Đảm nhiệm cương vị lãnh đạo Cục Điện ảnh, TS Ngô Phương Lan cũng là một trong số ít nhà lý luận phê bình điện ảnh ở Việt Nam nên bản thân bà khá quan tâm tới vấn đề mà báo Thể thao&Văn hóa Cuối tuần đã nêu.
* Thưa bà, báo Thể thao&Văn hóa Cuối tuần vừa qua đặt ra vấn về: Các phim Việt đã và đang ra rạp thời gian này, như Mất xác, Scandal – Hào quang trở lại, Hiệp sĩ mù, Bước khẽ đến hạnh phúc, Lạc giới, Hương Ga… đều gắn mác 16+. Theo bà, đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay điện ảnh Việt ngày càng chuộng cảnh nóng và bạo lực, hay chỉ là một chiêu trò để câu khách?
- Đúng là nhiều phim VN được thẩm định và cấp giấy phép phổ biến gần đây đều kèm theo điều kiện “cấm trẻ em dưới 16 tuổi”. Tôi khẳng định là Hội đồng thẩm định phim đưa ra ý kiến này hoàn toàn căn cứ vào nội dung và cách thể hiện (hình ảnh, âm thanh lời thoại trong phim), không bao giờ có chuyện Hội đồng “gắn mác 16+” để giúp nhà sản xuất có chiêu trò câu khách.
Tuy nhiên, trong số những phim nêu trên có phim nếu được phân loại hợp lý hơn thì chỉ cấm trẻ em dưới 13 tuổi, nhưng hiện nay chưa có quy định phân loại phim theo nhiều độ tuổi mà chỉ có 2 loại: Cho phép phổ biến rộng rãi hoặc cho phép phổ biến với điều kiện cấm trẻ em dưới 16 tuổi nên một số phim phân loại 16+ là thỏa đáng, một số khác hơi bị nặng, nhưng nếu cho phép phổ biến rộng rãi thì không ổn.
Thực ra, cũng chưa đến mức bất thường khi nhiều phim bị phân loại, vì so sánh với Mỹ, theo thống kê của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA), năm 2009 chỉ có 19/793 phim được gắn mác G (phổ biến rộng rãi), năm 2010 là 22/706, 2011 là 33/758, 2012 là 16/726 và 2013 là 12/713. Số phim gắn mác R (phim có giới hạn- không dành cho trẻ em dưới 16 tuổi mà khòng có cha mẹ hoặc người giám hộ đi kèm) trên tổng số phim lần lượt: 2009 là 479/793, 2010 là 412/706, 2011 là 424/758, 2012 là 414/726 và 2013 là 394/713.
Hiện Cục Điện ảnh đang được Bộ VH,TT&DL giao chủ trì xây dựng thông tư hướng dẫn phân loại phim để áp dụng trong quá trình thẩm định và cấp phép phổ biến phim. Hy vọng khi Thông tư ra đời sẽ khắc phục được một số bất cập trong phân loại phim hiện nay.
* Là nhà quản lý, cũng là chuyên gia về lý luận phê bình điện ảnh, bà có cảm thấy lo lắng về tình trạng này?
- Sử dụng cảnh nóng và bạo lực là cách thông thường mà các nhà làm phim “thích” dùng, trong đó có cả mục đích “câu khách” nhưng cũng nhiều bộ phim được cho là phim nghệ thuật như Sống trong sợ hãi, Cánh đồng bất tận, Chơi vơi, Bi đừng sợ, Đập cánh giữa không trung… vẫn có những cảnh đạt độ “nóng” bằng hoặc hơn những phim bạn vừa nêu.
Quả là việc phân loại phim để cấp phép phổ biến được làm rất nghiêm túc, nhưng việc các nhà sản xuất gần đây đưa những những cảnh nóng hay bạo lực vào trailer, poster, tung lên mạng hay các phương tiện truyền thông để quảng cáo cho phim nhiều khi quá đà. Nhất là những cảnh đã bị khuyến cáo trong các phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi mà đưa lên tràn lan là điều không nên. Cục Điện ảnh đã có công văn nhắc nhở các hãng phim nghiêm túc thực hiện Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo và các quy định liên quan, nhưng tôi cho rằng sự hợp tác của truyền thông để thực hiện luật pháp là rất quan trọng. Rất mong các cơ quan báo chí truyền thông quan tâm đến việc này và thận trọng hơn khi quảng cáo cho phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi.
* Xin bà cho biết, trong các phim 16+ kể trên có bản gửi duyệt nào đã phải chỉnh sửa, cắt cúp để đủ tiêu chuẩn ra rạp?
- 4/6 bộ phim trên phải cắt sửa, là Mất xác, Hiệp sĩ mù, Lạc giới, Hương Ga.
* Phim Sống cùng lịch sử có cảnh nhân vật nữ chính tên Nga “nude” ở trong phòng tắm hay cảnh cô gái tên Dương trong lúc giả trai, để lộ hoàn toàn bộ ngực. Chính tôi là người xem cũng khá băn khoăn với hai cảnh này, nhất là khi phim Sống cùng lịch sử được chiếu rộng rãi?
- Thực tế khi duyệt hòa âm, Hội đồng nghiệm thu đã yêu cầu hãng phim và đạo diễn cắt hầu hết các cảnh nude không thực sự cần thiết đối với nội dung phim. Còn một vài cảnh bạn nói đều có liên quan đến nội dung, diễn biến câu chuyện và không đến mức phải phân loại cấm trẻ em dưới 16 tuổi, vì chuyển cảnh rất nhanh và không có yếu tố kích thích hay gợi dục nên phim được cho phép phổ biến rộng rãi.
* Một vấn đề không chỉ truyền thông mà cả công chúng, trong đó có các bậc phụ huynh, quan tâm: Phim đã dán nhãn rồi, nhưng việc kiểm soát khán giả dưới 16 tuổi xem phim thì sao, thưa bà?
- Việc kiểm soát khán giả thuộc trách nhiệm của các rạp chiếu phim và sự phối hợp của các cơ quan thi hành pháp luật (Thanh tra văn hóa, An ninh văn hóa…). Hàng tháng, Cục Điện ảnh đều có văn bản thông báo danh mục các phim được Cho phép phổ biến rộng rãi hoặc cho phép phổ biến với điều kiện cấm trẻ em dưới 16 tuổi đến các cơ quan liên quan để phối hợp .
* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Hà Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags