(Thethaovanhoa.vn) - Thực trạng điểm đầu vào ngành sư phạm quá thấp, đấy chỉ là nghịch huống tiếp diễn của ngành giáo dục được coi là lỗi hệ thống, chậm phát triển toàn diện, bao năm tháng qua.
Nhưng, chưa mùa tuyển sinh nào điểm đầu vào ngành sư phạm lại thấp đến mức đau lòng như năm nay. Nó không chỉ đơn thuần gióng lên hồi chuông báo động như thường lệ, mà như một cú giáng chí tử vào niềm tin của toàn xã hội, với tiền đồ nghề giáo, với khát vọng chấn hưng nền giáo dục nước nhà trong tương lai.
Đơn giản thôi: với điểm đầu vào như thế, phải tuyển nhóm đã “chạy cùng sào” rồi, khó có thể đào tạo nên một đội ngũ thầy cô giỏi được. Hệ quả, sản phẩm của nền giáo dục làm sao đáp ứng về chất lượng, trước hết là chất lượng cho thị trường nội địa?!
Ai cũng thuộc lòng khẩu hiệu: giáo dục là quốc sách. Với các gia đình, giáo dục còn là “gia sách”. Từ cổ chí kim, tất cả các ông bố bà mẹ đều sẵn sàng hy sinh nhiều thứ, để con cái được học hành tử tế, để giúp chấn hưng gia đình, dòng dõi.
Khi sự đầu tư vật chất, niềm tin vào những đứa con của mình mà nền giáo dục cứ đì đẹt chạy theo sự phát triển của xã hội, Bộ GD&ĐT chưa có giải pháp toàn diện để cải thiện chất lượng giáo viên, chương trình dạy và học, nên chắc chắn họ không chấp nhận, hoặc sẽ tìm cách để “bảo vệ” con mình, dù có thể dùng phương thức có thể ngược đời.
Chúng ta còn nhớ mới đây, phụ huynh hai anh em Đặng Thái Anh (sinh 2003) và Đặng Nhật Anh (sinh 1998) ở Q.Tân Bình, TP.HCM đã kiên quyết không cho con mình đến trường, mà tự học ở nhà. Cuối năm 2016, Thái Anh thi IELTS đạt 8.5 (điểm tối đa là 9.0) khi chưa tròn 13 tuổi. Nhật Anh IELTS đạt 8.0 năm 2015. Đấy là vài trong một số trường hợp đơn lẻ, nhưng có lẽ chưa phải là cuối cùng.
Tất nhiên, trước cơn sóng phản ứng về hiện tượng điểm đầu vào của ngành sư phạm quá thấp, “tư lệnh ngành” giáo dục cũng đã có thông điệp trấn an dư luận. Cụ thể, sáng 11/8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017 -2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu: “Chúng ta không thể tồn tại tư duy duy ý chí mãi được. Hiện nay, chúng ta đang nhìn thấy hạn chế của chính sách đầu tư, tuyển dụng, chế độ đãi ngộ của ngành sư phạm nhưng chúng ta phải hiểu rằng, khắc phục cần có thời gian”.
Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ GD&ĐT đã có giải pháp nhưng vấn đề là cần có thời gian để giải quyết. “Trong tuần tới, Bộ sẽ bàn sâu về vấn đề này và tìm giải pháp. Là người trong cuộc, chúng ta phải bình tĩnh và xây dựng tích cực”.
***
Mấy chục năm qua, xã hội và người dân đã vô cùng kiên nhẫn, bình tĩnh với ngành giáo dục. Bản thân đội ngũ giáo viên trên mọi miền đất nước cũng đã quá chịu thương chịu khó với nghề. Vậy mà, tình hình chung vẫn không cải thiện đáng kể. Họ rất muốn biết cần bao nhiêu thời gian để Bộ GD&ĐT “khắc phục” các điểm yếu, trong đó có vấn nạn điểm đầu vào ngành sư phạm quá thấp, thay vì cứ trả lời chung chung.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2007, nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã gợi mở nhiều ý tưởng, đặc biệt về vấn đề giáo dục. Lần đó, ông khẳng định với Chủ tịch nước Nguyên Minh Triết rằng: “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”. Hẳn, nhiều người Việt còn nhớ, còn thấm nhuần chia sẻ đó.
Phải khẳng định, chúng ta không thiếu người tài được ví như “Voltaire của Việt Nam”, “Fukuzawa Yukichi của Việt Nam”, để giúp chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Vấn đề, ngành giáo dục đã tạo môi trường tốt, chế độ đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia, đặc biệt các giáo viên, để họ toàn tâm, toàn ý với nghề. Bao giờ thi đầu vào ngành sư phạm không còn bị ví von với các hình ảnh “con chuột”, “cây sào”, còn nghề giáo là “người đưa đò”? Một câu hỏi quá khó.
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa
Tags