Sáng 14/11, tại Hà Nội, Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học "Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn".
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Lê Hải Bình cho biết, ngày 28/6/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Đây là luật có ý nghĩa đặc biệt vì Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa và kinh tế quan trọng của cả nước. Luật Thủ đô năm 2024 đã xóa nhiều rào cản hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, đồng thời khơi thông pháp lý để Thủ đô Hà Nội phát triển một cách bền vững và hiện đại.
Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn thúc đẩy việc ban hành Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15); tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của Luật trong xây dựng và phát triển Thủ đô; nhận diện Luật Thủ đô trong bối cảnh mới, điều kiện mới, phân tích những cơ hội, thách thức đặt ra trong việc triển khai Luật; lộ trình, trách nhiệm, sự phối hợp của các cấp, các ngành và địa phương trong việc thi hành Luật đồng thời đề xuất một số giải pháp tổ chức thi hành Luật bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển Thủ đô trong tình hình hiện nay.
Gợi mở một số vấn đề tập trung thảo luận, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hải Bình đề nghị các đại biểu làm rõ sự cần thiết của việc triển khai Luật Thủ đô một cách kịp thời, qua đó tạo cơ hội để Thủ đô Hà Nội có những chính sách "mở đường", đột phá, vượt trội trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội; đề xuất xây dựng một hệ thống các văn bản, quy định, giải pháp để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, thống nhất tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, chính quyền và người dân trong việc thực hiện Luật; nêu các vướng mắc pháp lý có thể xảy ra, các "điểm nghẽn" cần được nhận thức, quán triệt và đồng lòng tháo gỡ… trong quá trình thực hiện Luật. Đồng thời, làm rõ những yêu cầu quản trị, phát triển đặt ra đối với Hà Nội - một Thủ đô có quy mô dân số lớn so với thủ đô của các nước thế giới, của một quốc gia có quy mô dân số rất lớn, có nền kinh tế đang trong quá trình phát triển nhanh.
Hội thảo cần đặt ra những vấn đề về phân cấp, ủy quyền (cách thức, lĩnh vực, cấp độ phân cấp, ủy quyền…) để bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Tham luận tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, xây dựng và hoàn thiện chính quyền Thủ đô không thể tách rời với các định hướng tổng thể xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Theo đó, mục tiêu tổng quát của việc xây dựng chính quyền Thủ đô là xây dựng nền hành chính Thủ đô thực sự dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, Luật Thủ đô năm 2024 đã xác định Thủ đô Hà Nội là "đô thị loại đặc biệt" là "trung tâm chính trị - hành chính quốc gia" và là "trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước". Một trong những nội dung cơ bản của Luật là quy định các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô.
Vì vậy, nâng cao năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa của HĐND và UBND các cấp, nhất là cấp thành phố đối với các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô phù hợp với từng cấp chính quyền là nhiệm vụ hàng đầu để thực hiện Luật.
Quan tâm đến vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn trong Luật Thủ đô năm 2024, Tiến sỹ Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, Hà Nội là địa phương đi tiên phong cả nước trong phát triển nông nghiệp, với 100% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và 40% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội cũng đứng trước nhiều thách thức khi quỹ đất nông nghiệp giảm nhanh, hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Việc xây dựng nông thôn mới còn dàn đều, không có điểm nhấn; thu nhập của người làm nông nghiệp còn thấp so với khu vực nội đô; ô nhiễm môi trường gây bức xúc dư luận.
Tiến sỹ Cao Đức Phát nhấn mạnh, để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển một số lĩnh vực trọng tâm liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, thành phố cần sớm có quyết sách về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số; có chủ trương, định hướng và cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp đô thị...