Sự việc được đăng tải vào ngày 23/1 trên trang cá nhân của một cô gái Trung Quốc, có tài khoản tên XueYu01. Cụ thể, sau một ngày dài làm việc, cô gái này trở về nhà và bắt gặp cảnh tượng không thể kinh khủng hơn trong phòng mình. Mọi thứ trong phòng đều bị đảo lộn, đặc biệt là mỹ phẩm trên bàn trang điểm đều có dấu hiệu bị lấy ra nghịch ngợm.
Trên gương, trên tường hay trên sàn nhà, chằng chịt những vết vẽ bằng son phấn. Bên cạnh đó, một vài món đồ còn bị đập vỡ tan nát. Cô gái nhẩm đếm, có đến gần 20 món đồ mỹ phẩm của cô còn mới nguyên, hoặc dùng chưa được bao lâu, giờ đây đã trở thành phế liệu. Giá trị của chúng lên tới 2 vạn NDT, tương đương khoảng gần 70 triệu đồng.
Theo thông tin từ trang cá nhân của cô gái, có thể thấy cô làm công việc liên quan nhiều tới làm đẹp và mỹ phẩm. Vì vậy, những món đồ này có thể dùng trong mục đích cá nhân cũng như chính công việc của cô hàng ngày. Cô rất trân trọng và giữ gìn chúng cẩn thận, thậm chí đến ngay cả mẹ mình, cô cũng không muốn để động vào.
Bàn trang điểm của cô gái trở thành "bãi chiến trường", ước tính có khoảng 20 món đồ mới nguyên hoặc dùng chưa được bao lâu giờ đây trở thành phế liệu. (Ảnh Douyin XueYu01)
Khi cô gái hỏi mẹ mình thì mới biết, bãi chiến trường trong phòng cô được tạo ra bởi con trai của một người họ hàng. Cô gái khóc lóc, suy sụp, và giữa cô, mẹ cô và người họ hàng kia đã xảy ra một trận cãi vã. "Con cô cô phải dạy dỗ nó chứ", cô gái vừa nói vừa khóc vì tức giận.
Nhưng thay vì xin lỗi, người họ hàng lại đáp trả bằng những câu nói, khiến dân mạng vô cùng phẫn nộ. "Con nít 5 tuổi nó chưa hiểu chuyện. Cháu nhìn lại cháu đi, 30 tuổi rồi còn chưa kết hôn, suốt ngày ngồi làm mấy thứ linh tinh này. Toàn mấy thứ nhố nhăng cô sẽ không đền đâu, cháu cứ làm quá lên."
Bên dưới phần bình luận, rất nhiều người đã tỏ ra phẫn nộ bởi thái độ của người họ hàng kia. Đa phần đều nhận xét rằng, nếu như người lớn không cho phép thì chẳng đứa trẻ nào dám lại như vậy. Một vài người khác cũng khuyên cô gái, nếu giá trị tài sản bị hư hại vượt quá 2000 NDT (khoảng 7 triệu đồng) thì cô hoàn toàn có thể gọi cảnh sát. Tuy nhiên cô cũng đáp lại rằng, mẹ cô sẽ không thể đồng ý và bà còn khuyên cô vì mối quan hệ của người lớn mà hãy bỏ qua chuyện trẻ con này đi.
Video được cô gái đăng tải trên trang cá nhân, ghi lại trận cãi vã giữa cô, mẹ cô và người họ hàng kia. (Video Douyin XueYu01)
Những điều cha mẹ cần dạy con khi tới nhà người khác
Trên thực tế, trường hợp như cậu bé hay người họ hàng trong câu chuyện trên không hề hiếm gặp. Vào cuối tháng 1 năm ngoái, tại Tín Dương, Hà Nam, Trung Quốc cũng một vụ việc tương tự xảy ra. Giữa tháng 12 vừa rồi, một quán cà phê ở Việt Nam cũng gây ra màn tranh cãi dữ dội khi đưa ra thông báo không nhận khách là trẻ em dưới 12 tuổi.
Có thể thấy, việc trẻ nhỏ hiếu động, nghịch ngợm là chuyện bình thường. Có những thứ trẻ sẽ chưa thể biết hoặc chưa nhận thức rõ ràng được. Nhưng những bậc làm cha mẹ nên có cách dạy bảo con mình sao cho các bé có ý thức giữ trật tự, vệ sinh nơi cộng cộng hay đặc biệt là khi sang nhà người khác để không ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Tốt hơn hết, khi đưa trẻ em đến nhà người khác làm khách, dù cho có mối quan hệ thân thiết như thế nào, người lớn cũng phải trông giữ trẻ cẩn thận, không để trẻ nghịch phá đồ đạc của chủ nhà. Nếu có lỡ xảy ra tình trạng làm hư đồ, phải đưa trẻ đến xin lỗi chủ nhà cũng như chủ nhân của món đồ ngay, đồng thời đền bù thiệt hại của món đồ đó. Nếu trẻ mắc lỗi và cha mẹ cứ liên tục bỏ qua nhiều lần, trẻ sẽ không nhận ra lỗi của mình và có thể tiếp tục làm như vậy trong tương lai.
Một số địa điểm được cho là tế nhị, riêng tư, người lớn nên dặn dò kỹ trẻ không nên vào khi đến nhà người khác chính là phòng làm việc riêng hay phòng ngủ. Những căn phòng này cũng có thể là nơi gia chủ để những đồ quan trọng như tiền bạc, nữa trang..., nếu xảy ra trường hợp bất thường thì sẽ rất khó xử cho đôi bên.
Một số quy tắc cơ bản khác cha mẹ cần dặn dò con khi đến thăm nhà người khác như sau:
- Chào hỏi khi gặp mọi người, đặc biệt là người lớn tuổi: Đây là một trong những kỹ năng giao tiếp xã hội cơ bản mà trẻ cần được dạy từ sớm. Điều này thể hiện sự lễ phép, giúp trẻ có được thiện cảm, sự quý mến của mọi người.
- Nói cảm ơn và xin lỗi, đón nhận đồ bằng 2 tay: Những câu nói như cảm ơn hay xin lỗi, luôn nhận đồ bằng 2 tay là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa, là hành vi thể hiện sự văn minh, lịch sự, sự tôn trọng với người đối diện. Không chỉ với người lớn, trẻ em cũng cần nhận thức được việc cần nói cảm ơn và xin lỗi từ khi còn nhỏ. Việc này còn cho thấy khả năng quan tâm, biết ơn người khác của trẻ.
- Quy tắc trên bàn ăn: Các quy tắc trên bàn ăn người lớn cần dạy trẻ có thể kể tới như mời cơm trước khi ăn, cầm đũa bát nghiêm chỉnh, không bới đồ ăn lung tung, không gõ đũa vào chén, không nhè thức ăn... Đây đều là những quy tắc cần thiết trong văn hóa Á Đông. Nếu trẻ không nắm được những quy tắc này, vô tình sẽ trở nên thiếu lễ phép hay gây rối trong bữa ăn, từ đó làm ảnh hưởng tới mọi người xung quanh.
- Không nói leo, không nhận xét thiếu tế nhị: Những câu nói "ăn theo" người lớn, hay những lời nhận xét kiểu "Nhà này bẩn", "Nhà này xấu", "Đồ ăn này chẳng ngon"... là những câu nói vu vơ nhưng đôi khi lại thể hiện sự bất lịch sự. Chính vì vậy, cha mẹ nên dặn kỹ con mình không nên thực hiện những hành vi hay nói những câu nói này.
Theo Douyin, QQ
Tags