Đây là hành động khẳng định lại một lần nữa Việt Nam đang nỗ lực tham gia vào việc bảo vệ loài tê giác đang có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu. Và đây cũng là cách để Việt Nam sớm thoát khỏi danh sách một trong hai nước lớn nhất về tiêu thụ sừng tê giác nhiều nhất thế giới.
Theo thống kê, hiện chỉ còn hơn 28.000 con tê giác sống rải rác trên khắp thế giới. Nhiều nhất là tê giác trắng hiện đang tập trung ở Nam Phi, Kenya, Zimbabwe, Uganda, Namibia… với số lượng khoảng 20.000 con. Tê giác đen, một loài đang bị săn lùng nhiều hiện cũng chỉ còn dưới 5.000 con ở khu vực Châu Phi. Ấn Độ hiện chỉ còn 3.000 con nhưng vẫn còn nhiều hơn rất nhiều so với những nước khác như Sumatra, Indonesia, Borneo, Maylaysia (nơi chỉ còn dưới 200 con). Tê giác Java, là loài đã tuyệt chủng ở Việt Nam hiện chỉ còn khoảng dưới 50 con hiện sống rải rác ở một số nước Châu Á.
Ông Jonh Baker, Giám đốc Điều hành của tổ chức WildAid cho rằng, ngay cả khi mỗi ngày chỉ có 1 con tê giác bị giết thì đó cũng là hành động đẩy loài này vào khả năng tuyệt chủng bởi số lượng của chúng đã còn quá ít. Trong khi đó, ông Peter Knight, Tổng Giám đốc của WildAid thì chia sẻ: “Mỗi ngày có khoảng 3 con tê giác bị giết và số lượng sừng đó không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của những người có nhu cầu. Có một thực tế mà các bạn cần biết, đó là sừng tê giác vẫn được rao bán ở Việt Nam đa số là sừng trâu”.
Trao đổi với Thể thao và Văn hoá, GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho biết, đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy, sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh như đồn đại. Những người bị ung thư vẫn chết nếu chỉ sử dụng sừng tê giác. Những quý ông chẳng trở nên mạnh mẽ hơn, nam tính hơn khi uống chất sừng này. “Chỉ có một điều có thể khẳng định ở sừng tê giác, đó là mỗi chiếc sừng bạn có trên tay là có một con tê giác bị chết và chúng đang bị dồn đến đường tuyệt chủng” ông Dũng khẳng định.
Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sĩ Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, Việt Nam đang có đủ luật để xử lý các trường hợp buôn bán, sử dụng sừng tê giác và Việt Nam đang làm tất cả để chứng minh sừng tê giác không được sử dụng phổ biến ở Việt Nam.
Ông cũng cho rằng, các cơ quan báo chí cần phải có các chương trình, hành động cụ thể để không chỉ tuyên truyền, định hướng, bảo vệ loài tê giác nói riêng và các loài động vật hoang dã nói chung. Quan trọng hơn, báo chí cũng cần có cách nhìn trung thực, rõ ràng về thực trạng này, tránh trích dẫn các số liệu không rõ ràng khiến Việt Nam bị hiểu nhầm về tình trạng sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Kết thúc buổi lễ, các nghệ sỹ, nhân vật nổi tiếng, các đơn vị truyền thông lớn đã ký cam kết không sử dụng sừng tê giác cũng như sẽ truyền thông tích cực, kêu gọi mọi người cùng tham gia chương trình này.
C.M.T
Tags