(Thethaovanhoa.vn) – Đó là khẳng định của ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diên (NTVD) tại cuộc họp báo thường kỳ tại Bộ VH,TT&&DL chiều nay (12/4).
- Đang chờ hồ sơ hoàn thiện để cấp phép ca khúc 'Nối vòng tay lớn'
- 4 ca khúc Trịnh Công Sơn không được diễn ở Huế: Gia đình nói gì?
Chính vì thế, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ VH,TT&DL chiều nay, nhiều câu hỏi liên quan đã được các cơ quan báo chí “chất vấn” cơ quan quản lý.
Ông Đào Đăng Hoàn (bìa trái) - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn trả lời phỏng vấn
* Tạm dừng lưu hành 5 ca khúc chứ không cấm
Liên quan đến 5 ca khúc gồm sáng tác trước năm 1975 (gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương) bị tạm dừng lưu hành, ông Đào Đăng Hoàn khẳng định: “Ngày 22/3/2017 Cục NTBD có văn bản tạm dừng lưu hành vì liên quan đến vấn đề bản quyền, điều này đã được giải thích rõ trong văn bản tạm dừng lưu hành”.
Ca khúc "Con đường xưa em đi" đang tạm dừng lưu hành
Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL nhấn mạnh: “Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xử lý vụ việc xác định có vi phạm, xậm phạm quyền tác giả và quyền liên quan. Cục NTBD là nơi cấp phép 5 ca khúc này thì hoàn toàn có đủ thẩm quyền thu hồi nếu vi phạm pháp luật.
Nghị định 15 của Chính phủ cho phép Cục NTBD làm điều đó. Khi Cục NTBD ra quyết định tạm dừng 5 ca khúc, Cục có trách nhiệm trước nó nếu sau này có đơn thư, có kiện cáo của các chủ sở hữu...”.
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục NTBD chia sẻ thêm: “Trước đây, Cục NTBD đã ban hành quyết định cho phép phổ biến đối với 5 ca khúc đó. Khi quyết định thu hồi, chúng tôi cũng xử lý theo quy trình hành chính, tức là thu hồi lại quyết định đã ban hành trước đây để đảm bảo quyền lợi của tác giả và các đối tượng phục vụ. Đối với 5 tác phẩm này, sau khi thu thập được dữ liệu, cũng như có những tổ chức cá nhân cung cấp, sưu tầm, thì chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét quyết định để cho phép hay không cho phép phổ biến”.
Ông Lê Minh Tuấn cũng nhấn mạnh, 5 ca khúc đó chỉ "tạm dừng lưu hành" chứ không phải “cấm”. Việc Cục NTBD ban hành quyết định lưu hành và tạm dừng lưu hành theo quy định của pháp luật chuyên ngành là nghị định 79 và 15 của Chính phủ.Việc này không liên quan đến sở hữu trí tuệ vì “Khi phát hiện ra hành vi phạm hành chính, thông thường cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm ngăn chặn” – ông Tuấn nói.
* "Đưa ra "danh sách cấm" là điều không tưởng!"
Xung quanh ý kiến của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc về cơ chế “xin – cho” và việc “ngành văn hóa phải có trách nhiệm kiểm kê lại các di sản đó và đưa ra hệ thống tiêu chí đánh giá công khai xem có nên cấm hay không…”, đại diện Cục NTBD cho rằng đó là điều “không tưởng vì chúng ta không thể đi tự nghĩ mình mất cái gì mà mình không biết mình mất cái gì, làm sao tôi biết được có những bài nào để mà cấm” – ông Đào Đăng Hoàn nói - “Làm sao chúng tôi thu thập được tất cả bài hát của Việt Nam, những bài sáng tác nước ngoài để lên danh sách. Tất cả phải thông qua xin phép, chúng tôi thẩm định thấy không được mới cấm chứ bây giờ tạo ra danh sách này là điều không tưởng”.
“Sau năm 1975, chủ chương của Đảng và Nhà nước ta là quét sạch những sản phẩm văn hóa đồi trụy, sau này đổi tên là "ngoài luồng" vì trong tất cả các tác phẩm đó có những tác phẩm ca ngợi quê hương cảnh sắc Việt Nam. Chính vì lẽ đó, từ năm 1989 đến nay, Bộ Văn hóa lần lượt cấp phép các chương trình cụ thể, trong đó có trên 2.000 bài sáng tác trước năm 1975 và của các tác giả nước ngoài đã được cấp phép để các nơi khi truy cập vào trang web biết được.
Còn rất nhiều bài hát chưa được cấp phép vì không thông qua các chương trình biểu diễn, chưa có đơn vị nào xin phép trong danh mục như với ca khúc Nối vòng tay lớn. Trước đây chưa có đơn vị nào xin phép, do đó chúng tôi chưa làm việc “tự cấp phép”" - ông Hoàn giải thích.
* "Xin - cho không có nghĩa là tiêu cực"
"Chúng tôi không đồng ý khi nói rằng cơ chế xin - cho có nghĩa là là tiêu cực. Chúng tôi thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong quá trình thẩm định ca khúc, việc cấp phép hay không cấp phép đều có văn bản trả lời.
Nếu bài hát nào có vấn đề chúng tôi có văn bản gửi đơn vị xin phép trả lời rất rõ. Chúng tôi thẩm định các tác phẩm bằng nội dung, các tác phẩm tốt đều được cấp phép bất kể đó là tác giả nào”- ông Hoàn chia sẻ thêm.
Cũng theo đại diện Cục NTBD, hiện nay danh mục các bài hát sáng tác trước năm 1975 được cấp phép phổ biến có sự "vênh nhau" giữa 2 trang web của Cục NTBD và của Bộ VH,TT&DL do trang web của Cục NTBD dung lượng nhỏ. Cục sẽ khắc phục ngay trong thời gian tới để đảm bảo trang 2 web thống nhất nội dung. Tuy nhiên, bây giờ nếu truy cập thông tin thì trang web bộ đây đủ và chính thống.
Hoài Ngọc
Tags