Những khó khăn xung quanh việc tuyển người chăm sóc gấu trúc khổng lồ trong điều kiện nuôi nhốt đã trở thành tin nóng sau khi một khu du lịch tại Trung Quốc cho biết, mặc dù đã nhận được hàng trăm đơn ứng cử nhưng họ không tìm được ứng viên nào phù hợp.
Theo tờ "Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng", Khu du lịch núi trúc Nanshan ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã quy hoạch một khu vực rộng 1.000 m2 cho cơ sở nuôi gấu trúc với số lượng gấu trúc không được tiết lộ.
Một người quản lý tại khu du lịch cho biết, việc tuyển dụng lao động là một vấn đề "đau đầu" trong nhiều năm qua, và khu du lịch không thể tuyển đủ người chăm sóc gấu trúc do thiếu năng lực.
Theo người này, công việc chăm sóc gấu trúc phức tạp hơn hầu hết những gì mọi người thường nghĩ và mang tính chuyên môn hơn nhiều việc chỉ cho chúng ăn và chơi với chúng. Người này nói thêm rằng, công việc này có tiêu chuẩn cao về tính chuyên nghiệp, tính cách cá nhân và kỹ năng quan sát.
"Có nhiều yêu cầu chi tiết đối với người chăm sóc trong quá trình nuôi gấu trúc, chẳng hạn như cân phân của chúng, quan sát tâm trạng của gấu trúc và phân phát tre bằng cách rải xung quanh và để tre ở vị trí thẳng đứng", người quản lý giấu tên cho biết.
"Có lẽ do tiêu chuẩn quá cao nên chúng tôi thấy rất ít ứng viên đáp ứng được yêu cầu của chúng tôi. Cho đến nay, không ai trong số họ được tuyển dụng", ông nói.
Người quản lý cho biết, khu du lịch cần tìm những người chăm sóc gấu trúc có bằng cấp về chăn nuôi hoặc thú y, những người kiên nhẫn và có trách nhiệm.
"Họ phải yêu động vật, có kinh nghiệm nuôi động vật trong sở thú là một lợi thế", người quản lý cho biết.
Theo tờ "Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng", cộng đồng mạng Trung Quốc đang xôn xao về vấn đề tuyển dụng nhân viên chăm sóc gấu trúc của Khu du lịch núi trúc Nanshan, khi thông tin này được xem hơn 120 triệu lượt trên mạng xã hội Weibo.
Một cư dân mạng nói đùa: "Công việc khó khăn nhất thế giới với 'tiêu chuẩn quá cao không thể với tới' thực ra lại là công việc của một người chăm sóc gấu trúc."
"Tôi nghĩ sở thú nên coi trọng tình yêu và sự kiên nhẫn của một người chăm sóc gấu trúc hơn là bằng cấp học thuật của anh ta", một cư dân mạng khác bình luận.
Ma Tao - một người chăm sóc gấu trúc khổng lồ với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại Sở thú Bắc Kinh - cho biết, công việc của ông đòi hỏi cả sự táo bạo và tập trung.
"Động vật không biết nói. Chỉ thông qua sự quan sát cẩn thận của những người trông giữ chúng, chúng tôi mới có thể biết được những gì chúng muốn", ông Ma nói.
"Bạn tương tác với động vật để chúng làm quen với bạn và bạn đang làm quen với chúng. Từ phản ứng của gấu trúc, bạn có thể cảm nhận được trạng thái của chúng: sợ hãi, cảnh giác hay thoải mái. Bạn phải đọc ngôn ngữ của chúng", ông Ma nói tiếp.
Nhưng ông Ma cũng cho biết, vẫn có những rủi ro khi ở gần gấu trúc. Những bức ảnh "dễ thương" về một chú gấu trúc ôm chân một thủ môn lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây cho thấy một tình huống nguy hiểm tiềm ẩn vì hành vi này có thể khiến thủ môn bị thương.
"Nó có thể cắn bạn. Răng của nó nhỏ, nhưng thực sự rất đau khi bị gấu trúc cắn", ông Ma nói.
Theo Cục quản lý đồng cỏ và lâm nghiệp quốc gia Trung Quốc, 673 con gấu trúc hiện đang sống trong điều kiện nuôi nhốt trên khắp thế giới, hầu hết chúng ở Trung Quốc. Các chuyên gia ước tính rằng, số lượng gấu trúc khổng lồ sống trong tự nhiên vào khoảng 1.800 con.