theo bà Hardesty, mỗi năm lại có hàng triệu tấn rác thải nhựa được thải ra biển nhưng khó có thể đưa ra con số chính xác về số lượng rác thải nằm sâu dưới đáy đại dương. Vì vậy, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đáy đại dương đã trở thành nơi chứa hầu hết rác thải nhựa với số lượng ước tính từ 3 triệu tấn đến 11 triệu tấn.

Ước tính trên được đưa ra dựa trên dữ liệu từ các robot điều khiển từ xa (ROVs) và sử dụng những tấm lưới nặng được kéo dọc theo đáy đại dương. Theo dữ liệu từ ROV, khối lượng rác thải nhựa dưới đáy biển tập trung xung quanh các lục địa, với 46% trong tổng số lượng rác này nằm ở độ sâu hơn 200 m và 54% còn lại nằm ở độ sâu từ 200 m đến 11.000 m.

Theo UNEP, hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất hàng năm, một nửa trong số đó là nhựa dùng một lần, và chỉ gần 10% đồ nhựa dùng một lần được tái chế. Theo ước tính, khoảng 19-23 triệu tấn rác thải nhựa đang đọng lại ở sông, hồ và biển.

Trước đó, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tháng 12/2023 đã ủng hộ thực hiện luật mới về giảm thiểu rác thải bao bì, đồng thời nhất trí xây dựng những quy định riêng có liên quan cho những sản phẩm đặc thù.

Luật về rác thải bao bì được Ủy ban châu Âu (EC) công bố hồi năm 2022 trong nỗ lực kiềm chế lượng rác thải bao bì đã gia tăng tới 20% trong một thập kỷ qua tại EU. Đây là hệ lụy từ hoạt động mua sắm trực tuyến và thói quen mua hàng "gói và mang đi".

Các quốc gia EU đều nhất trí ủng hộ một số mục tiêu chính trong luật mới, trong đó có quy định toàn bộ bao bì đóng gói sản phẩm đều phải được thiết kế để có thể tái chế vào năm 2030. Bên cạnh đó, các quốc gia EU ủng hộ đề xuất loại bỏ những loại túi nilon, nhựa sử dụng một lần như túi mỏng đựng trái cây và rau quả, chai lọ mini đựng dầu gội đầu, các loại đĩa, cốc và hộp dùng một lần sử dụng phục vụ đồ ăn uống tại nhà hàng phục vụ thức ăn nhanh.

Các quốc gia EU cũng cho rằng nên được trao quyền quyết định đối với một số trường hợp ngoại lệ trong những ngành đặc thù như rau quả hữu cơ. Trong khi đó, Nghị viện châu Âu ủng hộ một số miễn trừ đối với các mục tiêu như tái sử dụng bao bì ngành rượu vang... Mặc dù vậy, một số quốc gia EU, trong đó có Phần Lan, bày tỏ phản đối do lo ngại quy định này sẽ gây thiệt hại cho ngành sản xuất giấy và công nghiệp bột giấy.

Ủy viên phụ trách môi trường EU Virginijus Sinkevicius nhấn mạnh tính cấp thiết phải giải quyết vấn đề rác thải bao bì. Quan chức này gọi việc rác thải bao bì tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là điều "không thể chấp nhận". Trung bình mỗi người dân châu Âu thải ra gần 180kg rác thải bao bì/năm.

Bao bì là một trong những ngành chính ngốn nhiều nguyên liệu thô nhất của EU khi có khoảng 40% tổng lượng nhựa và 50% tổng lượng giấy sử dụng trên toàn EU là dành để sản xuất bao bì. Theo đó, nếu không hành động, ước tính tới năm 2030, EU sẽ chứng kiến mức tăng hơn 19% rác thải bao bì, và riêng rác thải nhựa thậm chí còn tăng 46%. EU đặt mục tiêu tới năm 2040 sẽ giảm lượng rác thải nhựa khoảng 15% so với mức của năm 2018.

Minh Hằng/TTXVN (Theo AP)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›