(Thethaovanhoa.vn) - Đó là ý kiến của thầy Nguyễn An, đồng nghiệp của Trưởng ban Trọng tài Dương Văn Hiền, đang công tác tại TP.HCM.
“Mùa giải 2020 đã qua 11 vòng đấu và nhiều người quan sát bóng đá Việt Nam lâu năm cũng cảm nhận rõ sự khắc nghiệt của V-League, giải hạng Nhất tới thời điểm này. Sự cạnh tranh căng thẳng đã khiến nhiều người làm bóng đá như lãnh đạo các CLB, HLV, cầu thủ… không thể kiềm chế được mình. Một vấn đề nổi cộm năm nay là việc các CLB phản ứng gay gắt trọng tài.
Tận dụng thời gian nghỉ rảnh rỗi này, tôi nghĩ các trọng tài mà đứng đầu là Trưởng ban Trọng tài Dương Văn Hiền sẽ có thêm thời gian để đánh giá lại hiệu quả công việc của cấp dưới, vừa có phương hướng sửa chữa, hoàn thiện đội ngũ trọng tài, đáp ứng được đòi hỏi cao của bóng đá Việt Nam hiện tại.
Từ đầu mùa, tôi nghĩ công tác trọng tài đã không được quan tâm, đầu tư đúng mực. Chuyện các trọng tài không đủ vì nhiều người đến tuổi nghỉ, phải đôn lớp trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm lên thay thế, dẫn đến khả năng chịu áp lực kém, sai sót kéo dài mang tính hệ thống.
Để có một trọng tài đủ năng lực điều hành giải đấu cao nhất Việt Nam, đòi hỏi có khi phải chục năm. Đó là quá trình phát hiện, đưa trọng tài trẻ vào dạng đào tạo tiềm năng, rồi cho thử nghiệm ở giải hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất rồi mới có thể lên V-League.
Nhưng đã đến thời điểm này thì cũng đành chấp nhận những trọng tài hiện có. Vấn đề là làm sao hạn chế tối đa những sai sót mà con người có thể tạo ra.
Những khi rảnh rỗi như hiện tại hoặc thích hợp nhất là đầu mùa, Ban Trọng tài nên ghi hình lại các buổi học cho các trọng tài để phổ biến điều luật trước giải đấu, trong đó có nhiều luật mới. Trưởng ban Trọng tài Dương Văn Hiền không quá xa lạ với điều này vì bản thân ông cũng là một người đứng lớp, giảng dạy rất nhiều.
Với công nghệ hiện tại, chuyện phổ cập luật, quy tắc ứng xử cho các CLB, cầu thủ cũng như những CĐV bóng đá Việt Nam rất đơn giản. Chỉ cần một buổi ghi hình, diễn giải, phân tích các tình huống trên sân cỏ, điều luật mới mà FIFA khuyến cáo áp dụng, trong đó, đa phần diễn giải các luật diễn ra trong vòng cấm, nơi dễ diễn ra tranh cãi, sai sót nhất của các trọng tài cũng sẽ được phố biến rộng rãi cho dư luận biết và nắm.
Có thể Ban Trọng tài không có nghĩa vụ này và FIFA cũng chẳng yêu cầu nhưng với môi trường bóng đá đặc thù như Việt Nam, điều này cũng không có gì xấu. Bóng đá là môn thể thao số 1 ở Việt Nam nên tất cả mọi người cũng rất muốn hiểu cặn kẽ về luật lệ.
Từ đây, cũng là cơ sở để xử lý các trọng tài non nghề, không thuộc luật lệ. Đội ngũ trọng tài cũng có cơ sở để tự bảo vệ mình khi “sếp” đã đăng đàn rộng rãi dư luận, làm việc rạch ròi từ trước. Do đó, họ cũng không chịu áp lực chỉ trích thái quá nếu thực sự làm tốt nhiệm vụ.
Một thực tế là việc xử phạt các trọng tài sai sót bằng cách treo còi như lâu nay chỉ khiến trọng tài không phục, những người còn lại thì sợ trách nhiệm, chịu áp lực nặng nề hơn. Họ có cảm giác không được bảo vệ ở công việc làm dâu trăm họ này.
Cách xử lý phần ngọn như thế cũng không giúp trọng tài tốt hơn. Trong thời điểm V-League khắc nghiệt như năm nay, trọng tài có lẽ không lo chuyên môn của mình bằng việc nhìn thái độ phản ứng dữ dội của CLB.
Cuối cùng, khi V-League chưa thể áp dụng công nghệ VAR vì tiêu chuẩn khắt khe của FIFA, các trọng tài Việt Nam vẫn còn những ngày dài “sống trong sợ hãi”. Họ có vấn đề gì hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắn các CLB sẽ còn phản ứng dài dài vì bóng đá từ xưa đến nay là trò chơi đầy tranh cãi”.
Nguyễn An
Tags