Triển lãm Nhà văn Hữu Ước & Sắc màu diễn ra từ 12 - 19/8 tại 42 Yết Kiêu, Hà Nội, trưng bày 69 tác phẩm hội họa, chất liệu sơn dầu và acrylic trên toan và một tác phẩm điêu khắc, để kỷ niệm sinh nhật tuổi 70 của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước.
Là con đường của một người lính, của một nhà văn “trò chuyện” với sắc màu. Đó cũng chính là cuộc chuyện trò với mình.
Con đường ấy được tạo bởi ba câu chuyện: Thế sự, hoa và phong cảnh. Là một người lính nên ký ức, hồi ức, hoài niệm về chiến tranh luôn sống lại trong khá nhiều tác phẩm của ông, nhất là con đường Trường Sơn huyền thoại nơi mà ông đã sống, chiến đấu nhiều năm với một loạt bức sơn dầu trên vải, khổ lớn. Có thể kể ra những bức tiêu biểu: Chiều Trường Sơn, Vận chuyển hàng vào Nam, Đường Trường Sơn thời chiến, Lính trinh sát…
Chiến tranh qua đi, đất nước thống nhất, ông về với hòa bình, trở thành nhà báo, nhà văn khoác áo lính. Có điều kiện được đi nhiều, gặp gỡ, tiếp xúc nhiều. Tất nhiên hòa bình rồi, vui và hạnh phúc đấy, nhưng sống trong hòa bình không chỉ những năm hậu chiến mà ngay cả sau này cũng luôn có cái khó khăn của nó. Dòng tranh thế sự ra đời như thế, đó là nỗi niềm, là trăn trở, băn khoăn, là những câu hỏi sống sao đây để xứng đáng với mình - một người lính, với những người đồng đội đã ngã xuống trong chiến tranh, để chúng ta có hòa bình, có hôm nay. Điều đó được thể hiện trong các tác phẩm: Xuất ngũ, Mẹ con, Thân cò…
Có những câu hỏi không nhất thiết phải trả lời. Có những bức tranh như một câu hỏi, người xem sẽ tự trả lời, mỗi người “đọc” câu hỏi ấy một khác và cũng sẽ có những câu trả lời khác nhau, không ai giống ai. Nghệ thuật là một con đường mở, đa chiều, đa diện.
Chiến tranh, hòa bình đều là những con đường. Hạnh phúc ở ngay đường đi chứ đâu chỉ có ở đích đến. Ngoài chuyện chiến tranh, chuyện đời sống thì bên cạnh là một câu chuyện khác rất quan trọng: Thiên nhiên, phong cảnh. Nó như một đối trọng làm cho bố cục của triển lãm Hữu Ước & Sắc màu cân đối, hài hòa.
Đó là một gam màu ấm, sáng, vui tươi. Mẹ thiên nhiên luôn là một đề tài lớn trong nghệ thuật là vậy. Ông vẽ nhiều về những dòng sông: Sông Đà, sông Luộc, bến sông, sông quê… Cũng có nhiều bức về bản làng, bản của người Thái ở Điện Biên, bản của người Mông ở Lào Cai. Việt Nam là đất nước của những dòng sông, của những cửa sông. Việt Nam là một dân tộc có nhiều những tộc người thiểu số… Cho nên đó là những “sắc màu” không thể thiếu trong tác phẩm của ông. Ông vẽ nhiều những loài hoa, hoa chuối, hoa ban, vũ điệu hoa… Bốn mùa đổi thay, mùa nào hoa ấy, tổ khúc bốn mùa hoa. Bằng một bút pháp tự do, khỏe khoắn, “thô nhám”, không gò theo hình mà chỉ gợi hình với những nhát bay, nhát bút no mầu, cộm sơn, lia mạnh, nhanh trên mặt toan.
- Nhà văn Hữu Ước với công viên của nhạc và thơ
- Nhà văn Hữu Ước & 'Kiếp người' rung lắc những thân phận trắng đen
Điểm nhấn của triển lãm chính là bức tượng Người lính, chân dung người lính mà cũng có thể là “tự họa”, tự khắc mình. Tạo hình khúc triết, khỏe khoắn, thiên về những hình khối kỷ hà vuông vức, tay giơ thẳng, mắt nhìn thẳng, phần thân gợi về hình của trống đồng Đông Sơn, cánh tay như một thân cây tre… Sức mạnh của người lính có là do cái bệ đỡ vững chãi của hồn dân tộc, hồn tre, của bề dầy văn hóa mấy ngàn năm tích tụ từ văn hóa Đông Sơn.
Con đường sắc màu không phải là con đường đi đến đâu mà là con đường trở về, trở về với mình của nhà văn Hữu Ước. Chúc triển lãm thành công và mong muốn được chia sẻ triển lãm Nhà văn Hữu Ước & Sắc màu với các bạn.
Họa sĩ Lê Thiết Cương
Tags