Ngay khi cậu bé bước ra ngoài, còi báo động của siêu thị kêu lên inh ỏi.
Hoan Hoan năm nay 4 tuổi, em là một cậu bé hoạt bát, đáng yêu, tuy có lúc nghịch ngợm nhưng chưa bao giờ là một em bé hư. Cuối tuần, mẹ đưa Hoan Hoan đi siêu thị mua đồ ăn cho cả nhà, không ngờ cậu bé đi qua quầy bánh kẹo thì quá thích thú nên đứng lân la mãi không chịu rời. Mẹ phải đi mua thịt gần đó nên đành để em bé đứng chơi ở quầy bánh kẹo một lúc.
Mua đồ xong, mẹ đưa Hoan Hoan đi thẳng ra quầy thu ngân, không quên nhắc nhở con trai nhà đã có nhiều bánh kẹo nên không mua thêm nữa. Thế nhưng ngay khi người mẹ trả tiền xong, hai mẹ con bước ra ngoài thì tiếng còi báo động kêu lên inh ỏi. Kiểm tra một lúc thì nhân viên siêu thị phát hiện ra còi báo động chỉ kêu khi cậu bé Hoan Hoan đi qua.
Hoan Hoan được mẹ dẫn đi siêu thị nhưng nán ở quầy bánh kẹo không chịu rời đi. Ảnh minh họa: Baijiahao
Một nhân viên an ninh nói với người mẹ: "Xin lỗi chị. Con chị ăn trộm đồ mà không trả tiền, chị không tin thì có thể khám người thằng bé".
Hoan Hoan ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra, mẹ cậu bé thì không dám tin con mình là kẻ trộm. Đứng giữa vòng vây của những người qua đường tò mò, mẹ Hoan Hoan cố gắng giữ bình tĩnh, tiến đến chỗ anh nhân viên an ninh nói nhỏ:
"Nhà tôi ở gần đây, tôi có thể để lại chứng minh thư của mình rồi chút nữa quay lại giải quyết được không. Đứa trẻ con quá nhỏ, nếu khám xét nó ở giữa chỗ đông người sẽ khiến nó tổn thương. Tôi nghĩ anh cũng có con, chắc anh sẽ hiểu đúng không?".
Nghe xong câu nói này, anh nhân viên an ninh gật gù lùi lại. Anh cầm giấy tờ tùy thân của người mẹ rồi để hai mẹ con rời đi.
Cách ứng xử khéo léo của mẹ đã tránh cho Hoan Hoan khỏi những tổn thương tâm lý. Ảnh: Baijiahao
Mẹ Hoan Hoan đưa con về nhà, trên đường về cũng không hỏi con một câu nào. Gần đến nhà, cậu bé 4 tuổi cảm nhận rõ bầu không khí căng thẳng trên xe liền kéo tay áo mẹ thì thầm: "Con xin lỗi mẹ, con đã lấy kẹo ở siêu thị".
Nói xong, câu bé lấy ra một túi kẹo nhỏ từ trong túi quần. Người mẹ bình tĩnh an ủi Hoan Hoan, cô nhắc nhở đưa trẻ làm như vậy là sai trái. Sau đó cùng con quay trở lại siêu thị để trả lại túi kẹo và xin lỗi nhân viên siêu thị. Hoan Hoan đã học được một bài học lớn cho mình.
Ứng xử khéo léo với con
Trong thực tế cuộc sống, cha mẹ đưa con tới những nơi công cộng, có đông người như siêu thị, công viên có thể phát sinh nhiều tình huống khó xử. Nếu cho mẹ không xử lý khéo léo có thể gây ảnh hưởng nặng đến tâm lý và lòng tự trọng của trẻ.
Khi bắt quả tang con có hành vi trộm cắp, các bậc phụ huynh sẽ vô cùng hoang mang, nhiều người tự hỏi mình đã làm sai ở đâu để khiến con trở thành "người xấu" như vậy. Song theo các chuyên gia, phụ huynh không nên vội vã kết luận theo hướng tiêu cực bởi đây là một hành vi có thể thay đổi được.
Nhóm trẻ dưới 6 tuổi sẽ không ý thức được hành vi của mình là sai trái. Ảnh: Baijiahao
Đặc biệt là với nhóm trẻ dưới 6 tuổi, trẻ nhỏ thường chưa nhận thức rõ tính đúng sai của việc lấy trộm tiền, đồ đạc của người khác. Theo các chuyên gia, bộ não trẻ ở độ tuổi này chưa đủ phát triển để suy nghĩ về hành vi của bản thân và người khác.
Các bậc phụ huynh cần phải dạy con bắt đầu từ việc lên tiếng đề nghị những gì chúng muốn có, dạy cho chúng sự sẻ chia, thông cảm.
Khi con có hành vi lấy trộm đồ đạc hoặc tiền, dù chỉ là thứ có giá trị nhỏ, bạn cần nghiêm túc nói cho con "con không được làm như vậy, nếu con muốn lấy gì thì phải xin phép người khác hoặc ở siêu thị, cửa hàng thì phải xin phép bố mẹ để mua". Nếu không muốn con cảm thấy mình là người xấu, bạn cũng không nhất thiết phải dùng từ "ăn trộm" mà chỉ cần nói rõ rằng việc lấy thứ gì đó mà không xin phép là sai.
Bài viết tham khảo từ Baijiahao
Tags