(Thethaovanhoa.vn) - “CQD! Tàu chìm!” với bản điện tín cầu cứu phát đi từ chiếc tàu Republic trước đây hơn một thế kỷ, nhân viên điện đài Jack Binns đã viết thêm một dòng lịch sử hàng hải: Chưa bao giờ trước đó có tàu thủy gặp nạn nào dùng điện đài để gọi cứu nạn. Jack Binns đã cứu mạng sống của các hành khách, trở thành người hùng - và suýt nữa cũng trở thành nạn nhân của chính sự kiện vang dội ấy.
Bến cảng hôm đó nhộn nhịp như mọi ngày, chỉ khác là đám người đi lại ở đó không có vẻ lam lũ như công nhân vận tải, mà ăn diện thướt tha. Đó là hành khách trước một kỳ nghỉ vui vẻ trên tàu viễn dương Republic còn neo ở bến số 48 của công ty White Star.
New York, ngày 22/1/1909
Các cầu thang sơn trắng kết hoa lụa được hạ xuống đón 742 hành khách: 250 lên boong hạng nhất, 211 nhận phòng hạng ba và 281 thủy thủ kiêm nhân viên phục vụ. Trong hàng ngũ nhân viên hôm đó có John Robinson Binns mà cuộc đời của ông ta bỗng chuyển đến một bước ngoặt không ngờ.
Con tàu khổng lồ kéo một hồi còi trầm đục báo hiệu khởi hành khi chàng trai người Anh 24 tuổi mà cả tàu quen gọi biệt danh là Jack đã yên vị từ lâu ở chỗ làm việc của mình, trong cabin điện đài chật chội như một chuồng cu sơn trắng. Công việc nhận và gửi điện tín ở đây thực ra cũng nhàn hạ và chán ngắt, tuy cũng rất quan trọng đối với tàu viễn dương, vốn chỉ được nối với thế giới trên đất liền bằng sóng điện từ mỏng manh.
Mấy tháng trước đó, kỹ sư Hans Bredow người Đức thuyết trình trước hội nghị các chủ tàu ở Hamburg về kỹ thuật điện đài cũng như ý nghĩa của nó trong ngành hàng hải. Bredow nhấn mạnh công năng hỗ trợ hoa tiêu trên biển lớn, nhưng cũng không quên nhắc đến bảo đảm an toàn. Tiếc là các khuyến cáo của ông vấp phải tính ù lì của các chủ tàu thủ cựu, chưa kể đến khía cạnh tài chính, vì kỹ thuật truyền tin không dây ngày đó còn đắt đỏ.
Sương mù: Hai tàu đâm nhau
Khi các chủ tàu ngạo mạn đưa ra những lý do kém thuyết phục, kỹ sư Bredow có vẻ mất hết kiên nhẫn: “Thưa quý vị, bất kể quý vị thích hay không thích thì sự phát triển của kỹ nghệ mới mẻ này sẽ vượt mặt tất cả, để rồi một ngày không xa sẽ không con tàu nào nhổ neo mà không có trên đó một trạm thu phát điện tín. Tương tự như hôm nay, ta không thể ra biển mà không có la bàn vậy”.
“Một ngày không xa” mà Bredow nói đến, ai ngờ nó lại quá gần. Và Jack Binns không hề hình dung mình sẽ là người đầu tiên được số phận trao nhiệm vụ chứng minh điều đó.
Trước khi hướng mũi về quần đảo Azores thuộc Bồ Đào Nha, tàu Republic phải đi qua vùng biển dày đặc tàu bè của New York. Cả đội thủy thủ căng óc khi làm việc, nhất là khi tàu đi trong đêm. Republic rời bến vào lúc mờ sáng, nhưng cũng không vì thế mà bớt vất vả, vì tầm nhìn trong ngày 23/1 ấy khá hạn chế.
Khoảng 50 hải lý về phía Tây Nam đảo Nantucket trước bờ biển của bang Massachusetts sương mù ngày càng dày đặc. Thuyền trưởng Inman Sealby ấn định chế độ đỏ, tức là mức báo động cho cả tàu. Người ta cẩn thận kéo còi đều đặn từng chặp một để các tàu gần đó nhận ra vị trí của mình, cho dù tàu không giảm vận tốc đáng kể. Những lo lắng của đội thủy thủ, nếu có, cũng không lan sang hành khách. Thế giới đang bước vào một thời kỳ hoàng kim của khoa học và kỹ thuật, con người bám chắc vào niềm tin đặt lên vai các công nghệ hiện đại.
Đúng 5h47, đột nhiên mọi người nghe ngay bên mạn phải một hồi còi báo sương mù rất gắt. Thuyền trưởng Sealby hạ lệnh lùi tắp lự. Quá muộn. Tàu hơi nước Florida của Italy lừng lững hiện ra trong làn khói mù mịt và đâm hầu như chính xác 90 độ vào giữa thân tàu Republic.
Nhấn nút định mệnh
Binns đang nằm trên giường, bị cú đâm ném xuống đất. Trần cabin nứt ra một đường toang hoác, tiếp đến là hai vách ngoài như bị một bàn tay khổng lồ vô hình giật tung ra. Buồng máy và ngăn nồi hơi chỉ mấy phút sau đã đầy nước, trong khi cả con tàu nghiêng đi hơn 30 độ. Trong khi tiếng la hét hoảng loạn dậy lên khắp tàu, điện đài viên Binns định thần khá nhanh trong bóng tối nhập nhoạng.
Vì máy phát điện bị hỏng, anh phải đi tìm hòm pin dự trữ để kiểm tra tình trạng của hệ thống truyền tin. Binns ngụp lặn trong kho lúc này đã ngập nước quá nửa, cho đến khi kiếm được thùng gỗ nặng sơn màu cam. Binns vội trở về chỗ mà ban nãy còn là một cabin ấm áp. Run bần bật vì lạnh, anh khởi động được nguồn điện dự phòng. Giờ là lúc bắt đầu khoảnh khắc tỏa sáng của người hùng bất đắc dĩ.
Binns đứng lom khom trước bàn phím và gõ vào phím đánh moóc: “CQD! CQD! Shipwrecked!”.
“CQ” đọc như “Seek you” hay “gửi đến tất cả” và “D”là “Distress” (gặp nguy). Vì tổ hợp chữ cái CQD khó đánh moócvà cũng không dễ giải mã, ngay từ 1906, nhân một đại hội về điện tín ở Berlin người ta đã thống nhất dùng “SOS” cho đơn giản. Nhưng ở thời điểm đó tín hiệu SOS vẫn chưa thông dụng. Thậm chí trước vụ Republic chưa từng có tàu nào phát đi tín hiệu xin cứu nguy cả. Vì chỉ các tàu thương mại lớn mới đủ tài lực để trang bị máy điện đài.
Tàu Florida sau cú đâm đã có thiệt hại đầu tiên: Ba thủy thủ đang ở phía đầu tàu bị kẹp nát giữa hai khối sắt. Ba hành khách ở tầng hạng nhất trên Republic cũng bỏ mạng. Nhờ sự bình tĩnh của Jack Binns mà thiệt hại về người chỉ dừng lại ở mức ấy.
Niềm tin ngây thơ vào kỹ thuật
Binn quấn ba lớp chăn quanh người khi đứng trước bàn phím. Chỉ cần bốn phút, anh bắt được sóng của trạm Siasconsett trên đất liền, tiếp đó là tín hiệu xác nhận đã nhận tin của một số tàu thủy ở gần. Họ thả ngay các thuyền cứu nạn để tìm đến với Republic. Tuy nhiên việc định vị trong sương mù dày đặc rất khó khăn. Thuyền trưởng Sealby vẫn bình tĩnh khi hạ lệnh phân phát chăn và đồ uống, đơn giản vì ông không thể tin rằng con tàu hiện đại của mình có thể chìm - một niềm tin ngây thơ như trên con tàu Titanic xấu xố mấy năm sau. Khi Republic đã lõng bõng trong nước, ông mới chuyển một lượng lớn hành khách sang Florida không bị hủy hoại nặng lắm.
Trong tình cảnh hoảng hốt, hai con tàu gặp nạn là nơi tập hợp một đám đông tuyệt vọng: gần 900 người Italy vừa bỏ quê hương sau trận động đất lịch sử ở Messina và nhiều quý tộc Mỹ. Họ chen lấn, giẫm đạp lên nhau, gào la và cầu nguyện 13 tiếng đồng hồ cho đến khi được cứu thoát. Đó chính là khoảng thời gian mà Jack Binns múa tay trên bàn phím như một nghệ sĩ dương cầm để liên lạc và liên tục chỉnh đường cho các thuyền cứu nạn, và rốt cuộc tàu Baltic của công ty hàng hải White Star cũng xuất hiện. Baltic có thể chứa hết các hành khách và đưa họ về New York. Duy chỉ nỗ lực buộc cáp vào Republic để kéo về vùng biển nông hơn là thất bại. Khoảng gần trưa ngày 24, sau 36 giờ vật vã, Republic biến mất trong nấm mồ nước lạnh như băng.
Người hùng bỏ nghề và gặp hên Sau sự cố của tàu Republic, Binns không có thì giờ tĩnh dưỡng, anh được lôi đi từ tiệc này sang dạ hội kia, từ thị trưởng New York đến London hay phim trường Vitagraph. Binns, con người khiêm nhường, cho biết là “chỉ làm đúng nghĩa vụ của mình” và thành công khi kiện không cho Viragraph đem phim tài liệu về mình ra rạp. 1912, thay vì nhận lời làm điện đài viên lương cao trên tàu Titanic lớn nhất thế giới ngày đó, Binns lấy vợ và làm phóng viên cho báo New York American. Anh làm được 2 ngày thì Titanic chịu chung số phận với Republic, với hậu quả bi thảm hơn nhiều: hơn 1.500 người chết. |
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa
Tags