(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 14/2, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện Hỏa tốc số 200/CĐ-TTg về việc tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người: các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Bí thư Trung ương Đảng; Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; Văn phòng Tổng Bí thư; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội,; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; Đài truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam.
Nội dung Công điện như sau:
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WTO), trong năm 2013 tại Trung Quốc, Hong Kong và vùng lãnh thổ Đài Loan đã có 147 người mắc cúm A/H7N9, trong đó có 47 ca tử vong. Từ đầu năm 2014 đến nay tại Trung Quốc đã ghi nhận 190 trường hợp mắc mới, trong đó có 19 ca tử vong. Tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc giáp với biên giới Việt Nam đã có 2 người nhiễm vi rút cúm A/H7N9. Trung Quốc đã phát hiện có vi rút cúm A/H7N9 lưu hành tại một số chợ buôn bán gia cầm sống. Đặc biệt nguy hiểm là vi rút cúm A/H7N9 không gây bệnh lâm sàng trên gia cầm và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh nên việc phát hiện, giám sát và ứng phó với chủng vi rút này rất khó. Tổ chức Thú y thế giới (OIE) vừa cảnh báo, tại tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) và vùng lãnh thổ Đài Loan đã xuất hiện vi rút cúm độc lực cao H5N2 gây ổ dịch lâm sàng và chết nhiều gia cầm.
Phun thuốc phòng dịch cúm gia cầm. Ảnh: Thanh Long - TTXVN
Tại Việt Nam, dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm cũng đã xuất hiện nhỏ lẻ ở một số địa phương, có 2 trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 trong tháng 1 năm 2014 tại Bình Phước, Đồng Tháp.
Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) khuyến cáo nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào Việt Nam từ các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc là rất cao.
Để chủ động ngăn chặn vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác, hạn chế thấp nhất vi rút cúm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện công tác phòng chống dịch cúm gia cầm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 133/CĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2014 và tập trung chỉ đạo các biện pháp cụ thể sau:
1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm ban hành, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người”; thành lập lập ngay các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương nhất là các địa bàn có nguy cơ cao ở khu vực phía Bắc.
2. Bộ Y tế triển khai quyết liệt, kiểm tra sát sao việc thực hiện “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam” và các biện pháp phòng chống các chủng vi rút cúm khác.
3. Các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan tập trung triển khai thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác vào Việt Nam.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp và các Sở, ngành liên quan:
Khẩn trương có “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người” trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả.
Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; thành lập ngay các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án 2088 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống cúm gia cầm lây qua biên giới; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác.
Chỉ đạo đôn đốc, tuyên truyền cho người chăn nuôi, buôn bán gia cầm thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc, khuyến khích áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và phát tán vi rút.
Tăng cường lấy mẫu giám sát trên gia cầm và môi trường nhằm phát hiện vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút khác trên gia cầm nhập lậu, tại các chợ buôn bán gia cầm sống nhằm phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời.
Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; nghiêm cấm việc buôn bán vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa được xử lý chín bằng nhiệt từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Khi phát hiện có vi rút cúm A/H7N9 xuất hiện trên gia cầm hoặc trong môi trường phải báo cáo ngay cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế, đồng thời tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý triệt để, kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan thú y, không để vi rút phát tán ra diện rộng.
5. Các cơ quan thông tin đại chúng cần thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình dịch cúm gia cầm và các biện pháp phòng chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm Công điện này.
Tags