Cơn khát gỗ Trung Quốc đè nặng lên các cánh rừng Myanmar

Thứ Sáu, 24/07/2015 13:48 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Vụ Myanmar phạt tù hàng loạt những kẻ phá rừng bất hợp pháp tới từ Trung Quốc, cho thấy nhu cầu sử dụng gỗ khổng lồ từ quốc gia láng giềng đã gây áp lực lên các cánh rừng ở quốc gia này ra sao.

Tuần này, một tòa án ở Myitkyina, thủ phủ bang Kachin, đã tuyên phạt tù chung thân với 153 người Trung Quốc, sau khi họ bị phát hiện có hành vi phá rừng trái phép. Phía Trung Quốc dĩ nhiên đã phản đối việc này. Nhưng phát ngôn viên Tổng thống Myanmar, ông Ye Htut, tuyên bố hành động của chính quyền phù hợp với luật pháp và những kẻ phá rừng có quyền kháng án.

Giới quan sát đánh giá, một trong những lý do dẫn tới diễn biến mới là mối quan ngại của Myanmar về việc nguồn tài nguyên khoáng sản của nước này đang chịu áp lực khai thác lớn.

Cảnh sát Myanmar dẫn giải những kẻ chặt rừng trái phép người Trung Quốc

Nhu cầu sử dụng các món đồ gỗ cao cấp, đắt tiền nhái theo đồ gia đụng đời Minh và Thanh ở Trung Quốc đã làm tăng hoạt động khai thác gỗ hồng mộc và gỗ tếch ở Myanmar, theo nhận xét của một số nhóm giám sát môi trường.

Năm ngoái, hoạt động nhập khẩu gỗ chưa qua chế biến của Trung Quốc đã tăng 26% giá trị so với cùng kỳ năm trước, lên 11,8 tỷ USD.

Theo Tân Hoa Xã, các bản án mà tòa án Myanmar dành cho những kẻ phá rừng trái phép là khá nặng nề. Trong bài viết về sự kiện, tờ Thời báo Hoàn cầu nói rằng những kẻ phá rừng Trung Quốc thường được Myanmar cho về nhà.

Thực tế thì thời gian gần đây, Myanmar đã triển khai nhiều biện pháp cứng rắn để bảo vệ rừng và ngăn hoạt động khai thác trái phép. Tháng 4 vừa qua, nước này cấm xuất khẩu mọi loại gỗ chưa chế biến ra nước ngoài.

Tuy nhiên, trong cuộc ghé thăm một thị trấn biên giới gần Vân Nam hồi đầu năm nay, Julian Newman thuộc Cơ quan điều tra môi trường của Anh vẫn thấy gỗ chưa chế biến được chuyển tới một số xưởng gỗ địa phương để rao bán.

Trong vòng 14 tháng, tính từ tháng 5 đổ về trước, Trung Quốc đã nhập khẩu số gỗ chưa chế biến trị giá 414 triệu USD từ Myanmar, theo số liệu từ tổ chức Global Trade Atlas cung cấp

Alison Hoare, một nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Chatham House, Trung Quốc đã thực hiện một số bước đi nhỏ trong mấy năm gần đây để giải quyết vấn đề, bao gồm việc tạo ra một hệ thống theo dõi gỗ trên quy mô toàn quốc, để xác định rõ hơn nguồn gốc của các loại gỗ.

Tuy nhiên theo Hoare, hệ thống này vẫn có quy mô hạn chế. Bà nói rằng điều hiệu quả nhất mà Trung Quốc có thể làm là thông qua luật cấm việc nhập gỗ trái phép -  giống như Mỹ, châu Âu và Australia đã thực hiện.

V.L
Theo WSJ

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›