Đọc "Truyện Kiều chú giải": Của tin còn một chút này...

Thứ Ba, 01/11/2011 10:44 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Ngày 3/11, Hội Kiều học Việt Nam sẽ chính thức được thành lập. Một ngẫu nhiên lý thú là vào dịp này một cuốn sách khảo cứu về Truyện Kiều xuất bản từ 60 năm trước vừa được tái bản. Đó là cuốn Truyện Kiều chú giải (NXB Lao Động - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây) của Vân Hạc Lê Văn Hòe. Cuốn sách là tác phẩm tiêu biểu trong khối trước tác học thuật của nhà học giả được in ra nhân dịp 100 năm sinh của ông mà hôm nay (1/11) Hội Nhà văn Hà Nội, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây cùng gia đình sẽ làm lễ kỷ niệm.

Bìa cuốn Truyện Kiều chú giải

1. Nhà học giả nhận thấy Truyện Kiều từ khi được in ra bản quốc ngữ đã có nhiều bản dẫn giải, chú thích, bình luận, trong đó có những bản khá công phu, đặc sắc. Nhưng theo ông, phần lớn các bản đó chỉ mới dừng lại ở chỗ chú giải điển cố văn chương, hoặc thích nghĩa những chữ Hán văn, còn về từ ngữ nói chung cũng như văn lý của Truyện Kiều thì chưa được khảo sâu. Điều này làm hạn chế việc dạy và học Truyện Kiều trong các nhà trường và nói chung là hạn chế sự tiếp nhận kiệt tác văn chương này của dân tộc.

Nghĩ thế, nhà học giả đã bỏ công sức thời gian soạn ra cuốn Truyện Kiều chú giải của mình gồm chín điểm chính sau: 1) Chú giải những tiếng Nôm khó hiểu; 2) Chú giải ý nghĩa từng câu; 3) Chú giải văn phạm, văn pháp; 4) Chú giải điển cố văn chương, chữ sách Tàu, chữ lấy ở ca dao, tục ngữ; 5) vạch những chỗ tác giả dùng sai; 6) Sửa những chữ in lầm từ trước; 7) Sửa những lời chú giải sai lầm của các bản trước (Việt-Pháp); 8) Nêu những chỗ hay, dở trong văn lý; 9) Phê bình lướt qua nhân vật trong truyện về mặt luân lý. Ông tin rằng “có chú giải như thế thì mới mong giúp được mọi người hiểu thấu Truyện Kiều, thưởng thức hết cái hay của Truyện Kiều, phân biệt cái dở của Truyện Kiều, nhiên hậu mới có thể dùng Truyện Kiều làm công cụ học vấn giáo dục và mới có thể lợi dụng triệt để kho tài liệu vô giá ấy để phục vụ học đường”.

Quả thật, đọc Truyện Kiều chú giải của Lê Văn Hòe ta sẽ được một học giả uyên thâm vốn cổ, vốn kim, tinh tường tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Pháp và có một lòng yêu tha thiết văn chương nước nhà giúp khám phá thêm nhiều tầng lớp trong kiệt tác của dân tộc. Thực sự tách riêng ra phần khảo cứu của nhà học giả đã đủ làm thành một cuốn sách cung cấp cho người đọc nhiều tri thức ngữ văn Việt và Hán, nhiều kinh nghiệm dịch thuật một tác phẩm văn chương từ tiếng Việt sang tiếng Pháp, hơn thế nó còn có tính chất nghiên cứu về giá trị của Truyện Kiều và tài năng của Nguyễn Du.

Phần nổi trội của tập chú giải này so với các tập khác là như ở các điểm 3, 5 và 7 trong 9 điểm nhà học giả đã nêu. Như về chú giải văn phạm, văn pháp, ông giải nghĩa câu “mặt tơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng” là Nguyễn Du dùng phép hô khởi (apostrophe) lặp lại chữ mặt và chữ lòng để “cố làm cho câu mạnh thêm, ý mơ tưởng và ý ngao ngán của Kim Trọng được nổi bật lên” khi nhớ Thúy Kiều. Như về vạch những chỗ tác giả dùng sai, ông chê điệp vận xưa trong hai câu liền nhau “Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa / Rằng: hồng nhan tự thuở xưa” là “văn như vậy kém hay”. Như về sửa những lời chú giải sai lầm của các bản trước, ông chỉ ra nhiều chỗ trong các bản dịch Truyện Kiều ra Pháp văn do dịch giả hiểu sai ý, sai nghĩa thơ nên dịch sai, thí dụ: “Bạc mệnh là số phận mỏng manh, ý nói số khổ sở vất vả, trái với số mệnh dầy dặn là số sung sướng. Bạc là mỏng. Mấy bản dịch Pháp văn dịch bạc là “ingrat” tức bạc bẽo, thì sai”. Điểm này nhà học giả so sánh, đối chiếu kỹ càng, phân tích cái chưa được, chưa đúng của các bản dịch, như thế sẽ giúp ích nhiều cho việc chuyển ngữ Truyện Kiều về sau này được chính xác và tinh tế hơn. 

2. Truyện Kiều chú giải đã được nhà học giả dồn nhiều tâm huyết, công sức làm ra với tình yêu vô bờ đối với “văn chương Truyện Kiều”. Còn như cái tư tưởng triết học tôn giáo nào đó mà Truyện Kiều muốn chứng minh thì theo ông “tư tưởng ấy giá trị cũng tầm thường và chứng minh cũng chưa đúng xác”. Nhà học giả để lại công trình khảo cứu có giá trị này là Lê Văn Hòe, bút danh, Vân Hạc, sinh ngày 1/11/1911, quê ở tỉnh Hà Tây trước đây, mất ngày 13/12/1968 tại Hà Nội.

Năm 1927, khi mới 16 tuổi, ông đã cầm bút viết sách, và từ đó cho đến năm 1954 ông đã cho xuất bản hơn ba chục đầu sách cả sáng tác, biên khảo, từ điển, dịch thuật. Đặc biệt ông đã lập nhà xuất bản Quốc học thư xã (1941) để chủ yếu in các công trình, tác phẩm của ông viết về lịch sử, văn hóa, giáo dục, cung cấp tài liệu giảng dạy cho nhà trường. Truyện Kiều chú giải ra đời từ đấy. Cuốn sách bây giờ được in lại càng khẳng định giá trị của nó và công lao của nhà học giả và là một sự đóng góp quý báu cho ngành nghiên cứu Truyện Kiều khi Hội Kiều học được thành lập. Vân Hạc Lê Văn Hòe đã để lại tấm gương của một nhà khảo cứu, nghiên cứu thận trọng, khách quan, trung thực, thẳng thắn trong việc bảo tồn và phát huy vốn cổ của cha ông. Của tin gọi một chút này (*)...

Hà Nội, 31/10/2011

(*): Trích câu “Của tin gọi một chút này làm ghi” trong Truyện Kiều

Phạm Xuân Nguyên

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›