(Thethaovanhoa.vn) - Từ khẩu hiệu “Có thể bạn không cao nhưng người khác cũng phải ngước nhìn” đến ý tưởng chọn Công Phượng làm gương mặt quảng cáo Bia Sài Gòn Special, câu chuyện đã trở thành mối quan tâm lớn của giới truyền thông những ngày giáp Tết nguyên đán Ất Mùi vừa qua.
Thể thao & Văn hoá Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) về câu chuyện này, cũng như về vấn đề thương hiệu của bóng đá Việt Nam.
CÔNG PHƯỢNG & HỢP ĐỒNG QUẢNG CÁO GÂY TRANH CÃI
* Thưa ông, tại sao Bia Sài Gòn lại quyết định chọn Công Phượng làm gương mặt quảng cáo cho sản phẩm của mình?
- Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng Bia Sài Gòn chỉ sử dụng hình ảnh Công Phượng để quảng cáo cho một sản phẩm, đó là bia chai Sài Gòn Special, vẫn được gọi theo cách dân dã là "Sài Gòn lùn". Trước đây, Bia Sài Gòn đã sử dụng slogan (khẩu hiệu) "Có thể bạn không cao nhưng người khác cũng phải ngước nhìn" để quảng bá cho sản phẩm này rất thành công. Cho đến giờ, slogan đó đã trở thành một câu nói cửa miệng của rất nhiều người.
Về mặt ngoại hình, Công Phượng rất phù hợp với đặc điểm hình dáng của sản phẩm Sài Gòn Special. Nhưng chỉ ngoại hình thôi thì chưa đủ. Công Phượng hội tụ nhiều tố chất để trở thành một ngôi sao, và hình ảnh Công Phượng một mình vượt qua vòng vây của 6 cầu thủ U19 Australia để ghi bàn mang về chiến thắng cho U19 Việt Nam trên sân Mỹ Đình, Hà Nội vào tháng 9/2014 là một khoảnh khắc thăng hoa tuyệt vời.
Công Phượng làm sống lại tình yêu của người hâm mộ với chiếc áo số 10
Việc chọn Công Phượng quảng cáo cho sản phẩm Sài Gòn Special là sự tiếp nối của slogan "Có thể không cao nhưng người khác cũng phải ngước nhìn" nói trên.
* Nhưng việc sử dụng một cầu thủ trẻ như Công Phượng để quảng cáo sản phẩm bia là quyết định mạo hiểm đấy chứ?
- Công Phượng còn rất trẻ, sau này có thể thành công hoặc không, nhưng khoảnh khắc đi bóng và ghi bàn đó gần như là vĩnh cữu. Về sau, nhắc đến Công Phượng người ta sẽ không thể quên được hình ảnh đó, như những khoảnh khắc thăng hoa của Nguyễn Hồng Sơn, Lê Huỳnh Đức, Phạm Văn Quyến... trong màu áo đội tuyển quốc gia Việt Nam trước đây.
Quan trọng hơn, hình ảnh Công Phượng trong trận đấu với U19 Australia đó còn tạo ra một thứ cảm xúc khó tả, góp phần kích thích, làm sống lại tình yêu bóng đá trong lòng người hâm mộ Việt Nam.
Nếu quan sát một cách tỉ mỉ, bạn sẽ thấy chúng tôi mượn Công Phượng thể hiện sự lịch lãm, khiêm tốn, rất hiền lành (trước bạn gái) trong clip để biểu trưng cho sản phẩm Bia Sài Gòn Special vốn đang được người tiêu dùng ưa chuộng.
Khi dư luận có những phản ứng trái chiều về chuyện Công Phượng quảng cáo bia, đó là điều chúng tôi không hề muốn, nhưng dưới góc độ marketing, câu chuyện đó cũng có những yếu tố tích cực, mang lại hiệu quả quảng bá nhất định.
* Vậy làm sao ông có thể thuyết phục được bầu Đức để Công Phượng tham gia thực hiện quảng cáo đó?
- Tôi đã gọi điện và trực tiếp gặp anh Đoàn Nguyên Đức để trao đổi. Ban đầu, anh Đức không đồng ý, vì không muốn Công Phượng hay các cầu thủ trẻ khác của Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG sớm dính líu đến các hoạt động ngoài bóng đá, đặc biệt là các hoạt động mang tính thương mại.
Tuy nhiên, khi tôi nói rằng việc lan toả hình ảnh của Công Phượng sẽ góp phần khơi lại tình yêu bóng đá trong lòng người hâm mộ Việt Nam, anh Đức đã gật đầu.
* Còn sự cố liên quan đến hình ảnh đội tuyển quốc gia trong clip và poster thì sao, thưa ông?
- Bia Sài Gòn đã thuê một đơn vị quảng cáo thực hiện clip và poster, đơn vị này đã chưa tìm hiểu kỹ về vấn đề thương quyền đội tuyển quốc gia. Nhưng khi vụ việc được báo chí đề cập, Bia Sài Gòn đã ngồi lại với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng như Công ty TNHH Dentsu, đơn vị đại diện cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nắm quyền khai thác thương mại thương hiệu đội tuyển quốc gia Việt Nam. Các bên đã đạt được thoả thuận để clip và poster tiếp tục được lưu hành.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Đăng Tuất hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO). Trước khi đến công tác tại SABECO, ông từng giảng dạy ở khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, 9 năm đảm nhiệm cương vị Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công nghiệp - Bộ Công thương. |
* Trong sự việc này, Bia Sài Gòn không biết, hay biết về vấn đề thương quyền nhưng vẫn cố tình sử dụng hình ảnh đội tuyển quốc gia, như một cách để khiến dư luận quan tâm hơn?
- Đó là một sai sót, còn bản thân Bia Sài Gòn hoàn toàn không nắm được vấn đề đó cho đến khi sự việc được dư luận nhắc đến và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lên tiếng.
TÌNH YÊU BÓNG ĐÁ CỦA NGƯỜI VIỆT ĐANG BỊ NÉN LẠI
* Trong khi Công Phượng và các cầu thủ trẻ của Hoàng Anh Gia Lai được quan tâm và chào đón khắp nơi, thì đội tuyển quốc gia và các câu lạc bộ lại bị khán giả thờ ơ. Dưới góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực marketing, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Đã đi nhiều nơi, xem bóng đá ở nhiều nước, tôi cho rằng người Việt Nam yêu bóng đá cuồng nhiệt có thể xếp vào hạng nhất, nhì thế giới. Ngay cả ở nước Đức, nơi đội tuyển quốc gia của họ vừa vô địch thế giới năm 2014, một ngày sau mỗi trận đấu đỉnh cao, câu chuyện xung quanh trái bóng tròn không còn được bàn tán mấy nữa.
Nhưng ở Việt Nam thì khác, sau mỗi trận đấu của đội tuyển quốc gia, hay mới đây là đội tuyển U19 quốc gia, chúng ta dễ dàng nhận thấy từ công sở cho đến quán cà phê hay trà đá vỉa hè, từ nhân viên văn phòng cho đến bác xe ôm, tất cả đều bình luận về bóng đá.
Tình yêu bóng đá của người Việt Nam là chuyện không còn phải bàn cãi, nhưng vấn đề ở đây là những người làm bóng đá Việt Nam dường như chưa khai thác tốt lợi thế đó.
Đội tuyển U19 Việt Nam từng tạo nên "cơn sốt bóng đá trong năm 2014
Tôi tin rằng tình yêu bóng đá của người Việt Nam không hề mất đi, mà hiện tại, xúc cảm đó chỉ đang bị dồn nén và đông cứng ở đâu đó trong tâm khảm. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng một trong số đó và rất quan trọng là vấn đề tên tuổi của các đội bóng, gắn liền với thương hiệu các nhà tài trợ.
Tôi không thấy nơi đâu mà các câu lạc bộ bóng đá lại đổi tên xoành xoạch như ở Việt Nam. Mỗi nhà tài trợ đến là đội bóng lại mang một cái tên mới. Thử hỏi, người Sài Gòn làm sao có thể yêu một đội bóng đến từ Ninh Bình mang cái tên xa lạ Xi-măng Xuân Thành? Trong khi đó, Barcelona thì vẫn luôn là Barcelona, Manchester United mãi là Manchester United, dù nhà tài trợ cho các đội bóng này có thay đổi theo thời gian.
Tôi cho rằng, việc đầu tiên mà các nhà quản lý bóng đá cần phải làm là đưa ra một quy định đặt tên thật chặt chẽ, ưu tiên cho bản sắc địa phương. Phải là một đội Sài Gòn của người Sài Gòn, đội Hà Nội của người Hà Nội, đội Long An của người Long An..., như thế khán giả các địa phương này mới cảm thấy có một phần của mình trong đội bóng ấy, mới dành tình yêu, sự quan tâm và đến sân cổ vũ thường xuyên.
Việc các nhà tài trợ đến với bóng đá là cần thiết, nhưng có nhiều cách để họ quảng bá tên tuổi, không nhất thiết phải gắn chặt thương hiệu vào cái tên đội bóng. Cái tên Gạch Đồng Tâm Long An thực sự không thể gợi dậy một cách hào hứng xúc cảm bóng đá trong lòng người hâm mộ Long An.
* Vậy làm thế nào để có thể "kích nổ" quả bom tình yêu đã bị nén lâu nay nơi người hâm mộ?
- Để làm được điều đó, người yêu bóng đá Việt Nam cần những cú hích tâm lý. Thành công của lứa cầu thủ U19 với nòng cốt đến từ Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG là một cú hích như vậy, nhưng chưa đủ mạnh. Bên cạnh các đội tuyển quốc gia thì bản thân từng câu lạc bộ cũng cần phải có những kế hoạch bài bản để kéo người hâm mộ trở lại sân cỏ.
Bóng đá là một thứ gì đó rất đặc biệt, thậm chí gần chạm đến mức độ tôn giáo. Hai yếu tố tạo nên sự gắn kết giữa cầu thủ, người hâm mộ và bóng đá, đó là xúc cảm và nghi thức. Nghi thức góp phần tăng xúc cảm, và ngược lại, xúc cảm đòi hỏi và khích lệ phát triển nghi thức.
Ở châu Âu, cổ động viên nhà đến sân rất sớm trước mỗi trận đấu, thực hiện rất nhiều nghi thức mà có cảm giác, nếu những nghi thức ấy chưa được thực hiện, trận đấu chưa thể bắt đầu. Đó có thể là màn vẫy cờ, vỗ tay theo nhịp, hát những bài hát truyền thống của câu lạc bộ, hô to tên từng cầu thủ, diễu hành, hoạt náo...
Mỗi đội bóng đều có hàng chục bài hát khác nhau, và được cổ động viên hát lên tuỳ từng hoàn cảnh: Khi chiến thắng có bài ca mừng chiến thắng, khi thất bại có bài hát động viên... Chính nhờ những điều đó mà cầu thủ trên sân có thêm động lực để thi đấu, và từ đó, cổ động viên có thêm niềm vui và tình yêu...
* Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn, nhưng bóng đá phong trào thì không?
- Có thể nói ngay rằng, không ở đâu người ta chơi bóng đá nhiều như ở Việt Nam. Từ các sân cỏ, sân đất, khoảnh sân bê tông, vỉa hè cho đến cả... đường phố, đâu đâu cũng có thể trở thành sân bóng. Đó là môi trường rất tốt cho bóng đá phát triển.
Trong những năm qua, Bia Sài Gòn đã tổ chức các giải bóng đá mini phong trào trên khắp cả nước. Chúng tôi mong muốn thông qua những giải đấu hạng phong trào như thế này để khơi dậy và hâm nóng tình yêu bóng đá trong người dân Việt Nam. Trong năm nay, giải bóng đá phong trào của Bia Sài Gòn sẽ tiếp tục diễn ra trên khắp cả nước.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Những ngày sát Tết nguyên đán Ất Mùi 2015, clip và poster Công Phượng quảng cáo một sản phẩm bia đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Clip và poster này nhanh chóng lan truyền trên các báo, trang thông tin điện tử cũng như mạng xã hội, với nhiều bình luận trái chiều. Không chỉ gây xôn xao khi một cầu thủ trẻ như Công Phượng tham gia quảng cáo bia mà clip và poster nói trên còn bị cho là đã vi phạm thương quyền đội tuyển quốc gia, vốn được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chuyển giao cho Công ty TNHH Dentsu Việt Nam khai thác, khi sử dụng những hình ảnh Công Phượng thi đấu trong màu áo đội tuyển U19 quốc gia. Ngày 11/2/2015, các bên có liên quan gồm Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Công ty TNHH Dentsu Việt Nam và Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn đã ngồi lại với nhau. Sau khi đạt được thoả thuận về mặt quyền lợi, các bên thống nhất hình ảnh trong clip và poster quảng cáo bia của Công Phượng sẽ vẫn giữ nguyên và tiếp tục được sử dụng. |
Đông Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags