(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ cuối tháng 6 đến nay, số ca nhiễm mới COVID-19 ở Nhật Bản liên tục tăng, thậm chí còn tăng cao hơn so với thời điểm trước khi Thủ tướng Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp vào đầu tháng 4. Điều đó cho thấy "cơn sóng thần" COVID-19 lại nổi lên trên “đất nước Mặt trời mọc”, và đợt sóng này dường như còn dữ dội hơn so với trước.
Không giống như như đợt lây lan trước, vốn bắt nguồn từ những du khách Trung Quốc và người Nhật gốc Trung Quốc, "cơn sóng thần" lần này khởi phát trong nội địa Nhật Bản, với điểm đầu tiên là thủ đô Tokyo. Từ giữa tháng 6, số ca nhiễm mới ở thành phố đông dân nhất Nhật Bản đã bắt đầu tăng trở lại với hàng loạt cụm lây nhiễm được phát hiện ở các khu "phố đèn đỏ" tại trung tâm thủ đô Tokyo.
- Hàn Quốc bắt giữ người đứng đầu giáo phái Tân Thiên Địa liên quan Covid-19
- Mỹ ghi nhận trên 25.000 ca tử vong do Covid-19 trong tháng 7
- WHO: Phải học cách sống chung với COVID-19
Cùng với các khu "phố đèn đỏ", từ đầu tháng 7, một ổ dịch lớn đã bùng phát ở Rạp hát Moliere thuộc quận Shinjuku, nơi hơn 800 người tới xem một vở kịch trong thời gian từ ngày 30/6 đến 5/7. Chỉ riêng tại ổ dịch này, tới ngày 22/7, giới chức Nhật Bản đã phát hiện 115 ca dương tính với virus SARS-COV-2, trong đó có các diễn viên và khán giả đến từ 11 tỉnh, thành. Người ta cũng phát hiện nhiều trường hợp nhiễm bệnh là đồng nghiệp và người thân trong gia đình của các diễn viên và khán giả đã từng tới rạp hát này.
Điều đáng lo ngại hiện nay là giới chức y tế Tokyo đã không thể truy vết con đường lây nhiễm của nhiều ca mắc COVID-19. Tỷ lệ số ca mắc COVID-19 không thể truy vết đang có xu hướng tăng mạnh trong những ngày gần đây. Cụ thể, trong tuần từ 12 đến 18/7, số ca không thể truy vết bình quân là 98,1 người/ngày, cao hơn 30 lần so với con số 2,7 trong tuần từ 17 đến 23/5, khi dịch bệnh bắt đầu lây lan chậm lại. Ông Norio Ohmagari, Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch bệnh thuộc Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Y tế toàn cầu (NCGM) của Nhật Bản, cảnh báo nếu xu hướng này tiếp tục trong 4 tuần nữa, số lượng người nhiễm bệnh không rõ nguồn gốc lây có thể chạm ngưỡng 1.200 người/ngày.
Trong bối cảnh đó, số ca nhiễm mới ở Tokyo đã liên tục “phá đỉnh”. Chỉ riêng trong ngày 1/8, thủ đô Tokyo đã phát hiện thêm 472 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1/2020 và cao hơn 2,25 lần so với “đỉnh song” trước đó được ghi nhận vào ngày 17/4 với 206 ca. Trong số này, hơn 60% không thể xác định con đường lây nhiễm. Đây là con số đáng báo động đối với thành phố này.
Các số liệu thống kê của chính quyền thủ đô Tokyo cho thấy tính đến ngày 1/8, tổng số bệnh nhân COVID-19 ở thành phố này là 13.163 người, trong đó có 332 người tử vong và 16 người đang trong tình trạng nguy kịch. Tính chung cả tháng 7, thành phố này chỉ có 2 ngày (mùng 1 và 9) có ca nhiễm mới dưới ngưỡng 100. Điều này phản ánh tình hình dịch bệnh tại thời điểm hiện nay nghiêm trọng hơn rất nhiều so với đợt bùng phát trước đó. Đáng chú ý, số người ở các nhóm tuổi 20 và 30 chiếm gần 2/3 trong tổng số các ca nhiễm mới, cao hơn rất nhiều so với con số bình quân của cả nước (khoảng 40%).
Không chỉ có thủ đô Tokyo, trong hai tuần gần đây, tình hình dịch bệnh ở nhiều tỉnh, thành ở Nhật Bản đang xấu đi. Một số tỉnh, thành lớn, tập trung đông dân như Osaka, Aichi và Fukuoka đều ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục. Tính đến ngày 31/7, tổng số bệnh nhân COVID-19 ở Nhật Bản là hơn 37.000, trong đó có khoảng 700 người trên du thuyền Diamond Princess. Số người tử vong vì COVID-19 ở nước này là 1.026 người. Chỉ riêng trong ngày 31/7, Nhật Bản đã phát hiện 1.578 ca nhiễm mới trên toàn quốc, cao nhất từ trước tới nay. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới ở nước này vượt ngưỡng 1.000. Cho đến thời điểm này, không còn tỉnh, thành nào ở Nhật Bản miễn nhiễm với dịch COVID-19.
Với việc số bệnh nhân COVID-19 nhập viện đang tăng đột biến trong thời gian gần đây, hệ thống y tế ở thủ đô Tokyo và nhiều tỉnh, thành lớn ở Nhật Bản đã bắt đầu có dấu hiệu quá tải. Điều may mắn là năng lực xét nghiệm chuỗi phản ứng polymerase (PCR) của Nhật Bản đã tăng lên đáng kể so với đợt bùng phát trước đó.
Tại thủ đô Tokyo, theo thống kê của chính quyền thành phố, ngày 30/7, số bệnh nhân COVID-19 đang nằm viện để chữa trị là 1.154 người, cao gần gấp 6 lần so với ngày 20/6. Chính quyền thủ đô đã yêu cầu các cơ sở y tế lên kế hoạch đảm bảo 2.800 giường bệnh phục vụ cho việc chữa trị các bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Chắc chắn các cơ sở y tế sẽ mất nhiều thời gian để chuẩn bị trước khi đáp ứng được các yêu cầu này. Và ngay cả khi huy động đủ số giường bệnh đó, các cơ sở y tế có thể sẽ không tiếp nhận thêm bệnh nhân nếu không có đủ nhân lực để chăm sóc và chữa trị cho các bệnh nhân, khử trùng các phòng bệnh vào thời điểm bệnh nhân nhập viện và xuất viện.
Ông Masataka Inokuchi, Phó Chủ tịch Hội Y khoa Tokyo, cho biết sự bùng phát kéo dài của dịch bệnh đang gây quá tải cho các cơ sở y tế. Nếu tình hình này tiếp tục, “chúng tôi không thể cứu chữa những người bệnh mà đáng ra chúng tôi có thể cứu chữa như trong giai đoạn thông thường”.
Không chỉ Tokyo, nhiều tỉnh, thành khác ở Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với các vấn đề tương tự. Thị trưởng thành phố Nagoya, ông Takashi Kawamura, cho biết tình hình hiện nay khác hoàn toàn so với giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2020. Nagoya đang rơi vào tình trạng thiếu giường bệnh, một số bệnh nhân đang phải chờ để nhập viện.
Nhiều người lo ngại nếu dịch bệnh bùng phát mạnh ở khu vực nông thôn hoặc vùng sâu, vùng xa, nơi hệ thống y tế kém phát triển hơn, chắc chắn các khu vực này sẽ không thể ứng phó nổi. Điều này đòi hỏi chính quyền các cấp ở Nhật Bản cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ để đối phó với nguy cơ sụp đổ hệ thống y tế.
Trong bối cảnh đó, chính quyền thủ đô Tokyo đã một lần nữa yêu cầu các quán bar và cửa hàng karaoke đóng cửa sớm hơn so với trước đây để hạn chế sự lây lan của virus. Thời gian áp dụng là từ ngày 1/8 đến ngày 31/8. Thị trưởng Tokyo, bà Yuriko Koike, cho biết chính quyền thành phố có thể sẽ yêu cầu các cơ sở kinh doanh khác đóng cửa sớm hơn. Bên cạnh đó, bà Koike cảnh báo “nếu tình hình tồi tệ hơn, chúng tôi sẽ phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô”, đồng thời kêu gọi người dân không lơ là cảnh giác trong mùa Hè.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa có ý định ban bố tình trạng khẩn cấp vì lo ngại điều đó sẽ đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới lún sâu vào suy thoái. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 30/7 khẳng định tình hình hiện nay khác xa so với thời điểm ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 4/2020 và tại thời điểm này, Nhật Bản “vẫn chưa ở vào tình huống phải tái ban bố tình trạng khẩn cấp”. Theo ông Suga, đa số những người mắc COVID-19 là thanh niên, trong khi số người mắc bệnh ở độ tuổi từ 60 trở lên hoặc những người mắc bệnh nghiêm trọng rất nhỏ.
Mặc dù vậy, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, không loại trừ khả năng Thủ tướng Abe sẽ phải ban bố tình trạng khẩn cấp một lần nữa để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Nếu điều đó xảy ra, chắc chắn “con tàu kinh tế Nhật Bản” sẽ lại rung lắc dữ dội vì "cơn sóng thần" COVID-19.
Đào Thanh Tùng - Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản
Tags