Theo kết quả một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford (Anh), bệnh COVID-19 không gây ra chứng trầm cảm, lo lắng hay vấn đề tâm lý khác nhiều hơn so với những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng khác.
Các nhà khoa học Anh đã xem xét khoảng 17.000 bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện tại vùng England trong khoảng thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 7/2021, so sánh nhóm này với 32.000 bệnh nhân nhập viện vì một căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2020. Sau đó, các nhà khoa học so sánh các kết quả này với tỉ lệ chuẩn về rối loạn tâm lý của gần 8 triệu người dân.
Các nhà khoa học phát hiện thấy tỉ lệ rối loạn tâm lý ở những người nhập viện do mắc COVID-19 tương tự ở những người mắc các bệnh khác về đường hô hấp. Trong khi đó, những người mắc COVID-19 thể nặng bị chẩn đoán rối loạn tâm lý một năm sau khi khỏi bệnh, tăng gấp đôi so với bộ phận dân số nói chung.
Tuy nhiên, những người nhập viện do các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng khác như cúm, viêm phổi... có nguy cơ bị rối loạn tâm lý cao gấp 3,5 lần so với bộ phận dân số nói chung.
- Hầu hết các ca mắc Covid-19 tại Mỹ là không triệu chứng
- WHO tìm hiểu sự liên hệ giữa Covid-19 và bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em
- Tỷ lệ phụ nữ trầm cảm sau sinh gia tăng trong năm đầu bùng phát đại dịch COVID-19
Các bệnh nhân COVID-19 có thể xuất hiện các triệu chứng lo lắng sau khi khỏi bệnh cao hơn 3,3 lần so với bộ phận dân chúng nói chung, trong khi nguy cơ này ở những người mắc các bệnh lây nhiễm khác là 86%.
Theo các tác giả nghiên cứu, những người mắc COVID-19 thể nặng nên được điều trị trong dài hạn tương tự như phương pháp điều trị các bệnh nhân nhiễm virus gây bệnh đường hô hấp khác.
Các nhà khoa học của Đại học Oxford cũng phát hiện nguy cơ mắc rối loạn tâm thần trong dài hạn ở người mắc COVID-19 và người nhiễm các virus gây bệnh đường hô hấp nghiêm trọng khác sau khi khỏi bệnh là tương đương nhau.
Kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí y khoa JAMA Psychiatry.
Minh Châu/TTXVN
Tags