Nhìn lại tiến trình văn học Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ 20 đến nay, nhận thấy các cây bút nữ ngày càng mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng.
Chủ đề tác phẩm của họ khá đa dạng và phong phú, song nổi bật hai nội dung lớn: Tình yêu đôi lứa và tình cảm gia đình. Nếu như tình yêu lứa đôi, tình cảm vợ chồng là thứ có khi gặp phải nhiều dang dở, đổ vỡ thì tình mẹ con là tình cảm bất biến, thủy chung, trước sau như một.
1. Tình yêu thương vô bờ của người mẹ dành cho con được bắt đầu từ khi mầm sống bé nhỏ hình thành và lớn dần lên qua chín tháng mười ngày. Sự gắn kết thiêng liêng của tình mẫu tử bắt đầu từ đó, để rồi khi cất tiếng khóc chào đời là giây phút đầu tiên đứa trẻ được nhận dòng sữa ngọt ngào từ bầu vú mẹ mà tiếp tục lớn lên.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã nói giùm biết bao người mẹ trên đời về khoảnh khắc thiêng liêng ấy: “Đôi làn môi con/ Nghiêng về vú mẹ/ Như cây lúa nhỏ/ Nghiêng về phù sa/ Như hương hoa thơm/ Nghiêng về ngọn gió/... Như búp hoa huệ/ Ngậm tia nắng trời” (Trắng trong, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã phổ thành bài hát Khúc hát ru của người mẹ trẻ).
Hầu hết mọi người mẹ trên thế gian đều dành cho con quan tâm chi tiết, tỉ mỉ từ bữa ăn giấc ngủ. Đó là những điều mà người cha dù thương con đến mấy cũng khó lòng sát sao được như người mẹ. Chỉ là chuyến công tác vài ngày thôi, Xuân Quỳnh đã viết những câu thơ đầy thổn thức: “Đêm tháng năm hoa phượng nở bên hè/ Trang giấy trắng bộn bề bao ký ức/ Ngọn đèn khuya một mình anh thức/ Nghe tin đài báo nóng lại thương con” (Chỉ có sóng và em). Bởi vậy, ta sẽ không ngạc nhiên khi Xuân Quỳnh còn có hàng chục bài thơ khác dành cho con, trong đó có các bài thơ nổi tiếng được bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam yêu thích như Con yêu mẹ, Tuổi ngựa…
Qua những bài thơ vừa trong trẻo tươi sáng mà cảm động ấy, tình mẹ con không thể tách rời, dù ở bất cứ không gian hay thời gian nào: “Tuổi con là tuổi ngựa/ Nhưng mẹ ơi đừng buồn/ Dẫu cách núi cách rừng/ Dẫu cách sông cách bể/ Con tìm về với mẹ/ Ngựa con vẫn nhớ đường” (Tuổi ngựa); “Tính mẹ cứ là hay nhớ/ Lúc nào cũng muốn bên con/ Nếu có cái gì gần hơn/ Con yêu mẹ bằng cái đó/ - À mẹ ơi có con dế/ Luôn trong bao diêm con đây/ Mở ra là con thấy ngay/ Con yêu mẹ bằng con dế” (Con yêu mẹ).
2. Niềm vui của người mẹ là nhìn con khôn lớn mỗi ngày. Từ khi con chưa chào đời, mẹ ngày đêm mong ngóng và thủ thỉ: “Con thân yêu rồi con sẽ chào đời/ Một buổi sớm mùa Hè rực rỡ/ Hoa sẽ vì đôi môi thiên thần con mà nở/ Trời sẽ vì đôi mắt con mà biếc xanh” (Viết ngày con chưa chào đời, Bình Nguyên Trang). Khi con ra đời, hàng ngày hai mẹ con bên nhau, thì đứa con chính là nguồn sức mạnh diệu kỳ tiếp thêm cho người mẹ. Con với mẹ vừa là quá khứ, là hiện tại và tương lai.
Sự tái sinh của mẹ nằm trong thân thể và tâm hồn con mình: “Ngắm nhìn con/ Cứ ngắm nhìn con mãi/ Mẹ ngỡ mình trôi về mùa ấu thơ tóc rối/ Huyền nhung đôi mắt tròn/… Ngắm nhìn con/ Trái tim mẹ từng giông bão từng đau/ Bỗng chầm chậm bình yên trở lại/ Từng nhịp thiết tha/ Trên gương mặt con rạng rỡ hiền hòa” (Ngắm nhìn con, Bình Nguyên Trang).
Nhưng người mẹ cũng hiểu: mẹ không thể ôm con để che chở, bảo vệ mãi mãi bởi khi lớn khôn, con sẽ rời khỏi vòng tay mẹ để bước vào cuộc đời rộng lớn. Trái tim người mẹ không khỏi âu lo: “Mẹ bất an về một ngày sau/ Khi con một mình trên đường xa hút gió/ Con khai phá cuộc đời/ Những hiểm nguy không lường trước… Và mẹ sợ/ Ngày bàn tay mẹ không thể nào ôm con/ Những ưu tư của con cũng xa thời của mẹ/ Cô đơn phận người ngăn chúng ta một tầm tay với/ Khi đó, mẹ có thể làm gì” (Viết ngày con chưa chào đời, Bình Nguyên Trang).
Bởi vậy, thiên chức quan trọng mà người mẹ phải làm cho con mình từ sớm: sự giáo dục. Mẹ bồi đắp cho con về thể chất, tinh thần, trao cho con kiến thức, trải nghiệm, làm cho con có những hiểu biết nhiều mặt về đời sống. Những thứ mà không sách vở nào dạy hết được, thì mẹ sẽ dạy con bằng chính cuộc đời của mẹ: “Nơi con hòa bình nơi khác chiến tranh/ Phía trước văn minh đằng sau tăm tối/ Người sang kẻ hèn người no kẻ đói/ Trên thế giới này hạnh phúc chẳng chia đều/ Lớn lên rồi con sẽ hiểu tình yêu/ Không tìm được dễ dàng như phép tìm thương số/ Dẫu vậy/ Mẹ vẫn muốn con tin vào sách vở/ Bởi phép chia không có lỗi đâu con” (Phép chia không có lỗi, Phi Tuyết Ba).
Còn nhà thơ Giáng Vân thì muốn truyền cho con lòng bao dung của một thiên tính nữ: “Con gái yêu ơi thế giới rộng dài/ Lòng mẹ dù có mênh mông, làm sao theo hết chân con bước/ Con hãy học yêu cả cuộc đời/ Yêu cả những tình yêu không có mẹ/ Con có thấy những cái cây con đang tỏa những cái rễ non trong đất/ Chúng đang tự tìm kiếm thức ăn để tự nuôi lớn mình/ Trong cuộc kiếm tìm đó chúng học hòa thuận với tất cả/ Trong tình yêu đôi khi cũng nặng nhọc xiết bao” (Thơ viết cho con).
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn thì ân cần dặn con về lòng nhân hậu: “Với người qua đường, con ơi, chút ít/ Con hãy sẻ chia lòng thảo thơm/ Mai đây khi mẹ không còn/ Con chỉ gặp những tấm lòng thơm thảo” (Dặn con).
Lòng yêu thương, trắc ẩn, biết cúi xuống, biết lắng nghe bao số phận khó khăn, bao nỗi đau của đồng loại, là tư tưởng xuyên suốt, lớn lao nhất mà người mẹ nào đều mong con mình có. Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh đã viết bài thơ gửi tới 30 em bé Nhật Bản ở thành phố Ishinomaki, 12 ngày sau động đất và sóng thần vẫn chờ bố mẹ đến đón: “Ở nơi này tất cả đều lặng lẽ/ Bàn tay ra dấu khẽ khàng/ Bước chân thì thầm/ Đến những trang sách cũng tự sang rất nhẹ/ Ai cũng sợ làm đau sự chờ đợi của các con/ Làm đau ba mươi ánh mắt/ Mười ngày qua chỉ chăm chăm một hướng cổng trường” (Tặng các con ở Ishinomaki).
Những câu thơ cuối bài bật lên nức nở xót xa khi chị không thể làm được gì nhiều hơn để sẻ chia cùng lũ trẻ: “Có thể ngày mai các con sẽ nén nỗi đau trong tim mà lớn lên như dân tộc kiên cường của mình/ Cứ im lặng mà dựng lên sừng sững một tượng đài Nhật Bản/ Nhưng lúc này mẹ thấy mình yếu hèn và bất lực/ Nước mắt chẳng giúp gì các con trong khoảnh khắc khủng khiếp này/ Và vì thế/ Mẹ biết tim mình suốt đời sẽ còn dư chấn” (Tặng các con ở Ishinomaki).
Trẻ em bất hạnh nào trên thế giới cũng như nhau khi không còn cha mẹ. Người mẹ nào ở trên đời cũng giống nhau khi xúc động trước nỗi đau của trẻ thơ. Bài thơ của Nguyễn Thúy Quỳnh, vì thế theo tôi đã mang một giá trị thật đặc biệt của tình yêu thương con người, xóa tan mọi ranh giới về địa lý, sắc tộc, màu da… Những câu thơ làm cảm động ai từng đọc, dù chỉ một lần.
3. Một nhà thơ thế hệ 8X đã viết nhiều bài thơ cho con thật đặc biệt, khi chưa đầy 20 tuổi (và thực tế đến tuổi 35 mới làm mẹ) - đó là Vi Thùy Linh - hiện tượng thi ca Việt Nam những năm 2000 - 2002. Cho đến nay, chị vẫn là một tên tuổi xứng đáng nhắc đến đầu tiên trong cùng thế hệ, với độ bền qua 27 năm sáng tác. Nhiều bài thơ của Vi Thùy Linh bộc lộ khát khao cháy bỏng được làm mẹ hòa quyện trong ước vọng ngày mai. Ở đó, ta bắt gặp tình yêu của lứa đôi và tình mẫu tử cùng ngân vang: “Cúi nhìn tình yêu cựa mình thanh mảnh/ Chỉ thấy khói mưa là hơi thở anh/ Bầy con má phính cắn giấc mơ em/ Tấm lưng khóc rung mọi đường kinh tuyến” (Soi mưa).
Vi Thùy Linh đã có nhiều cuộc trò chuyện trong tâm tưởng với đứa con trong tương lai của mình: “Con trai ơi! Con cho mẹ một sinh lực phi thường/ Để biết im lặng và nhẫn nại/… Con trai yêu thương của cha mẹ ơi!/ Hãy dỗ mẹ: “Đừng khóc!”/ Vì mặt trời thiêu đốt ngã rồi/ Tất cả các loài chim đều được sống để dậy thì tiếng hót hợp xướng cùng con bi bô/ Mỗi cánh sao măng tơ vươn vai vào ngày mai ngọt lịm” (Đồng tử). Người mẹ ấy đã nghĩ trước, để dành tên đầy yêu thương dành cho con trai của mình: bé Xù.
- Văn học Việt Nam năm 2021 nhìn lại: Từ 'đại tự sự' Covid-19 đến văn học thiếu nhi
- Tìm kiếm con đường mới cho sự phát triển của văn học Việt Nam
- Văn học Việt Nam: Làm gì để… bước ra thế giới?
Các hình ảnh thơ lộng lẫy, tràn ngập, dào dạt ùa về trong một khát khao hạnh phúc, ước mơ làm mẹ cho tương lai của con: “Biển rộng ra, núi rừng xanh nguyên sinh, da trời liền lại/ Hoa muôn loài ùa về Việt Nam nở theo mái tóc của những bé Xù/ Đêm tháng 5 mẹ nằm chờ sáng/ Bầu nước mắt hàm tiếu trong tim mẹ/ Chực vỡ òa theo bầu sinh sôi/ Ngôi nhà đầm đìa trăng ngân mãi đại hồ cầm” (Đồng tử).
Người mẹ tưởng tượng cảnh cả nhà bên nhau đầm ấm, cùng đi chơi Tết Trung Thu: “Đường đầy sao sáng/ Cây ríu rít hát/ Bố ôm chặt mẹ/ Mẹ ôm chặt Xù/ Chơi rằm Trung Thu/… Mẹ là của bố/ Bố lại yêu Xù/ Xù đưa bố mẹ/ Trở về ấu thơ” (Đồng dao trông trăng, trích từ tập thơ song ngữ Việt - Pháp Đồng tử, 2005).
Thiên tính làm mẹ của nữ giới là điều vĩ đại của đời sống nhân loại. Sự vĩ đại ấy lại được các nhà thơ nữ đưa vào tác phẩm thi ca theo những cách khác nhau, cho chúng ta bản tụng ca rực rỡ của tình mẫu tử, cũng đồng thời là những tụng ca dành cho sự sống và tình yêu trong cuộc đời rộng lớn bao la. Các em bé được sinh ra là kết quả của tình yêu và khát vọng tương lai - làm nên sự trường tồn bất diệt của loài người: “Bầy con tôi phúng phính/ Răng sún má lông tơ/ Ham ăn như heo đói/ Dắt bố mẹ vào mơ” (Vi Thùy Linh).
“Quán chiếu thơ ca của một cây bút nữ, gặp ở đó hành trình của cả đời người, từ thuở thiếu nữ cho đến khi làm vợ, làm mẹ. Họ sống đúng với thiên chức của mình và in dấu thiên chức này trong sáng tác” - Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ. |
Đỗ Anh Vũ (Tiến sĩ ngôn ngữ học)
Tags