Công bố Đề cử Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 15 - 2022

Thứ Năm, 22/09/2022 14:01 GMT+7

Google News

Ban Tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 15 năm 2022 của báo Thể thao và Văn hóa  (Thông tấn xã Việt Nam) công bố Danh sách đề cử của giải năm nay, bao gồm 10 đề cử.

Khởi động 'Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội' lần 15- 2022

Khởi động 'Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội' lần 15- 2022

Chiều 30/8, Hội đồng Giám khảo của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội đã tiến hành họp phiên đầu tiên của mùa giải năm 2022.

Từ các đề cử này, Hội đồng giám khảo sẽ chọn trao các giải thưởng chính thức trên 4 hạng mục và công bố tại Lễ trao giải (được tổ chức vào đầu tháng 10/2022 tới tại Hà Nội).

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội.

Hội đồng giám khảo (HĐGK) do nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội làm Chủ tịch, cùng các thành viên gồm: nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam; nhà báo Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Ngô Hà Thái - nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN; GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính và nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa.

Chú thích ảnh
Hội đồng giám khảo Giải Bùi Xuân Phái họp phiên thứ 2

Trên cơ sở 41 "ứng viên" của giải năm nay do Ban sơ khảo đưa lên, HĐGK đã tổ chức 2 vòng chấm vào các ngày 30/8/2022 và 13/9/2022 để lựa chọn ra 10 đề cử chính thức trên 4 hạng mục: Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Ý tưởng và Giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội.

Theo truyền thống của giải, mỗi năm, mặc dù xét trên một danh sách gồm nhiều ứng viên ở hạng mục Giải thưởng Lớn, nhưng HĐGK chỉ công bố duy nhất 1 đề cử ở hạng mục này và sẽ trao giải cho đề cử đó. Do đó kết quả đề cử Giải thưởng Lớn được giữ kín đến Lễ trao giải.

Trải qua 14 mùa giải, Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội đã tôn vinh 13 nghệ sĩ, nhà văn hóa tiêu biểu ở hạng mục Giải thưởng Lớn; gần 150 đề cử giải Tác phẩm, Ý tưởng, Việc làm với gần 50 giải được trao. Bước sang mùa giải thứ 15, cũng là đánh dấu một thập kỷ rưỡi tìm kiếm không ngừng nghỉ những tấm lòng "vì tình yêu Hà Nội", BTC sẽ tổ chức triển lãm và trao giải cuộc thi ảnh "Hà Nội mát xanh" trong khuôn khổ của Lễ trao giải.

Những bức ảnh xuất sắc nhất về vẻ đẹp của bầu trời, mặt nước, cây xanh Hà Nội, mang theo “tình yêu Hà Nội” sẽ được giới thiệu đến với công chúng và được trao cho các phần thưởng xứng đáng.

Chú thích ảnh
Logo Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội

DANH SÁCH ĐỀ CỬ
GIẢI BÙI XUÂN PHÁI – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI LẦN 15 – 2022
(Xếp theo thứ tự A, B, C tên tác phẩm, ý tưởng, việc làm)

 I. ĐỀ CỬ GIẢI THƯỞNG LỚN – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI: Có 01 đề cử, sẽ công bố tại lễ trao giải.

II. ĐỀ CỬ GIẢI TÁC PHẨM – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI: có 3 đề cử.

1. Tập sách ảnh “Hanoi Hanoi” bằng 3 thứ tiếng Việt - Anh - Italy của hai tác giả Minh Phạm (người Mỹ gốc Việt) và Paola Boncompagni (Italia):

Cuốn sách được NXB Thế giới phát hành, là tập hợp những góc nhìn độc đáo về Hà Nội được Minh Phạm chụp bằng iPhone năm 2016 và được Paola Boncompagni - nhà báo, nhà sản xuất phim tài liệu người Italy - chọn ảnh dịch và chú thích bằng tiếng Italy.

Chú thích ảnh
Tập sách ảnh “Hanoi Hanoi” bằng 3 thứ tiếng Việt - Anh - Italy

Sách ra đời trên ý niệm về một Hà Nội mới còn nhiều điều khám phá và một Hà Nội cũ, nơi ẩn chứa những hoài niệm về của bố mẹ tác giả. Phần lớn các bức ảnh miêu tả cuộc sống thường nhật của người dân diễn ra hằng ngày trên các con phố Hà Nội.

Dù là vất vả mưu sinh hay nghỉ ngơi vui chơi, giải trí…, tất cả được thể hiện qua các bức ảnh đen trắng chân thực với những lời tựa dí dỏm, hài hước nhưng sâu sắc. Như lời tác giả, anh chọn thể loại ảnh đen trắng với hi vọng “tạo ra một sự thật, một cảm giác, rung động gần gũi để mọi người có thể tưởng tượng ra nhiều thứ”.

Đặc biệt, toàn bộ số tiền thu được từ việc bán sách sẽ được tác giả và các cơ sở trưng bày chuyển trực tiếp cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxinViệt Nam.

2.  Cuốn “Người Hà Nội: Chuyện ăn chuyện uống một thời” của Vũ Thế Long:

Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời (NXB Hội Nhà Văn - Chibooks phát hành) của TS khảo cổ học Vũ Thế Long không chỉ là những câu chuyện đời thường về chuyện ăn uống được viết từ trải nghiệm của chính tác giả. Đó còn là dòng hồi tưởng “tương tư về Hà Nội” của một thời đã qua. Từ chuyện ăn uống sang chuyện ứng xử, tác giả dẫn dắt người đọc khám phá “chiều sâu” của ẩm thực Hà Nội bằng lăng kính rất “đời” của một người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong thế kỷ 20 đầy biến động.

Chú thích ảnh
“Người Hà Nội: Chuyện ăn chuyện uống một thời”

Như lời tác giả, ông muốn chia sẻ những tình cảm; muốn nghĩ về Hà Nội, nghĩ về cuộc sống, nghĩ về cuộc đời bằng tất cả cái tâm, cái tình; muốn ghi lại những giai đoạn đã từng sống, từng là kỉ niệm: “Cái ăn, cái uống chỉ là phản xạ để nhớ lại những câu chuyện đã trải qua và ngẫm ngợi. Tôi luôn nghĩ, nếu chúng ta cùng biết chia sẻ nỗi đau của người khác, hay niềm vui của người khác thì cuộc đời có ý nghĩa hơn. Tôi muốn gửi đến độc giả những tâm tư của mình về cuộc sống của chính mình, của thời đại mình và cách nhìn của tôi với những sự việc đã trải qua”.

3. Cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” (NXB Thế giới) của Nguyễn Thị Thu Hòa:

Cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” do Nhà xuất bản Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội ấn hành là kết quả của dự án Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng do nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội chủ trì.

Chú thích ảnh
Tranh dân gian Kim Hoàng

Hình thành từ nửa sau thế kỷ 18, Kim Hoàng là dòng tranh rất nổi tiếng của làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội ngày nay, mỗi dịp Xuân về, tuy nhiên gần như biến mất kể từ lần xuất hiện cuối cùng năm 1947. Và dự án khôi phục dòng tranh này được được triển khai từ năm 2016 với sự tham gia của nhiều nghệ nhân, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm tranh dân gian Việt Nam cùng các họa sỹ, nhiếp ảnh gia.

Cuốn sách là cái nhìn tổng thể về nguồn gốc dòng tranh dân gian Kim Hoàng, cách in tranh truyền thống, những khó khăn khi bảo tồn và hướng phát triển trong đời sống hiện đại… với hi vọng khơi dậy cảm hứng và ý thức của cộng đồng, khi dòng tranh này đã có những bước trở lại đầu tiên trong thế kỷ 21.

III. ĐỀ CỬ GIẢI VIỆC LÀM – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI   

1.  Dự án "Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài" được triển khai tại quận Hoàn Kiếm từ tháng 4. Đây là căn biệt thự có diện tích gần 1000 m2, nằm tại vị trí góc ngã tư Hàng Bài - Trần Hưng Đạo, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX và có nhiều giá trị về kiến trúc.   

Nằm trong Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2022 - 2025 giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France (Cộng hòa Pháp), dự án sẽ tiến hành sẽ trùng tu theo đúng các nguyên tắc và phương pháp đang được áp dụng tại Pháp để làm dự án trùng tu kiểu mẫu cho các dự án tương tự đối với các công trình thời Pháp khác trên địa bàn Hà Nội.

Chú thích ảnh
Biệt thự tại số 49 phố Trần Hưng Đạo - 46 phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong dự án "Hồi sinh một di sản kiến trúc Pháp". Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Sau khi hoàn thành, căn biệt thự sẽ được đưa vào khai thác, với chức năng là trung tâm giao lưu văn hóa Pháp của Hà Nội, nơi những người yêu di sản có thể tìm hiểu về quá trình hình thành khu phố Pháp ở Hà Nội, những ảnh hưởng, giao thoa văn hóa giữa hai nước Pháp - Việt trong suốt giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, hay nguyên tắc cơ bản trong trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị công trình kiến trúc Pháp cổ.

Đáng nói, đây là một trong số nhiều nỗ lực để bảo tồn di sản biệt thự cũ của thành phố Hà Nội. Điển hình, vào tháng 4, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định về "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025", trong đó quy định tất cả các nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý đều không được tự ý phá dỡ. Cũng trong tháng 4, thành phố đã công bố thông tin về việc tạm dừng triển khai bán các biệt thự cũ (nằm trong tổng số 600 biệt thự cũ được triển khai bán từ năm 2009) để rà soát tổng thể.   

2. "Bốn mươi năm xây dựng, giữ gìn, phát triển Hội thơ làng Chùa" (tức làng Hoàng Dương, thuộc xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội).

Theo hồi ức của các vị bô lão, thì tao đàn thơ làng Chùa đã có trên 100 năm. Đến năm 1954, thì cụ Hàn Thịnh đã là người có công lớn trong việc lập lại tao đàn thơ làng Chùa. Sau một thời gian gián đoạn do điều kiện lịch sử, ngày 20/8/1982, Hội thơ làng Chùa đã tái lập với 40 hội viên, và đến nay nhiều nhà thơ nổi tiếng đã trở thành những công dân, hội viên danh dự Hội thơ làng Chùa.

Hội thơ làng Chùa đã tổ chức 2 cuộc thi thơ toàn quốc với tên gọi Thơ ca & Nguồn cội để kêu gọi các nhà thơ và người yêu thơ viết về nguồn cội của mình. Có hàng ngàn người tham gia trong đó có những nhà thơ tên tuổi. Nhiều nhà thơ nước ngoài đã đến thăm làng Chùa và viết về làng Chùa. Làng cũng đã tổ chức 5 cuộc thi thơ cho thiếu nhi viết về ông bà cha mẹ, thầy cô giáo và làng quê.

Chú thích ảnh
Khách thơ và người làng Chùa cùng lưu niệm trong dịp lễ 30 năm Hội thơ làng Chùa năm 2012. Ảnh tư liệu

Khác với nhiều câu lạc bộ thơ, hội thơ vốn mọc lên nhan nhản ở khắp nước, Hội thơ làng Chùa không chỉ độc đáo vì có truyền thống lâu đời như kể trên, cũng không chỉ vì đã tổ chức được các cuộc thi thơ hay in ra được một số cuốn thơ chất lượng… Sự khác biệt làm nên giá trị của hội thơ làng chùa ở chỗ, nó là tiếng lòng của những người dân chân chất, yêu cái đẹp và đạo lý hát về chính quê hương của mình.

“Có thể thơ của họ còn vụng về, nôm na, bởi vì họ không phải là những nhà thơ chuyên nghiệp. Họ là những người nông dân chỉ giản dị và thủy chung một điều: thơ ca là một phần đời sống tinh thần của họ….

Trong những câu chuyện của mình người làng Chùa đã kêu gọi những người làm thơ hãy viết về những nơi sinh ra và lớn lên. Với một chủ đề duy nhất là hãy nhớ về làng Chùa, nhớ về nguồn cội, nơi sinh ra và lớn lên, nơi chúng ta ân hưởng, nơi được dạy dỗ, chở che, nơi được dắt đi những bước đầu đời” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng là một người dân làng Chùa – bộc bạch.

"Thuộc một bài thơ hay thì quên đi một câu chửi độc"; "Thơ không làm ra lúa vàng gạo trắng, nhưng thơ làm ra giấc mơ cho người gieo trồng"; "Mất nửa đời học làm thơ, mất cả đời học làm người"; "Một chữ có ân thì nở hoa, vạn chữ chỉ có oán thì sinh sâu bọ..."

Đó là những câu thơ của người làng Chùa. Không chỉ làm thơ, người làng Chùa còn có nhiều phương thức “thực hành thơ” để đưa thơ vào trong đời sống, trong đó có việc tổ chức hội thơ như một lễ hội dân gian đáo và tao nhã, thu hút rất nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước tham gia. Ngày 20/8/2022 vừa qua, làng Chùa đã kỷ niệm 40 năm hội thơ của mình. Chính vì yêu thơ và yêu ngôi làng của mình, những người làm thơ ở mảnh đất bên sông đáy, vốn thuộc Hà Tây cũ, đã làm phong phú thêm cho diện mạo văn hóa tinh thần của Hà Nội hôm nay, cả ở khía cạnh truyền thống và hiện đại.   

3. Việc "Trùng tu, tôn tạo, bảo tồn Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia trụ sở Tòa án Nhân dân tối cao"   

Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) phố Lý Thường Kiệt bắt đầu có thiết kế sơ bộ từ năm 1900, được xây dựng từ 1906-1911, không có hàng rào bảo vệ, chỉ có cây xanh và tuyến đường đi bao quanh công trình. Năm 2019, Bộ VHTTDL trao đã bằng xếp hạng Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật cấp quốc gia cho trụ sở TANDTC tại số 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.   

Theo báo Công lý, Dự án trùng tu, tôn tạo trụ sở TANDTC số 48-48A Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội (giai đoạn 2) đã được TANDTC điều chỉnh dự án đầu tư tại Quyết định số 44/QĐ-TANDTC-KHTC ngày 16/3/2021. Trong đó, mục tiêu đầu tư xây dựng của dự án là: “giải phóng mặt bằng khu 48-48A Lý Thường Kiệt.

Chú thích ảnh
Trụ sở TANDTC số 48 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội

Trùng tu, tôn tạo, bảo tồn trụ sở TANDTC tại 48 Lý Thường Kiệt, phát huy những giá trị nổi bật của công trình Pháp cổ, đảm bảo điều kiện vật chất cho hoạt động của TANDTC. Tạo không gian tổng thể có tính thống nhất giữa thành phần trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và xây mới cảnh quan, sân vườn nâng cao hiệu quả sử dụng trụ sở, bảo tồn kiến trúc lịch sử, đáp ứng tinh thần cải cách tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Đây là dự án đầu tư công, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng…   

Để hoàn thành dự án này, hàng chục hộ dân tại địa điểm 48 - 48A Lý Thường Kiệt đã được di dời để giải tỏa mặt bằng. Đây là một điều rất đáng chú ý trong công tác bảo tồn, phát huy di sản tại những “khu đất vàng” trên địa bàn Hà Nội.

IV. ĐỀ CỬ GIẢI Ý TƯỞNG   

1. Đề xuất dỡ bỏ hàng rào Công viên Thống Nhất, tạo không gian “mở” kết nối với xung quanh

Đây là nội dung nằm trong Kế hoạch nâng cấp và xây mới  các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 của UBND TP Hà Nội.

Cụ thể, cùng với việc hoàn thành xây mới 6 công viên, cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa,… Hà Nội còn xem xét biến công viên Thống Nhất thành công viên mở thay vì quây hàng rào để thu phí vào cửa như hiện nay.

Chú thích ảnh
Công viên Thống Nhất. Ảnh: TTXVN

Theo ý tưởng này, cùng với việc dỡ bỏ hàng rào bao quanh, công viên Thống Nhất còn được "mở" cả về cơ chế quản lý và nâng cấp, qua đó để hình thành không gian đi bộ dọc phố Trần Nhân Tông, nâng tầm giá trị không gian cảnh quan khu vực trung tâm Hà Nội.

Công viên Thống Nhất có diện tích hơn 50 ha giữa lòng Hà Nội và lịch sử tồn tại trên 50 năm. Ý tưởng này không chỉ tạo ra một sự liên thông rộng rãi về không gian đô thị trong khu vực, đánh dấu một tư duy mới trong quy hoạch không gian công cộng, mà còn tạo sự công bằng và nhân văn trong tiếp cận với các tiện ích công cộng của các tầng lớp nhân dân.   

2. Dự án thí điểm 200 điểm cho thuê xe đạp công cộng và nghiên cứu xây dựng làn đường riêng cho xe đạp

Theo ý tưởng này, vào quý IV/2022 tới đây, người dân Hà Nội sẽ được trải nghiệm dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng với 2000 xe tại 200 điểm trạm thí điểm cho thuê xe, trải khắp 7 quận Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy. Đây là dự án thí điểm sử dụng 100% vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách.

Dự án kỳ vọng sẽ góp phần từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện thay vì hình thức đi bộ như truyền thống hiện nay.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngoài ra, theo thông tin từ sở Giao thông vận tải Hà Nội,  trong kế hoạch chống ùn tắc 2022 - 2025, thành phố sẽ nghiên cứu việc tổ chức làn đường dành riêng cho xe đạp. Việc nghiên cứu gắn với chỉ đạo chung của Chính phủ đối với 5 thành phố trực thuộc trung ương (trong đó có Hà Nội) về vấn đề này.

Dù sẽ có nhiều khó khăn khi triển khai, nhưng việc tổ chức làn đường riêng cho xe đạp đã được dư luận chờ đợi từ lâu, với hi vọng mang tới những hiệu ứng tích cực về giao thông và môi trường.   

3. Nghiên cứu "biến" bãi bồi, bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của Hà Nội.

Đây là ý tưởng đang được UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nghiên cứu. Theo đó,  bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng sẽ được cải tạo thành công viên văn hóa du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, đồng thời tạo điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách

Cụ thể, khu vực bãi giữa sẽ tổ chức các khu chức năng không gian cảnh quan nông nghiệp du lịch, khu chức năng không gian sáng tạo, sân chơi, thảm cỏ xen kẽ với các cây lâu năm hiện có; khu chức năng không gian vui chơi, tập thể thao (như sân trượt cỏ) cơ bản theo địa hình tự nhiên; khu chức năng câu cá, bơi lặn, tham quan mặt nước sông Hồng…

Chú thích ảnh
Người dân phấn khởi khi không gian công cộng đa chức năng được cải tạo từ bãi rác ven sông Hồng được đưa vào sử dụng, ngày 21/1/2022. Ảnh minh họa: Đinh Thuận/TTXVN

Khu vực bãi bồi ven sông sẽ tổ chức các khu chức năng không gian công viên cây xanh (cơ bản giữ lại các cây lớn hiện có), khu chức năng trồng cây cảnh, cây hoa theo mùa kết hợp phục vụ khách du lịch, kết hợp tổ chức khu dịch vụ, không  gian nghệ thuật cộng đồng, không gian sáng tạo…

Trước đó, vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, một đoạn bờ sông Hồng tại phường Phúc Tân đã được “xanh hóa” theo một dự án do Mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” cùng các cấp chính quyền, một số tổ chức xã hội và người dân chung tay thực hiện. Tại đây, khoảng 1500m2 đã được cải tạo thành không gian công cộng đa chức năng bao gồm vườn rừng, sân chơi, không gian thư giãn (dự kiến kéo dài đến tận Con đường nghệ thuật Phúc Tân và suốt 3,8km thuộc quận Hoàn Kiếm). Đây có thể coi như những bước đầu tiên để thực hiện ý tưởng quy hoạch bãi giữa và bãi bồi sông Hồng.

Ban tổ chức

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›