Công ty Astrobotic Technology (Mỹ) thông báo đã mất liên lạc với tàu vũ trụ Peregrine sau khi con tàu này phải hủy bỏ sứ mệnh Mặt Trăng và quay trở về Trái Đất do gặp trục trặc ở động cơ đẩy.
Theo thông báo được cập nhật trên tài khoản X, công ty Astrobotic nêu rõ đã mất liên lạc với tàu Peregrine vào khoảng 21h GMT ngày 18/1, chứng tỏ tàu đã trở lại bầu khí quyển "có kiểm soát" trên vùng biển trống ở Nam Thái Bình Dương như đã dự kiến.
Công ty có trụ sở tại Pittsburgh sẽ chờ xác nhận độc lập của các cơ quan chính phủ. Thông tin cập nhật trước đó cho thấy tàu đã trở lại khí quyển ở tọa độ cách Fiji vài trăm km về phía Nam.
Ngày 8/1 vừa qua, tên lửa đẩy hoàn toàn mới Vulcan Centaur do United Launch Alliance chế tạo mang theo tàu Peregrine rời bệ phóng từ mũi Canaveral (bang Florida, Mỹ). Tuy nhiên, ngay sau khi tách khỏi tên lửa, Peregrine gặp sự cố về lực đẩy và bị thất thoát nhiên liệu, khiến tàu không thể hạ cánh trên Mặt Trăng. Công ty Astrobotic cho biết tàu Peregrine có thể quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất vào ngày 18/1 và có khả năng bốc cháy trong bầu khí quyển. Theo đánh giá của NASA, đây là giải pháp tốt nhất để kết thúc dự án Sứ mệnh 1 của Peregrine một cách an toàn và có trách nhiệm vì sẽ không để lại rác vũ trụ trong vùng không gian quanh Trái Đất.
Astrobotic Technology đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên có tàu đổ bộ đáp thành công xuống Mặt Trăng, qua đó cũng đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 50 năm Mỹ trở lại bề mặt Mặt Trăng.
Lần gần đây nhất Mỹ thực hiện sứ mệnh đáp xuống Mặt Trăng là vào tháng 12/1972, trong đó các phi hành gia Gene Cernan và Harrison Schmitt trong sứ mệnh tàu Apollo 17 trở thành người thứ 11 và 12 đi bộ trên Mặt Trăng.
Tags