Cơn 'ác mộng' kinh tế Anh những năm 1970 có thể quay trở lại

Thứ Sáu, 17/12/2021 22:07 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Các cuộc thảo luận về lạm phát diễn ra từ vài tháng nay. Hiện kết hợp “độc hại” giữa kinh tế tăng trưởng đình trệ và lạm phát cao dường như ảnh hưởng đến Vương quốc Anh.

Kinh tế Anh có thể mất 134 tỷ bảng mỗi năm do COVID-19 và Brexit  

Kinh tế Anh có thể mất 134 tỷ bảng mỗi năm do COVID-19 và Brexit  

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 kết hợp với việc không đạt được một thỏa thuận thương mại sau khi rời Liên minh châu Âu (EU) có thể khiến Anh thiệt hại khoảng 134 tỷ bảng Anh (174 tỷ USD) giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm trong 10 năm tới. Đây là kết quả nghiên cứu do công ty luật Baker & McKenzie thực hiện và công bố ngày 5/10. 

Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), lạm phát giá tiêu dùng ở “xứ sương mù” trong tháng 11/2021 tăng lên mức 5,1%, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua. Giá cả tăng vượt mức tăng lương và là một thách thức đối với nền kinh tế đình trệ và làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Omicron.

Chỉ số CPI của tháng 11/2021 cao hơn nhiều so với mức dự đoán 4,7% của giới chuyên gia kinh tế, và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2011.

Giá xăng dầu tăng cao kỷ lục là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng mạnh. Giá quần áo, thực phẩm, ô tô qua sử dụng, rượu cũng như sách và đồ chơi cũng tăng mạnh.

Áp lực chi phí không có dấu hiệu giảm bớt, giá hàng hóa rời nhà máy ở Anh tăng 9,1% trong tháng 11/2021, mức lạm phát cao nhất của nhà sản xuất trong hơn 13 năm. Và tình trạng thiếu hụt lao động càng trở nên tồi tệ hơn vào tháng trước, khi lượng lao động cần tuyển dụng đạt cao kỷ lục với gần 1,2 triệu người.

Chú thích ảnh
Người dân uống cà phê tại một cửa hàng ở London, Anh. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Samuel Tombs, trưởng bộ phận chuyên gia kinh tế của tổ chức tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics có trụ sở ở Anh, cho rằng lạm phát nên duy trì ở gần tỷ lệ của tháng 11/2021 trong vòng bốn tháng tới trước khi tăng lên mức 6% trong tháng Tư và giảm mạnh sau đó.

Theo chuyên gia Tombs, tỷ lệ lạm phát tăng vọt khiến Ngân hàng trung ương Anh (BoE) lo ngại và ngân hàng sẽ phản ứng bằng cách tăng lãi suất từ mức thấp kỷ lục 0,1%.

Ngày 16/12, BoE đã trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới tăng lãi suất kể từ khi đại dịch COVID-19 làm kinh tế toàn cầu điêu đứng vào năm ngoái. Quyết định tăng lãi suất được đưa ra giữa bối cảnh BoE dự báo lạm phát sẽ vọt lên 6% vào tháng Tư, gấp ba lần mục tiêu BoE đề ra.

Với tỷ lệ phiếu 8-1, Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BoE (MPC) gồm chín thành viên đã nhất trí tăng lãi suất từ 0,1% lên 0,25%. Bên cạnh đó, với tỷ lệ phiếu 9-0, các thành viên của MPC đều đồng thuận giữ nguyên quy mô chương trình mua trái phiếu chính phủ ở mức 875 tỷ bảng Anh (1.160 tỷ USD). Bên cạnh đó, BoE cũng mua lượng trái phiếu doanh nghiệp trị giá 20 tỷ bảng Anh.

Lãi suất tăng cao có thể làm tăng chi phí đi vay của doanh nghiệp và hộ gia đình cũng như khuyến khích người dân tiết kiệm nhiều hơn, qua đó giúp kiềm chế giảm lạm phát. Tuy nhiên, lãi suất tăng cũng làm giảm tốc độ phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế “xứ sở Sương mù”.

Đồng thời, lãi suất tăng cao là tin tức xấu đối với người lao động Anh, vốn có lương tăng cao trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi sau dịch COVID-19 đầu tiên, khi họ sẽ phải đối mặt với cú sốc giá cả nhiều mặt hàng tăng cao. Ngoài ra, nhiều người lao động sẽ còn chịu ảnh hưởng bởi việc tăng thuế vào đầu năm 2022.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối tháng trước đã buộc Chính phủ Anh tái áp đặt các biện pháp hạn chế và làm dấy lên lo ngại về những bất ổn kinh tế. Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 12/12 cảnh báo nguy cơ “sóng thần” về lây nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron đồng thời thông báo đẩy sớm chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường cho người trưởng thành tại nước này vào cuối tháng 12/2021.

Vương quốc Anh cần “một động lực để tăng trưởng” khi tăng thuế đe dọa đầu tư. Chuyên gia cố vấn kinh tế Brian Reading cho cựu Thủ tướng Anh Edward Heath những năm 1970, trong tháng 10/2021 cảnh báo nước này phải đối mặt với một thời khắc “nguy hiểm” khi khan hiếm nhân viên lành nghề, công nhân khu vực công và những người nghỉ hưu yêu cầu tăng trả lương và trợ cấp để bù đắp thu nhập bị mất. Giai đoạn 1970, nước Anh trải qua một thời gian kéo dài của lạm phát đình trệ..

Hà Chung/TTXVN (Theo CNN)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›