(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 15 đến sáng 17/11, Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn 4 Bộ trưởng (Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ); Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trả lời, làm rõ thêm các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm. Đặc biệt, sáng 17/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn trong 2 ngày 15 -16/11.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp, thu hút sự theo dõi của cử tri cả nước. Phóng viên TTXVN ghi nhận ý kiến cử tri tại một số địa phương.
Thủ tướng đã trả lời thẳng thắn
Tại Thừa Thiên - Huế, cử tri rất quan tâm, theo dõi phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội trong sáng 17/11. Cử tri Trần Đạo Thảo, cán bộ ngân hàng ở thành phố Huế nêu ý kiến: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời thẳng thắn những vấn đề được chất vấn tại hội trường cũng như những vấn đề cử tri quan tâm, nhất là vấn đề kiểm soát quyền lực, xây dựng Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo phát triển, vì dân, do dân. Cử tri ấn tượng với việc Thủ tướng sẽ cùng hệ thống chính trị xử lý quyết liệt tình trạng không có kỷ cương, nạn tiêu cực, tham nhũng, để củng cố niềm tin trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Đối với những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các nhóm vấn đề đã được chất vấn trong ngày 15 và 16/11, cử tri Nguyễn Quang Hiền - cựu giáo chức ở phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh, cho biết: Cử tri cơ bản đồng tình với trả lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên theo cử tri, việc xử lý tình trạng tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân chưa triệt để, mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp, văn bản chỉ đạo. Vấn đề phòng, chống tham nhũng còn rất phức tạp, công tác ngăn chặn, phát hiện và xử lý còn chậm.
Theo cử tri Hiền, vấn đề nợ xấu tại các ngân hàng tuy giảm nhưng giải quyết “cục” nợ xấu còn tồn tại như thế nào đang đòi hỏi Chính phủ có giải pháp ngăn chặn triệt để phát sinh nợ xấu, tránh làm ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước. Đối với các dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng gây bức xúc dư luận, ngoài việc “cắt lỗ” và bán khoán tránh gánh nặng cho nền kinh tế như Thủ tướng đưa ra được coi là một trong những giải pháp. Tuy nhiên, sau đó cũng cần xem xét, xử lý trách nhiệm cụ thể cá nhân để xảy ra tình trạng thua lỗ của đơn vị đó với tinh thần vi phạm đến đâu xử lý đến đó. Về vấn đề sử dụng tài sản công lãng phí, kém hiệu quả, Thủ tướng đã thẳng thắn nói, có tình trạng ấy nhưng chưa đưa ra giải pháp cụ thể trong công tác quản lý và sử dụng tài sản công hiệu quả, đúng mục đích.
Đối với các vấn đề gây ô nhiễm môi trường, công tác bổ nhiệm cán bộ, cử tri Nguyễn Quang Ngãi, cán bộ hưu trí ở tổ 3, phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh, cho biết: Thời gian qua, sau khi phát hiện một số doanh nghiệp xả thải trực tiếp, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, Chính phủ đã nhanh chóng vào cuộc và có hình thức xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp vi phạm. Cử tri mong muốn, thời gian tới Chính phủ có biện pháp cứng rắn hơn nữa đối với các doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường; đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan và cá nhân liên quan.
Cử tri Hoàng Tất Thắng, Trường Đại học Khoa học Huế đồng tình với ý kiến chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) về tình trạng dạy thêm, học thêm. Theo cử tri, không cấm việc dạy thêm, học thêm nhưng những "biến tướng" của tình trạng này như dạy không hết chương trình, nội dung bài kiểm tra ở lớp trùng với bài dạy thêm cần được chấn chỉnh kịp thời. Việc phụ đạo cho tất cả học sinh yếu, trung bình, khá và giỏi trong một lớp và cùng một thầy là không phù hợp.
Cũng tại Thừa Thiên - Huế, cử tri Võ Văn Hùng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Vang bày tỏ lo lắng trước tình trạng đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng. Vì vậy, theo cử tri cần chú trọng công tác giáo dục đạo đức trong hệ thống trườnghọc theo truyền thống "Tiên học lễ, hậu học văn". Riêng các trường cao đẳng, đại học nên có chương trình giáo dục về phòng chống tham nhũng và lãng phí.
Trả lời chất vấn với tinh thần trách nhiệm cao
Nhiều cử tri ở tỉnh Bình Dương bày tỏ đồng tình cao với phần trả lời chất vấn của Thủ tướng và 4 Bộ trưởng. Theo một số cử tri, trong các nhóm vấn đề mà 4 Bộ trưởng trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời với tinh thần trách nhiệm rất cao, nắm chắc lĩnh vực được giao. Theo cử tri Phan Thanh Bằng, Phó Giám đốc Trung tâm Lý luận chính trị, Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương: Nhân dân và cử tri cả nước đồng ý với các câu trả lời, giải trình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, phần nào yên tâm và tin tưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ từng bước giải quyết được các vấn đề bức xúc của ngành. Về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2017, cách trả lời của Bộ trưởng dù rất rõ ràng nhưng chưa làm các đại biểu yên tâm. Các vấn đề tồn đọng của ngành giáo dục và đào tạo được nhìn nhận một cách đúng mức. Hy vọng thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tháo gỡ, xử lý tốt các vấn đề đã được trao đổi tại nghị trường Quốc hội.
Còn theo cử tri Nguyễn Văn Khanh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Bình Minh Tải (ở khu phố Bình Đức 2, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương): Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trả lời nhiều chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Là một doanh nhân, cử tri quan tâm đến phương án xử lý 5 vụ ngàn tỷ đồng bị “đắp chiếu” và thua lỗ, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình trước Quốc hội đã thừa nhận các dự án trên trải qua thời gian rất dài với quá trình đầu tư của dự án đã được phê duyệt. Trong quá trình thực hiện có rất nhiều vướng mắc, các thay đổi về giá cả thị trường cũng như sự tính toán chủ quan về hiệu quả dự án. Hiện nay, các dự án này đã lạc hậu, gây khó khăn cho bài toán hiệu quả kinh tế. Với vai trò quản lý, Bộ Công thương đang tiếp tục đánh giá tính toán khả thi của từng dự án, tìm hiểu những vấn đề tồn tại, vướng mắc, dấu hiệu vi phạm để đưa ra giải pháp xử lý sao cho hiệu quả.
Về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, cử tri Huỳnh Tao, cán bộ hưu trí ở số 66, đường Bến Nghé, thành phố Huế cho rằng: Phần trả lời của Bộ trưởng mới chỉ đáp ứng một phần mong mỏi của cử tri bởi tình trạng bổ nhiệm cán bộ ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ và cụm từ bổ nhiệm cán bộ "đúng quy trình" đang gây bức xúc trong dư luận. Theo cử tri Huỳnh Tao, tình trạng nêu trên là không phổ biến, chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", cần được chấn chỉnh kịp thời. Cần quy định cụ thể, cán bộ trước khi nghỉ hưu bao lâu thì không được bổ nhiệm cán bộ thuộc quyền mình phụ trách, tránh tình trạng bổ nhiệm cán bộ ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ.
Đối với việc thi tuyển công chức, thi nâng ngạch, cần bảo đảm công khai, minh bạch, xác định môn và hình thức thi phù hợp nhằm mục đích đánh giá đúng thực chất trình độ, năng lực thực tiễn của cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu công vụ. Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra, giám sát chống tiêu cực và gian lận trong việc thi nâng ngạch; việc xác định vị trí việc làm phải phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Tags