(Thethaovanhoa.vn) - Cụm từ “antifan” bỗng trở nên vô cùng quen thuộc với độc giả trong những ngày này - khi mà sau câu chuyện của Hoa hậu Hương Giang, đến lượt Thủy Tiên cũng trở thành nạn nhân liên quan đến khái niệm ấy.
Như chia sẻ của nữ ca sĩ, trong những ngày qua, sau khi nhóm antifan Thủy Tiên được thành lập, một số các trang fanpage thuộc số nhãn hàng mà cô làm đại diện liên tục bị quấy phá. Nhiều đơn vị trong số này lo ngại, chọn dừng hợp tác với cô. Đồng thời, số điện thoại của Thủy Tiên cũng bị chia sẻ trên mạng và nhận được cả ngàn cuộc gọi, tin nhắn rác mỗi ngày.
Nguyên nhân của làn sóng “anti” ấy được cho là từ một số phát ngôn và hành động chưa hợp lý của Thủy Tiên trong những chuyến làm từ thiện tại miền Trung vừa qua. Cộng thêm vào đó, cũng có chút gì giống như câu chuyện của Hương Giang, cơn giận dữ của các antifan được đẩy lên cao, khi người thân của Thủy Tiên bày tỏ thái độ phản ứng cứng rắn trước vấn đề này.
Để rồi, cuối cùng, cũng đến lúc Thủy Tiên phải có những lời xoa dịu cộng đồng “antifan” vừa xuất hiện ấy, kèm theo những lời nhận lỗi gián tiếp về sự “chưa hoàn hảo” của mình. Có nghĩa, một lần nữa, chúng ta lại thấy ở đây câu chuyện về sự mềm dẻo và nhũn nhặn - dù có thể là bất đắc dĩ - của người nổi tiếng, trước làn sóng “anti” đang có.
Thẳng thắn, hơn chục năm trước, chắc chắn rất nhiều người Việt vẫn còn xa lạ với khái niệm “antifan”- mà chúng ta vẫn tạm hiểu là những người tẩy chay, ghét bỏ ai đó. Để rồi, cùng với sự phát triển của công nghiệp giải trí, những antifan cũng dần được “ươm mầm” tại Việt Nam, như một hệ lụy tất yếu - giống như những gì từng có ở các quốc gia phát triển.
Còn bây giờ, những gì đang diễn ra không chỉ còn là câu chuyện gói gọn trong giới showbiz, như có lúc ta lầm tưởng. Nó đã thật sự cho thấy sự phát triển của một hiện tượng đặc biệt, khi nhờ sự phát triển của không gian mạng, một cộng đồng có thể cùng kết nối và tìm đến nhau ở một điểm chung: “anti” một cá nhân nổi bật trong xã hội.
Và từ những gì vừa xảy ra với Thủy Tiên, Hương Giang cũng như một số gương mặt khác, người ta đã hiểu thêm rằng “quyền lực” của antifan có thể tạo nên những làn sóng tiêu cực với quy mô rất lớn, trong bối cảnh công nghệ đang được áp dụng ngày một nhiều vào nhịp sống hiện tại.
Bởi trong quá khứ, nếu các antifan chỉ có thể thể hiện cái sự “ghét” của mình bằng việc kêu gọi không mua băng, đĩa CD hoặc các sản phẩm có in hình của một người nổi tiếng nào đó thì bây giờ, họ đã có quá nhiều cách để trực tiếp gây ảnh hưởng tới người bị “anti”. Câu chuyện về những nhãn hàng (và sự kiện) bị tấn công trên mạng vì liên quan tới Thủy Tiên, Hương Giang là ví dụ.
Có thể, mặt tích cực ít nhiều của câu chuyện về các antifan đã được nói đến - khi áp lực từ cộng đồng này có thể phần nào giúp người nổi tiếng tự hoàn thiện mình, đặc biệt là về sự điềm tĩnh, cách phát ngôn và những ứng xử khi gặp sự cố. Nhưng ở phía ngược lại, rõ ràng sự xuất hiện ngày một nhiều của các antifan cũng luôn tiềm ẩn những gam màu tối về sự quá khích, miệt thị hay xúc phạm cá nhân.
Ít nhất, trong thời điểm trước mắt, sẽ là không khả thi nếu người ta nói đến chuyện dẹp bỏ các cộng đồng antifan - khi mà mạng xã hội là nơi tạo điều kiện cho một số cá nhân ẩn danh có thể bộc lộ sự yêu ghét của mình, kể cả việc tẩy chay ai đó. Chấp nhận nó để hoàn thiện mình, trong đó có việc đưa ra những ứng xử cần thiết để biến mọi sự cố thành “cơn bão trong một chén trà” - là lựa chọn mà người nổi tiếng có thể xác định cho mình...
Trí Uẩn
Tags