(Thethaovanhoa.vn) - Những năm gần đây, cái tên Nhật ký Mèo Mốc hay Mèo Mốc đã không còn xa lạ với độc giả truyện tranh Việt. Các tác phẩm của Đặng Quang Dũng (Mèo Mốc) tạo ra cơn sốt hiếm hoi cho trẻ em Việt Nam ngay từ khi ra mắt vào năm 2013, và vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời điểm hiện tại.
Truyện tranh dài kỳ, thời gian chờ đợi tính bằng năm, song số lượng phát hành vẫn vô cùng lớn, sách cũng liên tục được tái bản. Thành công này không chỉ đến từ nội dung hài hước, mà còn nằm ở nghệ thuật truyện tranh riêng biệt, mang đậm cá tính Mèo Mốc.
Mèo Mốc tên thật là Đặng Quang Dũng (20/10/1992). Anh tốt nghiệp Đại học Ngoại thương năm 2014 và tốt nghiệp Lasalle College of the Arts chuyên ngành thiết kế đồ họa. Hiện tại, anh đang làm công việc vẽ truyện tranh ở Việt Nam.
Các tác phẩm tiêu biểu của Mèo Mốc có thể kể đến như Nhật ký Mèo Mốc, Mèo Mốc - Hãy ngước nhìn bầu trời, Mèo Mốc - Hành trình tới Singapore, Tây du hí, Nào ta cùng ăn...
Có thể nói, Mèo Mốc rất chăm chỉ sáng tác. Kể từ năm 2015 đến nay, hầu như năm nào anh cũng cho ra những xuất bản phẩm mới. Đặc biệt, trong năm 2020 này, Mèo Mốc xuất hiện trước công chúng với 3 đầu truyện hấp dẫn: Tây du hí tập 5, Nào ta cùng ăn và Mèo Mốc - Và xuân sẽ lại về, ngoài ra còn có một tập truyện tranh nữa sẽ ra mắt trong tháng 12/2020.
Từ hành trình “Tây du hí”
Bắt đầu xuất bản tập 1 từ năm 2015, đến tháng 5 năm 2020, Tây du hí đã ra đến tập 5 và được tái bản nhiều lần.
Lấy cảm hứng từ Tây du ký của Ngô Thừa Ân, Tây du hí của tác giả trẻ Mèo Mốc (Đặng Quang Dũng) kể lại hành trình sang Tây Thiên thỉnh kinh của bốn thầy trò Đường Tăng với những nội dung hiện đại, mới mẻ và không kém phần hài hước. Ở thời điểm hiện tại (tập 5), diễn biến câu chuyện đang đến đoạn thầy trò Đường Tăng và Tôn Ngộ Không giải cứu người dân khỏi sự đe dọa của Trư Bát Giới và bè lũ yêu quái trong rừng.
Tây du hí có nội dung mới mẻ, ly kỳ, hấp dẫn. Mượn cái khung của Tây du ký, Mèo Mốc đã biến tấu nhiều tình tiết, sự kiện để biến tác phẩm thành sáng tạo mang đậm phong cách Mèo Mốc; đồng thời gửi gắm vào tác phẩm những triết lý nhân sinh trong đời sống hiện đại: Không nặng nề, không sáo rỗng, dùng tiếng cười để gợi chuyện và gợi suy nghĩ của người đọc. Tác giả Mèo Mốc triển khai câu chuyện có lớp lang, dùng góc nhìn hài hước để thể hiện những câu chuyện, vấn đề nghiêm túc, từ vấn nạn ganh đua trong công việc, tinh thần trách nhiệm, cho đến cách nhìn nhận vấn đề trong cuộc sống…
Cả nội dung và hình thức trình bày truyện đều có sự phát triển: Đi từ truyện hài 4 khung sang 1 câu chuyện hoàn chỉnh với nội dung liền mạch, được thể hiện bằng những hình thức và kỹ thuật đặc trưng của truyện tranh hiện đại. Trung thành với nét vẽ đậm, cứng cáp, Mèo Mốc tạo hình nhân vật theo lối hoạt hình, đáng yêu, không bị lẫn với tạo hình các nhân vật có cùng đề tài của các tác giả khác. Đặc biệt, xét về mặt hình ảnh, Tây du hí vô cùng phù hợp với độc giả thiếu nhi.
- Học người Nhật làm truyện tranh lịch sử
- Cùng trẻ em vượt qua Covid-19 bằng truyện tranh
- Truyện tranh 'Illuminati' sẽ được chuyển thể thành phim
Không dừng lại ở đó, trong truyện cũng có rất nhiều nhân vật hoặc trang truyện “parody” các tác phẩm truyện tranh nổi tiếng thế giới như Doraemon, Deathnote… Những yếu tố này biến Tây du hí thành một tác phẩm mang đậm yếu tố văn hóa đại chúng đương đại, đặc biệt là văn hóa truyện tranh trong giới trẻ.
Yếu tố văn hóa đại chúng này cũng chính là một trong những điều làm nên sự khác biệt giữa Tây du ký của tác giả Ngô Thừa Ân và Tây du hí của họa sĩ trẻ Mèo Mốc. Khéo léo lồng vào những nhân vật, sự kiện quen thuộc với giới trẻ cũng là một yếu tố mang dấu ấn cá nhân đặc sắc trong các sáng tác của Mèo Mốc.
Với Tây du hí, Mèo Mốc cũng mang lại điểm mới trong cách dẫn truyện: để tác giả (tạo hình chú mèo đen) đi vào trong khung truyện để tự kể câu chuyện riêng trong quá trình sáng tác; đồng thời để nhân vật truyện tranh và nhân vật tác giả đối thoại với nhau. Cách dẫn truyện này tạo cảm giác hài hước và chân thật cho người đọc, tựa như chính người đọc cũng tham gia vào hành trình tác giả tạo nên câu chuyện vậy. Trên thực tế, cách dẫn truyện này đã tồn tại ở truyện tranh các nước Mỹ (Deadpool), Nhật (Tầm với, H2,…). Song ở Việt Nam, Mèo Mốc là một trong số ít những tác giả sử dụng cách kể chuyện này mà vẫn giữ được sự duyên dáng và không làm ngắt mạch chính của câu chuyện.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm đáng khen, Tây du hí cũng vẫn còn tồn tại một vài thiếu sót. Hai tập đầu của bộ truyện tuân thủ theo bố cục truyện hài bốn khung, nội dung thuần giải trí, hài hước. Khi đọc liền mạch sẽ dễ gây nên sự chàm chán. Cái hài chưa đủ độ nhấn, và các truyện bốn khung hiện nay cũng không còn là hình thức trình bày mới lạ nữa. Từ tập ba trở đi, có nhiều cảnh chiến đấu bị trình bày rối mắt người đọc.
Dù vậy, nhìn chung, Tây du hí vẫn là một bộ truyện hấp dẫn và xứng đáng được đón đọc trong những tập tiếp theo.
Đến chuyện kỳ thú về những món ăn nổi tiếng thế giới
Bên cạnh Tây du hí, trong năm 2020 này, Mèo Mốc cũng xuất hiện trước bạn đọc với sản phẩm truyện tranh đặc sắc Nào ta cùng ăn.
Xuất bản vào tháng 10/2020, Nào ta cùng ăn của họa sĩ Mèo Mốc dẫn người đọc vào hành trình khám phá nguồn gốc các món ăn hấp dẫn bằng những bức tranh sinh động và lối dẫn truyện vui nhộn. Các món ăn và đồ uống trên khắp thế giới thông qua lời kể của Mèo Mốc trở nên vô cùng lôi cuốn, không chỉ ở mùi vị, mà còn ở câu chuyện lịch sử, văn hóa ẩm thực đằng sau mỗi món ăn.
Kể các câu chuyện về món ăn bằng truyện tranh vốn không mới ở nước ngoài, nhưng lại rất mới ở Việt Nam. Với tác phẩm Nào ta cùng ăn, Mèo Mốc đã cung cấp nhiều thông tin thú vị về ẩm thực không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia và vùng văn hóa khác trên thế giới đến với người đọc.
Những câu chuyện xoay quanh xuất xứ món ăn đều được tác giả thu thập tư liệu từ 2 nguồn chính: Những tài liệu có hàm lượng khoa học khách quan và cả những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian (cổ tích, giai thoại…). Kết hợp với hình thức kể truyện bằng tranh, cuốn sách Nào ta cùng ăn không hề khô khan mà rất hấp dẫn, vui nhộn, đồng thời thể hiện được nhiều câu chuyện văn hóa, lịch sử bên cạnh câu chuyện về đồ ăn đơn thuần.
Về mặt trình bày, Nào ta cùng ăn có sự khác biệt rất lớn đối với những tác phẩm trước đây của Mèo Mốc. Tác giả trẻ đã bước ra khỏi thế giới của truyện tranh 4 khung để đến với cách trình bày có tầng lớp, nhấn nhá và có bố cục tranh - thoại rõ ràng hơn trong tác phẩm mới nhất này. Vẫn là những nét đậm đặc trưng, song ở đây, người đọc sẽ thấy đường nét mềm mại hơn rất nhiều.
Mặc dù nội dung chi tiết đầy đặn và thú vị, nhưng sự phân chia bố cục từng chương trong Nào ta cùng ăn lại chưa được hợp lý. Ví dụ: Cuốn sách được chia làm 4 phần, bao gồm: Đồ ngọt - Đồ ăn nhanh - Đồ uống - Bữa chính. Trong đó, 3 phần đầu đang chia theo tính chất đồ ăn, đến phần thứ 4 lại chia theo thứ tự thực đơn bữa ăn (khai vị, món chính, tráng miệng). Một điều thiếu sót nữa, cũng là điều mà chính tác giả Mèo Mốc đã nhận ra, đó là tác phẩm chưa có nhiều các món ăn Việt Nam do tác giả chưa tìm được tư liệu ghi chép về nguồn gốc món ăn (ở cả các nghiên cứu nghiêm túc lẫn các câu chuyện dân gian).
Tuy vậy, xét về tổng thể, Nào ta cùng ăn vẫn là một cuốn sách chứa nhiều thông tin thú vị, hữu ích, đáng được đông đảo bạn đọc biết đến hơn.
Nhìn chung, cả Tây du hí và Nào ta cùng ăn đều có những điểm đáng khen ngợi và trân trọng. Nếu Tây du hí thu hút người đọc ở cốt truyện vừa quen thuộc vừa kỳ lạ, thì Nào ta cùng ăn lại rất hoàn hảo cho một cuốn sách chia sẻ kiến thức văn hóa ẩm thực Việt Nam và thế giới.
“Mèo Mốc - Và Xuân sẽ lại về”
Trên thực tế, Đặng Quang Dũng, hay cũng chính là Mèo Mốc, đã được đông đảo độc giả biết đến kể từ năm 2012, khi trào lưu vẽ nhật ký bằng tranh nở rộ trên mạng xã hội Facebook. Những trang nhật ký của chú mèo béo ú đen thui xoay quanh chuyện đi học, đi làm, gia đình, bè bạn, ước mơ... vừa gần gũi lại vừa dí dỏm, dễ thương của Mèo Mốc nhanh chóng thu hút cảm tình của lứa độc giả nhỏ tuổi.
Series truyện Mèo Mốc bao gồm Nhật ký Mèo Mốc (2014), Mèo Mốc - Chuyện đèn đỏ & cái lỗ đen vũ trụ (2015), Mèo Mốc - Hành trình tới Singapore (2016), Mèo Mốc - Ơ sinh nhật rồi này?(10/2018) cho đến nay vẫn liên tục được tái bản và được cả các em nhỏ lẫn giới độc giả thanh thiếu niên yêu thích.
Có thể nói, series Mèo Mốc tuy không nằm trong thời gian xét giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn 2020, nhưng xứng đáng là điểm cộng để tham khảo, vừa cho thấy những ý tưởng sáng tạo dồi dào, vừa là điểm mốc để nhận thấy bút lực ngày càng tiến bộ của tác giả Đặng Quang Dũng ở thời điểm hiện tại.
Gây tiếng vang lớn với series Mèo Mốc, tháng 11 vừa qua, tác giả Đặng Quang Dũng đã ra mắt độc giả tập thứ 6 trong series với tên gọi Mèo Mốc - Và Xuân sẽ lại về.
Từ Nhật ký Mèo Mốc đến Chuyện đèn đỏ và cái lỗ đen vũ trụ, Hành trình tới Singapore cho đến Hãy ngắm nhìn bầu trời và Ơ sinh nhật rồi này?, Mèo Mốc với những câu chuyện hài hước lạc quan đã đưa độc giả bước theo từng giai đoạn trong quá trình “trưởng thành” của mình. Cứ như thế, cả Mèo Mốc và các bạn độc giả trẻ dường như đang cùng nhau trải qua những câu chuyện hàng ngày vừa quen thuộc, nhưng cũng đầy ắp những bài học riêng.
Được hoàn thành trong những ngày tháng cả nước chống dịch Covid-19, Mèo Mốc - Và Xuân sẽ lại về đánh dấu một bước chuyển trong sáng tác của Đặng Quang Dũng. Không còn quá nhiều những mẩu truyện ngắn gây cười, đôi lúc có phần thiếu liên kết nữa, mà tập trung vào những “trải nghiệm văn hóa” của chính tác giả khi đi làm và khi ở nhà (vì đại dịch). Đi làm ở công ty nước ngoài khác với làm ở công ty trong nước như thế nào? Có những khác biệt văn hóa dở khóc dở cười ra sao? Khi bạn bè ngoại quốc đến thăm Hà Nội, chàng trai Mèo Mốc đã làm gì?...
Không những vậy, như bao bạn trẻ khác ở nhà trong mùa dịch Covid-19, Đặng Quang Dũng đã vẽ lại được “câu chuyện không của riêng ai” khi người trẻ dành thời gian cho gia đình, dọn nhà, nấu cơm, ăn uống cùng gia đình. Khi dịch xuất hiện, được ở bên cạnh những người mình yêu thương, dù đôi lúc có giận dỗi nhau, dường như là điều ấm áp vô cùng. Tất cả những câu chuyện vừa gần gũi với mọi người, lại vừa rất cá nhân ấy của tác giả đều được kể lại đầy đủ trong tập 6 này.
Đặc biệt, ở Mèo Mốc -Và Xuân sẽ lại về, tác giả Đặng Quang Dũng đã bước ra khỏi ranh giới của những chuyện hài hước thường ngày để đến với câu chuyện nghiêm túc hơn, trưởng thành hơn, nhưng vẫn vẹn nguyên là câu chuyện bình dị, thân thương của đời sống.
Với bước đi này, chắc chắn Đặng Quang Dũng đã tiến xa hơn trên con đường họa sĩ truyện tranh, và chính series Mèo Mốc cũng tiến xa hơn rất nhiều so với điểm xuất phát ban đầu. Sau chặng đường 10 năm vẽ truyện tranh và hành trình xuất bản 6 tập truyện, Đặng Quang Dũng đã tự khẳng định bản thân, cũng như khẳng định đóng góp của series Mèo Mốc trong “thế giới” truyện tranh Việt: Một tác phẩm truyện tranh hài hước mà sâu sắc, mang đậm hơi thở của giới trẻ Việt Nam đương đại.
Trong buổi ra mắt sách Mèo Mốc - Và Xuân sẽ lại về vừa qua, khi được hỏi về chặng đường 10 năm sáng tác truyện tranh, series Mèo Mốc đã đem lại cho tác giả những gì, Đặng Quang Dũng đã trả lời thành thực: “Mắt mình kém hơn, ngồi vẽ truyện nhiều nên lưng mình đau hơn xưa, cơ hội lớn nhất mà Mèo Mốc đem lại cho mình đó là mình có cơ hội trở thành tác giả truyện tranh”.
Mèo Mốc và các tác phẩm của anh đã đem đến cho người đọc vô vàn cung bậc cảm xúc khác nhau: Từ những câu chuyện hài hước cho đến những triết lý nhân sinh sâu sắc, từ hư cấu tự sự cho đến những thông tin văn hóa - lịch sử hữu ích. Và với Mèo Mốc, truyện tranh không chỉ là trang “nhật ký” ghi lại câu chuyện đời thường nữa, mà đã trở thành cuốn “du ký” nối dài.Ở đó, người đọc được thỏa sức bay bổng cùng nhân vật, được sống, được cười, được suy tư, được trải nghiệm, và trên tất cả là được tiếp thêm niềm tin mãnh liệtvào thế hệ tương lai.
Truyện tranh, quan trọng nhất phải vui cái đã" Đặc biệt, chàng trai trẻ Đặng Quang Dũng cũng chọn cho mình một quan điểm đáng trân trọng về sáng tác truyện tranh: “Trước khi đặt bút viết hay vẽ một trang truyện mới, tôi thường tự đặt cho mình một câu hỏi: “Truyện này mình vẽ có khả năng làm tổn thương một nhóm người đọc nào đó không?”. Một khi không xác định được câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi này, nhất định tôi sẽ không vẽ mẩu truyện đó, dù trong thâm tâm tôi cũng phải thừa nhận nó rất buồn cười, rất thú vị. Vì tôi muốn tạo ra những cuốn truyện tranh có thể được đọc bởi cả người lớn lẫn trẻ em. Với tôi, truyện tranh cho trẻ em ngoài những giá trị giải trí thông thường, cần có thêm tính giáo dục nữa. Trẻ em có xu hướng học theo những gì chúng đọc rất nhanh. Nhưng những thông điệp cần truyền tải đó, phải cài cắm làm sao cho khéo, vừa đủ để trẻ nhận ra được nhưng cũng không quá nhiều để trở thành một cuốn… sách giáo khoa. Truyện tranh, quan trọng nhất vẫn cần phải hay, phải vui cái đã”. |
Trường Khanh
Tags